Hành trình "đứng tim" để đến với ngôi đền tranh cãi Preah Vihear

Thứ năm, ngày 15/12/2011 12:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chúng tôi có mặt trước cổng đền Preah Vihear. Tận mắt thấy quân lính Campuchia đứng nhiều trên chiến sự, trong lô cốt, những họng súng đen ngòm và nhiều quả mìn đang giăng dọc lối đi nằm sát biên giới Thái Lan...
Bình luận 0

Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2008, ngôi đền Preah Vihear (ở Campuchia sát biên giới Thái Lan) trở thành điểm nóng bởi hàng loạt cuộc giao tranh bằng súng giữa hai nước. Đầu tháng 12.2011, PV Báo NTNN đã có cuộc hành trình đến với ngôi đền nổi tiếng khắp thế giới này.

Chặng đường gian nan…

Trước khi lên đường đến đền Preah Vihear 2 tháng, tôi có dò hỏi nhiều công ty du lịch lữ hành ở TP.HCM xem có tour du lịch nào đến tham quan đền… Nhưng câu trả lời hiện tại chưa có vì còn nguy hiểm và chặng đường từ TP.HCM sang đền Preah Vihear quá gian nan… Theo họ nếu xuất phát từ TP.HCM thì phải mất hơn 2 ngày và phải di chuyển trên nhiều tuyến xe đò hơn 700km mới tới được đền.

Tôi điện thoại hỏi ông Trịnh Quốc Minh – Giám đốc Công ty Du lịch Lữ hành Panha Blue Star (Việt kiều ở Phnom Penh, Campuchia), ông Minh trả lời hiện tại chưa có công ty nào ở Phnom Penh mở tour du lịch đến điểm nóng này. Khách muốn đi phải tự thiết kế.

img
Phóng viên Báo NTNN (phải) cùng một người lính Campuchia trước đền Preah Vihear.

Rất may, khi nhận được “tín hiệu”, ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Du lịch Dã ngoại Lửa Việt (TP.HCM) hồi âm cho biết sẽ cố gắng cùng tôi đi viếng đền Preah Vihear. Ông cho hay, mục đích là khảo sát xem để mở tour du lịch đưa khách Việt Nam sang tham quan ngôi đền. Ông Mỹ còn cẩn thận tuyển một tài xế có kinh nghiệm lái xe đò và giỏi đường sang Campuchia là anh Nguyễn Văn Lãm, hiện lái xe buýt tuyến TP.HCM – Phnom Penh cho Hãng xe đò Mây Hồng.

Khi đoàn xuất phát thì ông Trịnh Quốc Minh – Giám đốc Công ty Du lịch Lữ hành Panha Blue Star ở Phnom Penh cũng quyết đi cùng để khảo sát việc đưa khách du lịch từ Phnom Penh lên viếng đền.

Chúng tôi rời TP.HCM từ mờ sáng qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), làm thủ tục nhập cảnh vào nước bạn. Chỉ gần 700km, đi qua các tỉnh Kampong Cham, tỉnh Tbenh MeanChey, tỉnh Preah Vihear những phải đến trưa hôm sau chúng tôi mới có mặt ở chân núi nơi đặt đền.

Chúng tôi phải đăng ký và được sự cho phép của Bộ Tư lệnh tiền phương (thuộc Bộ Quốc phòng Campuchia) mới được vào chân núi. Tại đây, chúng tôi tiếp tục được lực lượng quân sự kiểm tra một lần nữa rồi yêu cầu cả nhóm phải chuyển sang xe chuyên dụng do tài xế của họ lái.

Chiếc xe vượt qua cung đường đang xây dựng bên vách núi cheo leo, có những đoạn cua qua eo núi đầy nguy hiểm, những đoạn dốc như đứng với tốc độ khá cao khiến chúng tôi muốn đứng tim! Tài xế người Campuchia cười nói: “Bây giờ còn dễ đi đấy, trước đây còn nguy hiểm hơn gấp chục lần…”.

Khoảng 11 giờ 30 ngày 7.12.2011, chúng tôi có mặt trước cổng đền Preah Vihear. Tận mắt thấy quân lính Campuchia đứng nhiều trên chiến sự, trong lô cốt, những họng súng đen ngòm và nhiều quả mìn đang giăng dọc lối đi nằm sát biên giới Thái Lan, chúng tôi ớn lạnh!

Ngôi đền lịch sử

Đền Preah Vihear được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 9 trên một chỏm núi thuộc núi Dângrêk ở Campuchia, sát biên giới Thái Lan. Trong nửa đầu thế kỷ XI và XII, phần lớn ngôi đền được xây lại dưới triều đại các Vua Suryavarman I và Suryavarman II. Theo các nhà khảo cổ, từ các di vật tìm thấy ở khu vực xung quanh thì đền Preah Vihear còn là khu định cư quan trọng của Đế chế Khmer trong thế kỷ XII. Ngoài ra, đền còn để cho các vị vua đến đây cúng bái thần linh…

Gần đến khu vực đền, càng có nhiều doanh trại quân đội của Campuchia đang đóng quân. Bằng mắt thường tôi thấy rõ những chiếc xe tăng thiết giáp, những khẩu pháo hạng nặng nằm 2 bên đường.

Do ngôi đền nằm gần biên giới Campuchia và Thái Lan nên khu vực này bị tranh chấp. Năm 1962, Tòa án Quốc tế vì Công lý (International Court of Justice) phán quyết ngôi đền thuộc chủ quyền của Campuchia.

Năm 1982, đền bị quân Khmer Đỏ chiếm đóng và mãi đến cuối năm 1998, quân đội Campuchia mới giành lại được. Mặc dù đền nằm trên phần đất Campuchia nhưng do xây trên một mỏm đá dựng đứng cheo leo nên lối vào đền từ phía Campuchia khó khăn. Lối vào dễ nhất là đi từ phía cổng của Vườn quốc gia Khao Phra Viharn của Thái Lan. Ngược lại, Campuchia cũng cho phép khách viếng đền không cần visa và người dân hai bên chia nhau lợi tức từ phí vào cửa...

Tháng 6. 2008, UNESCO họp tại Canada và công nhận đền Preah Vihear là Di sản thế giới (đây là di sản thế giới thứ ba của Campuchia, trước đó là đền Angkor Wat được công nhận vào năm 1992 và Điệu múa hoàng gia năm 2003). Kể từ đó, những cuộc giao tranh nổ súng ác liệt xảy ra giữa quân đội Campuchia và Thái Lan.

Vừa bước vào cấp thứ nhất, chúng tôi cảm thấy như bị hút hồn bởi kiến trúc của ngôi đền vô cùng hoành tráng, uy nghi... Nét chạm khắc trên đá tinh xảo, đầy thẩm mỹ, những hoa văn điêu khắc trên mặt đá đậm chất Khmer…

Theo quan sát của chúng tôi, kiến trúc phức hợp của ngôi đền chạy theo trục bắc nam dài khoảng 800m, bao gồm một bờ đường đắp cao và những bậc tam cấp dẫn lên điện thờ nằm trên đỉnh khu vực đền thờ phía nam (cao hơn 700m so với mặt nước biển). Điều đáng tiếc là phần lớn các kiến trúc phụ xung quanh đền bị đổ nát do thời gian và chiến tranh tàn phá…

-----------------

Bài 2: Khu quân sự trên đền

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem