Hành trình khát máu của tên Tây lai thời chiến tranh Việt Nam

Thứ tư, ngày 14/08/2019 14:34 PM (GMT+7)
Jean Léon Leroy là con thứ ba của tên lính săn đã giải ngũ René Théophile Leroy, dân địa phương thường gọi là "Tây La Ra".
Bình luận 0

Trong kháng chiến chống Pháp, Bến Tre là một trong những nơi mà lực lượng cách mạng gặp nhiều khó khăn trong việc bám đất bám dân để tổ chức kháng chiến. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do sự dã man, hung bạo của tên Tây lai Léon Leroy. Thời kỳ làm Quận trưởng Bình Đại (1945 - 1950), sau đó, trong những năm 1950 - 1952, khi làm Tỉnh trưởng Bến Tre, áp dụng "mô hình" của Bình Đại, Leroy tiếp tục gieo rắc tội ác cho nhân dân cả tỉnh.

Chân dung tên Tây lai Leroy

Jean Léon Leroy là con thứ ba của tên lính săn đã giải ngũ René Théophile Leroy, dân địa phương thường gọi là "Tây La Ra". Théophile Leroy người gốc đảo Corse, mãn hạn đi lính ở Đông Dương không về xứ mà đến Bình Đại làm chân gác rừng bần ven biển Bình Đại cho tên thực dân người Pháp Christophe, thường gọi là Ký Tốt. Leroy nhân đó dựa hơi Ký Tốt để chiếm đất làm địa chủ. Tại đây hắn cưới một "me Tây" tên là Võ Thị Khánh, người gốc Gò Công, dân địa phương gọi là "cô Năm". Bà ta là dân buôn bán hàng chuyến, sống buông thả, sang Bình Đại gặp Théophile Leroy và lấy nhau rồi trở thành địa chủ.

img

 Leroy. Ảnh: N.M.H. (chụp lại từ ảnh tư liệu của ông Lê Quang Trò (Chín Quang), nguyên Bí thư huyện uỷ Bình Đại).

Vợ chồng Leroy làm chủ 500 mẫu đất (có tài liệu nói gần 1.000 mẫu vừa đất ruộng vừa đất vườn), phần lớn nay thuộc xã Bình Thắng. Chúng bắt dân khai hoang thành đất tốt rồi tìm nhiều cách để chiếm đoạt, sau đó cho nông dân thuê cày cấy để thu tô. Đến mùa, chúng lội xuống ruộng đồng, đến nhà từng người dân để thu lúa, không thiếu một giạ. Nhân dân trong vùng gọi Théophile Leroy là "Tây ăn mắm sống" vì khi hắn đến nhà nông dân, gặp gì ăn nấy. Còn những người có học gọi hắn là "Tây nói tiếng bồi" vì hắn ta vốn không được học hành gì mấy. Vợ chồng này có 3 con, trong đó có một con trai tên là Michel, vốn bị câm, nên người dân gọi là "Câm". Léon là con thứ ba và là đứa con trội nhất.

Léon Leroy sinh năm 1920 tại Bình Đại. Lớn lên, Léon được gửi học tú tài ở Trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, sau đó vào lính và được đi học trường sĩ quan trù bị Ton của quân đội Pháp ở Sơn Tây. Hắn ra trường với cấp bậc chuẩn úy. Thỉnh thoảng, hắn vẫn về quê mẹ ở thị trấn Bình Đại. Với đầu óc chứa đầy tham vọng pha chút máu giang hồ vặt, lại là con chiên lai Pháp ngoan đạo, hắn chọn con đường tiến thân bằng binh nghiệp.

Nhật đảo chính Pháp, Léon Leroy bị bắt giam ở Sài Gòn, tháng 9/1945, được thả ra và chạy theo quân đội viễn chinh Pháp. Pháp chiếm lại Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ, hắn có công tổ chức lực lượng thân binh đầu đỏ, dẫn đường cho quân đội Pháp đánh chiếm Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ nên được thăng cấp thiếu úy cuối năm 1945 (vì vậy hắn thường được gọi là "Một On" - quan một là cấp thiếu úy, On là tên Léon của hắn theo cách gọi của dân địa phương). Đầu năm 1946, hắn dẫn đầu lính đầu đỏ theo quân viễn chinh Pháp dưới quyền chỉ huy của đại úy De Champorant về tái chiếm cù lao An Hóa và trực tiếp chiếm đóng khu vực Bình Đại.

Thực dân Pháp dùng Léon Leroy thay cho bọn sĩ quan Pháp là nhằm mục đích "dùng người Việt đánh người Việt", "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh", mà thực chất là tiêu diệt kháng chiến, chiếm đóng và thống trị lâu dài đất nước ta và riêng đối với cù lao An Hóa, nơi được bọn thực dân xâm lược coi là có điều kiện để làm thí điểm thực hiện chính sách thâm độc nói trên. Không chỉ vậy, dưới mác tôn giáo, Léon Leroy là con cờ của thực dân Pháp nhằm xây dựng một lực lượng tín-đồ-binh-sĩ để sẵn sàng "tử vì đạo".

Hành trình khát máu của Léon Leroy và tay chân

Đầu tháng 12/1945, địch bắt đầu thực hiện kế hoạch tái chiếm cù lao An Hóa. Chúng cho máy bay bắn phá dọc theo sông Ba Lai và sông Cửa Đại, phong tỏa các đường đi lại của ta trên sông, tăng cường các hoạt động do thám, tung tin thất thiệt, móc nối với bọn tay sai đang nằm im chờ cơ hội ngóc đầu dậy, gây rối an ninh trong xóm ấp, tạo tâm lý hoang mang lo sợ trong quần chúng.

Ngày 15/12/1945, Léon Leroy chỉ huy một trung đội lính thân binh đầu đỏ (partisan) đổ bộ lên vàm Bà Trang, đột kích chớp nhoáng vào chợ Bình Đại rước mẹ hắn và bắt đi một số người.

img

 Leroy đang phủ dụ các bà xơ (ảnh trong hồi ký "Việt Nam máu lửa quê hương tôi" của Đỗ Mậu, NXB văn nghệ 2007).

Sau khi chiếm đóng xong các tỉnh xung quanh, tháng 2/1946, giặc Pháp bắt đầu thực hiện kế hoạch tái chiếm cù lao An Hóa (địa bàn huyện Bình Đại hiện nay) và toàn bộ tỉnh Bến Tre.

Sau khi Pháp chiếm Bến Tre và cù lao An Hóa (lúc bấy giờ còn thuộc tỉnh Mỹ Tho), Léon Leroy được cử giữ chức "Đại lý hành chánh tạm thời" ở cù lao này. Tại đây, hắn đã tổ chức những cuộc càn quét, đốt phá, tàn sát tập thể ở nhiều nơi. Do những "thành tích" đánh phá phong trào cách mạng, tháng 7/1947, hắn được cử làm quận trưởng An Hóa. Cũng trong thời gian này, hắn đã sáng lập ra đội quân cuồng tín "Bảo vệ đạo Thiên Chúa" - UMDC. Và chính tổ chức này với chính sách đốt sạch, phá sạch, giết lầm hơn bỏ sót, như một hung thần khát máu, hắn đã giết hơn 3.000 dân Bình Đại trong vòng 3 năm, và nếu kể cả Bến Tre, con số bị giết lên đến cả vạn.

Tội ác đẫm máu của Léon Leroy và đạo quân "uống máu dân chúng" của hắn là những trang sử bi thảm nhất của quận An Hóa (Bình Đại ngày nay) trong thời kỳ chống Pháp.

Ngày 6/1/1947 (tức rằm tháng Chạp âm lịch năm Bính Tuất), tổ công tác của dân quân Bình Đại bị địch phục kích, người của ta chạy thoát nhưng địch lấy được tài liệu trong đó có bản danh sách của dân quân tự vệ mật làng Bình Đại. Léon Leroy bắt tập trung 112 người thuộc ấp Bình Thạnh (nay là xã Thạnh Trị) đưa ra vàm Bà Khoai (gần thị trấn Bình Đại hiện nay) bắn chết và đạp xác xuống sông Cửa Đại, trong số này chỉ có 2 người may mắn tháo được dây trói chạy thoát.

Ngày 20/1/1948 (29 tết), Léon Leroy lại bắt tiếp 14 người tại ấp Bình Huề (nay là xã Đại Hòa Lộc) chặt đầu bỏ vào giỏ rồi đem ra bêu tại chợ Bình Đại buộc thân nhân người chết phải ra giữa chợ nhận đầu người thân đem về chôn mà không được kêu khóc.

Từ giữa đến cuối năm 1946, Léon Leroy tổ chức ra nhóm chuyên ám sát giết người gọi là "đảng hắc y" (đảng áo đen), còn có tên là "đảng sọ người" vì trên mũ của chúng có đính huy hiệu chiếc sọ người và 2 chiếc xương bắt chéo. Bọn này ban đêm bắt người đi thủ tiêu rồi vu khống là Việt Minh sát hại. Chúng giết người rất dã man: chặt đầu, mổ bụng, móc lấy gan mật. Man rợ nhất là chúng uống rượu, ăn gan người, uống say lại đi bắt và giết người.

Thời kỳ lên làm chủ quận An Hóa thay cho De Champorant, Léon Leroy sử dụng bọn "sọ người" và lính đầu đỏ càn quét các làng trong quận; những nơi chúng hành quân đi qua chỉ còn lại những đống tro tàn, máu và nước mắt. Bọn tay chân của hắn tha hồ nhúng tay vào máu, cả những tên hội tề, chủ ấp cũng trực tiếp giết người.

Để khống chế nhân dân, uy hiếp kháng chiến, chúng bắn giết người rất bừa bãi. Gia đình có người đi kháng chiến bị khủng bố hành hạ đủ điều. Đêm đêm trai tráng phải đi ngủ khóm, ngày làm đồn bót cho chúng. Ai không làm theo hoặc trốn tránh sẽ bị bỏ tù hoặc bắn bỏ. Nơi nào có hoạt động của ta thì lính đầu đỏ đốt hết nhà cửa, hãm hiếp phụ nữ. Hàng đêm ở Rạch Miễu, cầu Ba Lai, cầu tàu An Hóa, Phú Thuận, Bến Đình, vàm Bà Khoai thường xảy ra những cuộc bắn giết, súng nổ, người chết, xác người trôi trên sông không lúc nào dứt…

Từ những trung đội lính thân binh đầu đỏ ban đầu, tháng 7/1947, Léon Leroy được tướng De La Tour, Tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương, cho phép thành lập 3 Chiến đoàn lưu động Công giáo để bảo vệ Bến Tre (UMDC), do Lèon Leroy làm Thanh tra với cấp bậc đại úy. Nhân dân thường gọi bọn này là đội quân "uống máu dân chúng". Léon Leroy tập luyện bọn này rất công phu. Từ chỗ hành quân thông thường đốt nhà, cướp của, hãm hiếp, giết người, đóng đồn bót theo chiến thuật "mạng nhện" của De la Tour, hắn còn huấn luyện bọn này đủ kiểu giết người man rợ nhất. Năm 1948, lực lượng vũ trang này đổi thành "Tiểu đoàn Phụ lực quân" (Forces Suppletifs) thuộc quân đội viễn chinh Pháp do Leroy chỉ huy với cấp bậc trung tá. Với "chiến tích" hành động dã man tàn sát dân chúng, năm 1949, Léon Leroy được thăng cấp đại tá.

Oán thù chồng chất, dân đồng lòng nổi dậy

Ngày 28/10/1946, Chi đội 19, bộ đội chủ lực của Bến Tre phối hợp với Phân đội Nguyễn Trung Trực của đồng chí Bùi Sĩ Hùng và dân quân địa phương diệt đồn Nhà giấy tại ngã tư Lộc Thuận, đánh tan quân cứu viện của địch từ cụm Thới Lai xuống, tên Leroy bị thương chạy thoát chết. Bọn địch đóng ở đồn Tân Định hoảng hốt bỏ đồn chạy về Rạch Gừa, đơn vị của đồng chí Cao Thành Sang chặn đánh thu 12 súng.

Ngày 15/3/1947, Chi đội 19 lại kết hợp với lực lượng vũ trang và dân quân địa phương đánh đồn Tân Định, chặn viện từ Bình Đại lên và An Hóa xuống. Ta tiêu diệt 1 tiểu đội "hắc y" lên tiếp viện cho đồn Tân Định tại ngã ba Cây Trôm, đánh thiệt hại nặng bọn từ Bình Đại lên ở phía Cả Nhỏ (Bình Trung), đánh tan bãi xe chở bọn lính Pháp từ An Hóa xuống cứu viện tại đoạn đường Thới Lai xuống Phú Vang. Trong trận này, nhân dân địa phương tham gia rất hăng hái. Diệt được Đội Trừ và Đội Phạm, hai tên ác ôn trong "đảng hắc y", nhân dân trong vùng Hòa Thinh rất phấn khởi.

Sau thất bại ở Tân Định - Lộc Thuận, địch thực hiện âm mưu phản kích đẩy lực lượng ta ra xa, mở rộng vùng chiếm đóng, tăng cường khống chế vùng tạm chiếm. Cuối tháng 3/1947, chúng càn quét Giồng Kiến (Phú Long) đốt 150 ngôi nhà, tàn sát nhân dân. Đồng bào và cán bộ phải rút qua cù lao Lá. Từ tháng 4 đến giữa năm 1947, Leroy hành quân tái chiếm các làng Thừa Đức, Thới Thuận, đóng thêm đồn bót dày đặc dọc tuyến sông Ba Lai và sông Cửa Đại, đẩy lực lượng ta ở các làng khu vực Hòa Thinh sang phía cù lao Bảo, lúc này đang còn nhiều nơi là vùng tự do.

Trong những tháng đầu năm 1948, địch tập trung lấn chiếm các xã còn lại của vùng Hòa Quới, ta vẫn duy trì một số hoạt động du kích ở khu vực Hòa Thinh. Tháng 3/1948, du kích ném lựu đạn vào Hội chợ do Léon Leroy tổ chức tại chợ Bình Đại. Tháng 6/1948, kết hợp với cơ sở trong lòng địch, ta lấy đồn Thới Thuận lần thứ hai. Cuối năm 1948, địch chiếm đóng toàn bộ huyện, phong trào tạm lắng xuống.

Cuối năm 1949, Công an Xung phong huyện đã phục kích tại xã Quới Sơn (Châu Thành) bắn tên Léon Leroy bị thương nặng. Hắn phải nghỉ một thời gian dài để về Pháp chữa bệnh. Sau đó hắn được đề bạt đại tá và trở về làm Tỉnh trưởng Bến Tre (12/1949).

Để ngăn chặn mưu toan tiếp tục chiếm đóng cù lao Minh của địch, cuối năm 1949 đầu năm 1950, chiến dịch Bến Tre được mở ra bao gồm vùng Chợ Lách và phía tây Mỏ Cày, hướng phối hợp là vùng trên của huyện Sóc Sãi cùng các hoạt động khác trong toàn tỉnh.

Kết thúc chiến dịch, ta diệt 4 đồn, giải phóng xã Tân Bình và tiến vào võ trang tuyên truyền ở khu Công giáo Cái Mơn, Cái Nhum, chặn đánh hai mũi tiến quân của Pháp và ngụy vào cứu viện. Lực lượng ta dừng chân tổng kết ở Tân Trung, Minh Đức, Hương Mỹ. Léon Leroy điều một tiểu đoàn sang Tân Trung càn quét thăm dò, bị Tiểu đoàn 307 bao vây tiêu diệt gần hết.

Sau khi ta mở chiến dịch Bến Tre đánh địch ở cù lao Minh (tháng 7/1950), đến tháng 9/1950, địch điều động hắn về làm Tỉnh trưởng, kiêm Chỉ huy trưởng Tiểu khu Bến Tre, các tiểu đoàn UMDC về làm lực lượng cơ động cho Tiểu khu.

Từ cuối năm 1952, do sự phát triển của chiến trường, uy thế của Léon Leroy ngày càng sa sút. Các đơn vị UMDC, chỗ dựa của hắn bị tiêu hao nặng. Ngày 1/12/1952, tướng Nguyễn Văn Hinh được cử làm Tham mưu trưởng quân đội bù nhìn, chủ trương nhập lực lượng UMDC vào quân đội hoàng gia Bảo Đại, bất chấp sự phản đối của hắn. Leroy được rút sang Mỹ Tho làm chỉ huy trưởng phân khu (thực quyền không còn như trước), đưa Nguyễn Thi Giỏi lên làm Tỉnh trưởng Bến Tre. Tham vọng đổ vỡ, Léon Leroy bất mãn bỏ lên Sài Gòn. Tháng 4/1953, hắn xin chuyển về Pháp.

Vào cuối thập niên 50 đầu 60, Léon Leroy trở thành ông chủ một đồn điền nho lớn ở Algeria...

Léon Leroy chết tại Pháp năm 2005.

XEM THÊM:

Nguyễn Minh Hải (An ninh Thế giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem