Hành khách và “hành” khách

Thứ tư, ngày 18/01/2012 07:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 2005, một tờ báo đã công bố một bức ảnh tư liệu khiến người xem xúc động. Bức ảnh được chụp ngày 5.3.1985 cho thấy cảnh đu bám chật cứng bên ngoài cửa sổ một chiếc xe chở khách. Không phải vô cớ khi người dân bấy giờ tự trào hai từ "Hành khách" thành ra: "Hành" khách.
Bình luận 0

Còn đây là chuyện của "hôm nay", lá thư của một "hành khách" gửi cho một tờ báo đã mô tả cảnh tượng: Những hành khách buộc phải ngồi giữa lối đi, trong tư thế bó gối với chân tay tê dại và gần như không thể xoay xở. Cửa xe khóa chặt với 1 thanh gỗ đặt ngay rãnh bậc lên xuống để "nhồi" 8 thượng đế. Và thế là những hành khách muốn về nhà đã phải vừa đứng, vừa ngủ, "đi vệ sinh theo nhu cầu của tài xế" suốt hành trình từ TP.HCM ra Thanh Hóa, dài "chỉ" 1.500 km.

Những cảnh tượng hành hạ hành khách gần 3 thập kỷ trước giờ đây cũng không khác là bao, nhất là những dịp năm hết tết đến.

Nguyên nhân ai cũng nhìn thấy: Vận tải đường bộ quá tải nghiêm trọng khi nhu cầu tăng đột biến.

Năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định 45CP bật đèn xanh cho mô hình HTX GTVT. Bấy giờ, cả nước mới chỉ có 632 HTX vận tải và trên khắp các quốc lộ huyết mạch, tràn ngập những “hình ảnh đu bám, leo trèo”. Có thể nói đây là điểm khởi đầu cho một cuộc cách mạng trong vận tải. Đến năm 2010, cả nước có tới 1.086 HTX, liên hiệp HTX vận tải, đảm nhiệm tới 48% khối lượng vận tải hàng hoá cả nước, trong đó vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ chiếm tỷ trọng tuyệt đối: Tới 70% năng lực vận chuyển toàn ngành. Hoạt động trên các lĩnh vực đường bộ, đường sông, vận tải hành khách và hàng hoá, HTX vận tải thu hút sự tham gia của trên 10.000 hộ xã viên và 70.000 xã viên. Tại TP.HCM, thậm chí 80% lượng vận tải hành khách và hàng hóa là do tư nhân đảm nhiệm.

Xã hội hoá đường sắt cũng được hô hào từ gần 10 năm nay. Tuy nhiên, loại hình vận tải ưu việt và an toàn này vẫn chỉ thuộc về một cái tên là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Vì thế, cũng chỉ ở VN mới còn cảnh mua vé bằng công văn. Và cò vé. Thực tế cũng có trên dưới 20 DN tham gia “xã hội hoá”, nhưng việc tư nhân hoá, chỉ dừng cao nhất ở mức nối thêm toa của tư nhân vào đoàn tàu nhà nước.

Còn hàng không? Năm 2008, khi Indochina Airline khai trương chuyến bay đầu tiên với tuyên bố “Cái gì người Việt cũng có thể làm”, dư luận đã kỳ vọng vào một “thị trường bay có cạnh tranh”. 5 năm sau, nhạc sĩ Hà Dũng vướng vào món nợ vài chục tỷ. Không có gì khó hiểu khi một nhạc sĩ, dù tỷ phú, phải cạnh tranh với người khổng lồ VNA với tiềm lực tài chính gần như không giới hạn, cạnh tranh một cách cam chịu và với cái thế của một kẻ xác nhận thua ngay từ đầu.

Sự “ra đi” của Indochina Airline quả rất đáng tiếc, bởi chí ít trước đây nó cũng chính là điều hy vọng giúp người dân không bị nhồi nhét mỗi đợt xuân về.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem