Hành trình trở thành chuyên gia tâm lý của chàng sinh viên khiếm thị
Hành trình trở thành chuyên gia tâm lý của chàng sinh viên khiếm thị
Thứ hai, ngày 04/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
Bình An và mẹ đều là người khiếm thị, bị cha bỏ rơi, hai mẹ con đã phải vật lộn với cuộc sống vô vàn khó khăn. Nhưng không vì thế mà An cam chịu số phận.
Tạ Bình An - sinh viên ngành Tâm lý học khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN là tấm gương nỗ lực không ngừng để vượt lên số phận.
Chàng trai với nghị lực phi thường luôn cố gắng học tập, khắc phục mọi khó khăn với mong muốn trở thành một chuyên gia tâm lý, giúp ích cho những người thiệt thòi trong cộng đồng của mình. Hơn nữa, Bình An luôn mong muốn có được công việc ổn định để chăm sóc mẹ, thay mẹ gánh trên vai trách nhiệm gia đình.
Tuổi thơ cơ cực và hành trình vươn lên mạnh mẽ
Mình là Tạ Bình An, mình bị khiếm thị (khuyết tật nhìn) bẩm sinh, mình sinh ra trong vòng tay của mẹ, nhưng lại thiếu đi sự hiện diện của người cha. Mình và mẹ đều là người khiếm thị, và cuộc sống của mình không bao giờ dễ dàng. Mẹ và mình đã phải vật lộn để kiếm sống, xoay sở để trang trải cuộc sống hàng ngày và tự chăm sóc bản thân. Ngoài ra, chúng mình còn phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ xã hội. Thay vì lùi bước, những khó khăn đã trở thành động lực mạnh mẽ để mình vươn lên trong cuộc sống.
Đối với một sinh viên khiếm thị như bản thân mình gặp rất nhiều khó khăn trong học tập và sinh hoạt. Việc mất đi thị lực, khiến những công việc tưởng chừng như đơn giản trở nên khó khăn rất nhiều ví dụ như trong việc nấu ăn thay vì sử dụng thị giác mình sử dụng khứu giác và thính giác để có thể nghe được tiếng nước sôi và cảm nhận hơi nóng của thực phẩm. Hay vấn đề đi lại, trong những môi trường mới là mình hoàn toàn phải nhờ đến sự hỗ trợ của mọi người xung quanh.
Với bản thân mình, những chuỗi ngày thơ bé khi mất đi thị lực là khoảng thời gian khó khăn. Nước mắt mẹ chưa khô khi nhận được thông tin đứa con trai duy nhất của bà mất đi ánh sáng bởi căn bệnh đục thủy tinh thể thì nỗi đau lại ập tới khi người cha phụ bạc bỏ rơi hai mẹ con. Không cha, không ánh sáng, tuổi thơ mình lớn lên trong căn nhà tuềnh toàng rộng mười mấy mét vuông. Tuổi nhỏ mình không hiểu hết được những khó khăn khi mất đi thị lực mình chỉ buồn nỗi buồn của con trẻ không được đến trường không được vui chơi với bạn bè. Có những lần mình hỏi mẹ "tại sao con không được đến trường như các bạn?" Lúc đó, mẹ chỉ biết ôm mình và khóc.
Năm mình 8 tuổi, được sự hỗ trợ của một nhà hảo tâm mình có cơ hội chữa bệnh bằng phương pháp phẫu thuật tại bệnh viện mắt trung ương. Hai mẹ con dắt díu nhau lên Hà Nội với hy vọng một tương lai sáng lạng khi ánh sáng trở lại trong đôi mắt con. Nhưng hy vọng càng nhiều thì thất vọng lại càng nhiều, mình còn nhớ khoảnh khắc khi tháo băng bịt mắt xung quanh mình vẫn là một màn đêm vô tận. Thất vọng, bi quan và chán nản là tâm trạng của mình lúc đó. Tương lai mình sẽ là một người tàn phế là gánh nặng cho xã hội, suy nghĩ đó luôn ám ảnh và theo mình trong những đêm trường mất ngủ.
Còn mẹ sau khi biết ca phẫu thuật thất bại mẹ đã khóc rất nhiều nhưng bằng tình thương của một người mẹ, sự kiên cường của một người phụ nữ trải qua khó khăn trong cuộc sống mẹ đã đứng lên, trở thành điểm tựa của mình. Mẹ tìm kiếm và đưa mình nhập học tại trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (một môi trường | hòa nhập dành cho trẻ khiếm thị). Từ đó đến bây giờ, mẹ vẫn luôn đồng hành trên mọi trang đường của mình giúp mình vượt qua những khó khăn vất vả. Đến nay sức khỏe của mẹ đã không còn như xưa điều đó đã càng thôi thúc mình phải học tập để có thể tìm một công việc ổn định để chăm sóc mẹ, thay mẹ gánh trên vai trách nhiệm của gia đình.
Nỗi ác mộng mang tên “Bị kì thị”
Năm 2020 mình trở thành sinh viên ngành tâm lý của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội. Ở trong một môi trường mới mình đối diện với những khó khăn mới. Đối với một sinh viên luôn đòi hỏi tinh thần chủ động trong học tập bằng việc tra cứu tài liệu tuy nhiên do mất thị lực mình không thể đọc được các tài liệu định dạng bản in như sách, giáo trình... Mình cũng không thể theo dõi slide, các mô hình, hình ảnh, bảng biểu... Tất cả điều đó khiến cho học tập của mình trở nên khó khăn hơn so với các sinh viên không khuyết tật. Đặc thù của môi trường đại học là đăng ký học tín chỉ nên sinh viên phải thường xuyên di chuyển đến các phòng học tuy nhiên mình không thể tự di chuyển được mà luôn phải có sự hỗ trợ từ bạn bè và mọi người xung quanh.
Cuối cùng đây cũng là rào cản lớn nhất khi tham gia học tập tại môi trường đại học đó là kỳ thị phân biệt đối xử, mình đã từng phải nhận những câu hỏi nghi ngờ về năng lực của bản thân, những ánh mắt thương hại. Mình còn nhớ như in lần đầu tiên mình làm việc nhóm ở trường đại học khi biết mình là người khiếm thị các bạn trong nhóm thể hiện rõ sự không mong muốn mình trong nhóm và trong những nhiệm vụ được phân chia mình luôn bị gạt ra và trở thành một người vô hình trong nhóm. Đó là một trong rất nhiều lần mình gặp phải cảm giác này. Mình thật sự rất buồn và tủi thân.
Mong ước trở thành một chuyên gia tâm lý với niềm tin “nhóm người khuyết tật được đánh giá và đối xử công bằng”
Quay trở lại với khoảng thời gian học đại học, lý do mà mình đã chọn ngành tâm lý vì mình luôn quan tâm đến tâm lý con người và muốn hiểu rõ hơn về nhiều khía cạnh khác nhau của tâm trí. Mình luôn tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi như: Tại sao con người lại có cách suy nghĩ và hành động như vậy? Nội tâm của họ như thế nào? Và làm thế nào tâm lý có thể ảnh hưởng đến hành vi và cuộc sống của một người? Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn về tâm lý, mình nhận ra rằng nhóm người có nhu cầu hỗ trợ tâm lý đặc biệt là những người khuyết tật rất thiếu nguồn lực và sự quan tâm. Họ thường đối mặt với những khó khăn về cả vật lý và tinh thần, và không có nhiều lựa chọn để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Đó là lý do tại sao mình muốn mở một trung tâm hỗ trợ tâm lý cho người khuyết tật. Mình muốn khám phá những khía cạnh đặc biệt trong việc cung cấp dịch vụ tâm lý cho nhóm này, đồng thời tìm hiểu sâu hơn về cách tâm lý ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Mình muốn tạo ra một môi trường an toàn và chuyên nghiệp, mà người khuyết tật có thể tự tin chia sẻ những khó khăn của mình và nhận được sự hỗ trợ tận tâm.
Ngoài ra, mình cũng muốn nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của cộng đồng về tâm lý của người khuyết tật. Việc mở một trung tâm hỗ trợ tâm lý không chỉ giúp nhóm người này có được sự hỗ trợ cần thiết, mà còn có thể giúp loại bỏ các rào cản tâm lý và xã hội mà họ thường gặp phải. Mình hy vọng rằng việc tăng cường hiểu biết về tâm lý của người khuyết tật trong cộng đồng sẽ giúp xây dựng một môi trường thân thiện và đồng hành cho sự phát triển và hạnh phúc của họ.
Trong tương lai, mình muốn thấy nhóm người khuyết tật được đánh giá và đối xử công bằng, cũng như có quyền truy cập vào các dịch vụ tâm lý cần thiết. Mình tin rằng một trung tâm hỗ trợ tâm lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy những thay đổi này và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của nhóm người khuyết tật.
Một số thành tích trong hành trình nỗ lực của An:
- Phó chủ nhiệm đối nội CLB Hoa Đá, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN)
- Ủy viên đối nội CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội
- Giành được 2 Huy chương Vàng, 1 Huy Chương Bạc bộ môn điền kinh, bóng đá tại Hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ V năm 2013
- Luôn là sinh viên tham tích cực các hoạt động do Đoàn, Hội của trường tổ chức, luôn giữ thành tích tốt trong học tập qua ba năm liền với số điểm 3,2/4
- Tham gia CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội - xây dựng, tổ chức các hoạt động sinh hoạt, trao đổi về các cơ hội học bổng, khoa học, dự án phát triển bản thân và đóng góp cộng đồng người khuyết tật
- Tham gia với vai trò là ban tổ chức chương trình Trải Nghiệm Bóng Tối 2022, một sự kiện nhằm kết nối các doanh nghiệp và cộng đồng với người khiếm thị thông qua hoạt động trải nghiệm bóng tối như: chữ nổi, máy tính, định hướng di chuyển… từ đó các doanh nghiệp có thể hiểu hơn về năng lực của người khiếm thị.
- Tham gia với vai trò làm ban điều phối dự án HANSD Project 2022/2023, dự án nâng cao năng lực truyền thông qua hoạt động sản xuất phim của người khuyết tật.
- Tham gia với vai trò xây dựng và điều phối dự án Violence-free Love Project 2022, vì một tình yêu không bạo lực với người khuyết tật.
- Tham gia với vai trò là ban điều phối dự án White 2022, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho trẻ vị thành niên, các bạn học sinh khuyết tật trường GDNN & GDTX Nguyễn Văn Tố về vấn đề quấy rối tình dục tại trường học và cộng đồng
- Tham gia với vai trò là ban tổ chức chương trình tình nguyện Trao Tết Yêu Thương - Ấm Tình Trăng Khuyết 2022, đã trao 30 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn tại hội người mù TP. Phủ Lý, Tỉnh Hà Nam, mỗi suất quà có giá trị 500.000 (VNĐ)
- Tham gia với vai trò là ban tổ chức chương trình Trạm Kết Nối, nhằm kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật Việt Nam do câu lạc bộ sinh viên khuyết tật Hà Nội phối hợp cùng CLB Hoa Đá tổ chức
- Tham gia và đóng góp tích cực vào các tổ chức của người khuyết tật bản thân đang sinh hoạt như: Hội người mù tỉnh Hà Nam, CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội, Mạng lưới Sinh viên khiếm thị Việt Nam, CLB Hoa Đá trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.