Hành trình từ con số 0 đến bà chủ nghệ thuật chần bông
Hành trình từ con số 0 đến bà chủ nghệ thuật chần bông
Nhật Hà
Thứ năm, ngày 11/01/2024 14:00 PM (GMT+7)
Bằng kỹ thuật ghép vải và chần bông, từ những miếng vải nhỏ, một phụ nữ Hà thành đã tạo ra những sản phẩm thời trang đẹp mê mẩn như những tác phẩm nghệ thuật khiến nhiều người xuý xoa, trầm trồ.
Sự tình cờ khởi nguồn cho một tình yêu bất tận với may vá, nghệ thuật chần bông
Chân dung chị Phạm Như Quỳnh - người phụ nữ Hà thành đam mê may vá và nghệ thuật chần bông (Quilting). Ảnh: NVCC
Chị Phạm Như Quỳnh (sinh năm 1984 tại Hà Nội) được nhiều người biết đến như một người tiên phong với bộ môn nghệ thuật còn mới mẻ ở Việt Nam thông qua những sản phẩm khâu tay bằng cách ghép các tấm vải vụn thành một tấm vải hay chăn lớn và chần bông 100% thủ công (Quilting). Các tấm vải chần bông thường được sử dụng làm ga gối, ga giường được lót bông có khả năng chống lạnh hay dùng làm vải treo tường.
Một sản phẩm chần bông khéo léo, đẹp mắt của chị Quỳnh. Ảnh: NVCC
Nói về nhân duyên đến với nghệ bộ môn nghệ thuật có nguồn gốc từ châu Mỹ này, chị Quỳnh nhớ lại, khoảng thời gian năm 2013, khi đang nuôi con nhỏ, chị cảm thấy trầm cảm và mệt mỏi. Trong một lần lang thang trên mạng internet, chị tình cờ trông thấy hình ảnh về những miếng vải chần bông em bé rất sinh động và đẹp đẽ, ngay lập tức chị bị thu hút và tò mò về bộ môn nghệ thuật này, lúc đó chị luôn tự đặt câu hỏi là đây là bộ môn nghệ thuật gì mà lại lôi cuốn đến như vậy. Sau đó chị lên mạng tìm kiếm những video nước ngoài hướng dẫn làm chăn chần bông.
Nghệ thuật chần bông là sự sắp xếp những mảng miếng, dải sắc màu một cách ngẫu hứng bên cạnh nhau tạo nên những sản phẩm độc đáo. Ảnh: NVCC
"Cũng trùng với thời điểm đó, cô bạn của tôi quyết định chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Không biết tặng món quà gì cho ý nghĩa trước khi bạn lập nghiệp phương xa, từ một tấm vải đầu tiên mới mua, cũng như có trong tay được chút ít kỹ thuật chần bông nên tôi rất háo hức, và rồi tôi đã thiết kế một chiếc chăn chần bông có hình hoạ tiết thỏ để tặng cho cô con gái mới sinh tên Thỏ của bạn mình", chị Quỳnh tâm sự.
Sau đó khoảng 2 tuần, ông bà nội bé Thỏ (ở Hà Nội) đã tìm gặp chị Quỳnh để tận mắt xem cô may vá bởi bà là người rất thích đồ thủ công. Khi được trực tiếp gặp nữ may vá, bà nội Thỏ đã đặt thêm 2 chiếc chăn chần bông nữa.
Chăn hoạ tiết "hoàng tử bé" chắc chắn sẽ hấp dẫn các bé trai. Ảnh: NVCC
"Khi tôi đăng những chiếc chăn chần bông, tôi làm lên mạng xã hội, ngay lập tức tôi nhận được sự tương tác tốt từ những người mẹ có con nhỏ, và có được những đơn hàng đầu tiên. Khi ấy, tôi không nghĩ là mình sẽ theo đuổi nghề này, tôi chỉ đơn giản nghĩ là những sản phẩm mình làm ra có người thích. Hơn nữa, tính tôi thích được sáng tạo và tôi muốn được thử sức thiết kế những mẫu mã khác", chị cho hay.
Ban đầu, giá công chị Quỳnh lấy rất rẻ, vừa đủ để chị có thể mua thêm những cuộn chỉ, cây kim, nguyên liệu … từ nước ngoài để phục vụ cho kỹ thuật chần bông.
Đơn hàng tới tấp đơn hàng
Hình ảnh trang trí trên nghệ thuật chần bông đều là những hoạ tiết gần gũi, thân thiết trong cuộc sống. Ảnh: NVCC
Mặc dù là người mẹ không được học về mỹ thuật cũng như thời trang nhưng nhờ nhạy cảm về màu sắc và chăm chỉ trau dồi kỹ thuật chần bông, có nhiều khi chị ngồi lỳ hàng giờ để sáng tạo, mày mò những kỹ thuật chần bông khó, nên khi thời gian lặng lẽ trôi đi, công việc may vá của chị Quỳnh suôn sẻ, thuận lợi và có duyên khi cứ khách này đặt hàng xong thì lại có khách khác đăt. Và đơn hàng cứ tới tấp đơn hàng.
Ban đầu, chị Quỳnh rủ một cô bạn gái thân làm cùng, tới giờ số lượng nhân công làm cho chị Quỳnh đã tăng lên.
Chiếc túi có hoạ tiết hoa hồng làm các chị em mê mẩn. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về kỹ thuật làm ra một sản phẩm chần bông, chị Quỳnh cho biết, để bắt đầu làm một sản phẩm, chị thường hình dung trước trong đầu bố cục hình ảnh cũng như màu sắc phối, sau đó mới phác họa ra giấy, rồi tiến hành ghép và khâu. Tất cả họa tiết đều được tạo nên từ những mảnh vải nhỏ, độ cầu kỳ của tác phẩm còn nằm ở các đường chần khâu bằng tay.
Mỗi chiếc chăn có 3 lớp, trong đó lớp vải trên mặt được thiết kế như một bức tranh, bên dưới là lớp vải mềm, ở giữa là lớp bông. Đường chần bông để dính 3 lớp lại tùy theo từng bố cục mà tạo hình khác nhau như hình xoắn ốc, hình tròn, đường thẳng, hình gợn sóng…
Nghệ thuật chần bông khiến sản phẩm trở nên sống động. Ảnh: NVCC
" Tôi thường tìm hiểu nhiều kĩ thuật khâu vá cổ trên thế giới như sashiko của nhật, mola của Mỹ latin… kết hợp chúng lại trên các tác phẩm 100% chần bông của mình khiến chúng trở nên sống động, không bị nhàm chán hay bị ấn định bởi bất kì hình thức nào".
Chỉ bán hàng trên trang cá nhân nhưng vẫn đắt khách
Mặc dù chỉ bán online trên trang cá nhân, nhưng các sản phẩm chần bông của chị Phạm Như Quỳnh lại rất hút khách đặt mua. Ảnh: NVCC
Là một thợ may vá có yêu cầu khắt khe trước mỗi sản phẩm hoàn thành, nên dù không có cửa hàng, chỉ bán hàng trên trang cá nhân nhưng những sản phẩm có độ kỹ thuật cao, tỉ mỉ, trau chuốt của chị Quỳnh làm ra vẫn rất cuốn hút và được nhiều khách đặt may.
"Mặc dù khách hàng chỉ đặt hàng qua trao đổi online, nhưng khi họ nhận được kết quả cuối cùng sau 3-4 tháng đặt hàng, họ rất ngạc nhiên và ngỡ ngàng bởi sản phẩn họ nhận được lại ngoài sức mong đợi đến vậy". Chị Quỳnh tự hào.
Giá của các sản phẩm chần bông thủ công dao động từ 3,5 triệu, 60 triệu đồng, thậm chí có sản phẩm lên tới 100 triệu đồng tuỳ từng kích cỡ, và chất liệu thiết kế.
Nhìn lại chặng đường 10 năm đã qua với những thăng trầm, sóng gió, có những lúc tưởng như phải dứt nghề, đặc biệt ở giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát buộc chị phải bàn với cộng sự thanh lý toàn bộ sản phẩm, đồ nghề … Nhưng khi nhận được những lời bình luận, chia sẻ, kèm theo nuối tiếc với những sản phẩm chị Quỳnh làm ra, khiến chị lại vững tâm ở lại, và các sản phẩm chị làm ra ngày càng phong phú, đa dạng và đẹp mắt. Không chỉ có chăn bông, vỏ ga gối, áo khoác chần bông, túi, mũ mà còn nhiều phụ kiện làm đẹp khác.
Chị Quỳnh may vá bên ô cửa sổ tràn ngập màu xanh. Hình ảnh đẹp nao lòng như trong các bộ phim về giới quý tộc Âu Mỹ. Ảnh: NVCC
Sau hành trình 10 năm, chị Quỳnh giờ đây đã là bà chủ của thương hiệu may vá thủ công và được nhiều khách hàng cũng như những người làm việc trong lĩnh vực thời trang biết đến.
"Cảm ơn khách hàng, những người mà tôi có cơ duyên được trò chuyện, những người đã cho tôi có cơ hội được thể hiện khả năng của mình trên chất liệu truyền thống cũng như lan toả tình yêu với bộ môn nghệ thuật chần bông này tới những người có đam mê may vá như tôi". chị Quỳnh bộc bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.