Hành trình từ tay trắng nên nghiệp lớn của “vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi

Thứ sáu, ngày 14/10/2022 14:33 PM (GMT+7)
Với mệnh danh vua tàu thủy, Bạch Thái Bưởi từ hai bàn tay trắng lập nghiệp đã gặt hái nhiều thành công trên con đường kinh doanh, được xếp vào danh sách 4 người giàu có nhất Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.
Bình luận 0

Từ tay trắng làm lên nghiệp lớn

Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 ở làng Yên Phú, Thanh Trì, Hà Đông, Hà Nội. Từ một cậu bé mồ côi cha, đi vớt củi sông bán kiếm tiền, Bạch Thái Bưởi trở thành “vua tàu thủy Bắc Kỳ”, là 1 trong 4 người giàu nhất Bắc Kỳ khi đó.

Hành trình từ tay trắng nên nghiệp lớn của “vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi - Ảnh 1.

Chân dung doanh nhận Bạch Thái Bưởi

Bước đường lập nghiệp của Bạch Thái Bưởi bắt đầu từ bàn tay trắng. Thạo tiếng Pháp, giỏi tính toán, ông được làm thư ký cho Công sứ Bonnet - người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Để có cơ hội tiếp xúc với máy móc cơ giới và thu nhận những hiểu biết về cách tổ chức và quản lý sản xuất, năm 1894, ông chuyển sang làm việc cho một xưởng thuộc hãng thầu khoán.

Nhờ thông minh, lanh lợi, ít lâu sau, ông được sang Pháp. Choáng ngợp trước nền văn minh phương Tây, Bạch Thái Bưởi âm thầm học hỏi cách làm việc của người Pháp và nung nấu ý chí tự lực tự cường.

Trở về nước ông nghỉ việc, lao vào thương trường, một quyết định mà nhiều người cho là điên rồ và liều lĩnh. Thế nhưng, với suy nghĩ “khác người”, dám nghĩ dám làm, Bạch Thái Bưởi đã gạt đi tất cả những lời dèm pha để theo đuổi con đường kinh doanh.

Chỉ sau ba năm kinh doanh, ông đã trở nên giàu có và tách riêng để kinh doanh độc lập.

Năm 1909, Bạch Thái Bưởi bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ là ngành vận tải đường sông. Ông bắt đầu bằng việc thuê lại 3 chiếc tàu của một hãng tàu Pháp chở thư và hành khách đường sông Bắc kỳ, vừa hết hạn hợp đồng với chính phủ. Tuy nhiên, ông đã phải đối mặt với hai đối thủ nặng ký nhất là chủ tàu người Pháp và người Hoa.

Trong thế “trứng chọi đá”, Bạch Thái Bưởi nghĩ đến thứ vũ khí mà cả hai đối thủ trên đều không có, đó là tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Ông tin rằng sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình, chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của người Việt Nam vốn không ưa gì sự áp chế của ngoại bang.

Từ niềm tin đó, ông tìm ra những giải pháp hợp lý như đặt tên các anh hùng dân tộc cho các đội tàu của mình, tạo dựng các bến đỗ thuận tiện và giá vé hợp lý, cổ động đồng bào sử dụng phương tiện của ông để đi lại, giao thương trên các miền sông nước.

Từ thứ vũ khí đó, ông dần dần mạnh lên và phát triển, thâu tóm được các Công ty vận tải của người Pháp và người Hoa. Năm 1917 hãng Deschwanden phá sản, ông mua hết cả đội tàu 6 chiếc và nhận Deschwanden về làm công.

Từ đó, nhiều đội tàu của ông giao thương trên khắp miền sông nước và được giới doanh nghiệp đương thời tặng ông biệt hiệu “chúa sông Bắc kỳ”.

Trong vòng 10 năm (1909 -1919), Công ty Bạch Thái Bưởi đã có tới 30 chiếc tàu lớn nhỏ cùng nhiều xà lan với những đội tàu mang tên Phi Long, Phi Hổ, Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi… chạy hầu hết các tuyến sông miền Bắc rồi vươn ra các vùng lãnh thổ và các nước xung quanh như Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc.

Năm 1928 dự đoán trong tương lai ngành than đá sẽ phát triển mạnh, ông đầu tư khai thác than đá, mua lại hai hầm mỏ của người Pháp ở Bí Chợ và Cẩm Thực (tỉnh Quảng Yên) và một lần nữa, ông đã thành công.

Cùng với đóng góp về phát triển kinh tế, đóng góp quan trọng thứ hai của Bạch Thái Bưởi thuộc về lĩnh vực văn hoá. Ông bỏ vốn xây dựng nhà in lớn ở Hà Nội thời bấy giờ, mang tên “Đông kinh ấn quán” và xuất bản tờ Nhật Báo khai hoá (số đầu tiên ra ngày 15/7/1921).

Những dự định dang dở

Bạch Thái Bưởi còn dự định tạo dựng nhiều công trình như xây một nhà máy xay gạo ở Nam Định với những thiết bị tân tiến mua tận Hambourg (Đức), chương trình đặt ống cống, xây nhà máy nước, dựng nhà máy điện cho thành phố Nam Định và cả việc đặt đường sắt Nam Định – Hải Phòng,...

Hành trình từ tay trắng nên nghiệp lớn của “vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi - Ảnh 2.

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi ôm giấc mộng lớn: "Tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris".

Ông cũng dự định mua tàu viễn dương để chở than bán cho người ngoại quốc với lá cờ Bạch Thái Bưởi của người Việt tung bay phấp phới tại các cảng quốc tế...

Ông còn ôm giấc mộng lớn: “Tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”…

Tuy nhiên, tất cả những dự định này chưa kịp thực hiện thì ông mất đột ngột sau một cơn đau tim (7/1932) ở tuổi 58.

Đương thời, người ta đồn rằng, khi mất ông để lại bản di chúc viết tay dài tới 30 trang. Bản di chúc cho thấy tài sản của Bạch Thái Bưởi vô cùng lớn với ngân phiếu và bất động sản. Bạch Thái Bưởi để lại nhiều bất động sản ở khắp nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Uông Bí - Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An) Không chỉ bất động sản, ông để lại nhiều tàu, hầm mỏ.

Ngày nay, đánh giá về Bạch Thái Bưởi, người đương thời khẳng định ông là “một bậc vĩ nhân”, “một đấng trượng phu” trên thương trường.

Ông không chỉ là tấm gương sáng bởi những tôn chỉ nghiêm túc trên thương trường như thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hóa, ông còn nổi tiếng bởi tư tưởng tự tôn dân tộc.

Ngày nay hầu hết chúng ta đều thuộc câu" người Việt dùng hàng Việt". Ít ai biết rằng rằng slogan này đã có từ cách đây 100 năm, bắt nguồn từ câu nói “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam” của một doanh nhân Bạch Thái Bưởi.


Sơn Hà (Theo Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem