Hào hùng làng K130

Thứ hai, ngày 02/09/2013 12:44 PM (GMT+7)
Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về ngôi làng Hạ Lội xưa (hay làng K130 nay) vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
Bình luận 0
Trong cái đêm mà bom Mỹ cắt đứt huyết mạch giao thông Quốc lộ 1A, hơn 130 hộ dân đã tự nguyện dỡ nhà lấy gỗ lát đường cho xe vận tải qua...

Sau 45 năm, những nhân chứng lịch sử ở ngôi làng K130 nhiều người đã mất, số ít người còn sống đã ở vào tuổi xế chiều nhưng vẫn hừng hực khí thế mỗi khi nhắc lại những ngày tháng trên tuyến lửa thông đường cho xe ra tiền tuyến.

Anh Bảo vẫn còn lưu giữ chiếc chong chóng bom thả xuống vườn nhà ông Lê Bá Kiên (điểm đầu của đường tránh và bến xe) làm 2 cha con tử nạn.
Anh Bảo vẫn còn lưu giữ chiếc chong chóng bom thả xuống vườn nhà ông Lê Bá Kiên (điểm đầu của đường tránh và bến xe) làm 2 cha con tử nạn.

Cả làng dỡ nhà lót đường cho xe qua

Ông Trần Đình Trọng - nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Tiến Lộc nhớ lại: Khoảng 9 giờ ngày 13.8.1968, tôi nhận được giấy báo lên huyện họp khẩn với nội dung bảo đảm an toàn giao thông. Tôi đạp xe về huyện ngay, nhưng đường lên huyện bị bom đạn cày nát nhiều đoạn nên phải vác xe lên vai đi bộ. Hơn 1 giờ sau, tôi đến nơi, thì các đồng chí trong Ban an toàn giao thông tỉnh và lãnh đạo huyện, binh trạm giao liên đã ngồi chờ sẵn. Thông tin từ Ban an toàn giao thông tỉnh nêu rõ, tình hình chiến trường phía Nam hết sức cấp thiết, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển hàng chi viện. Nhưng hiện nay tuyến đường chính bị giặc Mỹ đánh hỏng, xe tắc, khắc phục rất khó khăn. Có rất nhiều chuyến xe đang nằm chờ đường thông mà nếu bị lộ thì thiệt hại sẽ rất lớn. Trên đã tính toán và đề nghị mở một tuyến đường tránh gọi là đường xế để xe qua phà, vượt sông tránh Quốc lộ 1A đoạn từ cầu Cổ Ngựa đến cầu Già, tuyến đường này chạy qua làng Hạ Lội, thuộc xã Tiến Lộc, vì vậy phải dời nhà dân làm đường cho xe qua...

Nhận lệnh xong, ông Trọng về làng Hạ Lội ngay để họp dân phổ biến chỉ đạo của trên. Khi ông xuống thì bà con đã tập hợp khá đông ở sân hợp tác xã. Ông vừa trình bày xong, bà con tức khắc hô to đồng tình... Ông Trọng bảo, đến giờ ông vẫn nhớ như in ý kiến của ông Lê Bá Kiên (hộ có nhà đầu tiên nằm trên con đường dự kiến mở): “Nước mất thì nhà tan, tôi nhất trí dỡ nhà đưa gỗ làm vật liệu lót đường cho xe qua”.

Còn ông Phạm Tiến Canh (84 tuổi) hiện ở thôn 3, làng K130 kể lại: Trong tình thế nước sôi lửa bỏng đó, không chỉ gia đình tôi dỡ hai căn nhà bằng gỗ lim mà toàn bộ 130 căn nhà của người dân trong làng đều được tháo dỡ, đưa hết gỗ ra lát đường cho xe qua. Đoạn đường dài 1,2km chạy qua ruộng, vườn canh tác lầy lội, vậy mà chỉ trong một đêm những người nông dân ở đây tự nguyện chặt tre, vác gỗ nhà mình và chuyển hàng trăm tấm phên xuống làm đường, mố cầu thông tuyến. Trong đó tiêu biểu nhất là bà Đinh Thị Trí, bà sống độc thân, tài sản có giá trị duy nhất là cỗ hậu sự mà bà cũng xin hiến để làm gỗ lót đường.

Ông Nguyễn Văn Chương vẫn rất hứng khởi  khi kể về làng K130 trong chiến tranh.
Ông Nguyễn Văn Chương vẫn rất hứng khởi khi kể về làng K130 trong chiến tranh.

Nhắc lại chuyện xưa, ông Nguyễn Văn Chương (82 tuổi) ở làng K130 xúc động: Lúc đó, gia đình tôi chỉ có một căn nhà duy nhất cũng dỡ ra làm đường. Không còn nhà để ở, gia đình tôi phải đi ở nhờ nhà bà con, nhưng mọi thành viên trong gia đình đều vui vẻ và cùng đồng cam cộng khổ. Đến 5 giờ chiều ngày hôm sau thì đoạn đường dài 3km, trong đó có 1,2km qua làng Hạ Lội hoàn thành. Ngay trong đêm, 130 chiếc xe chở hàng hóa chi viện miền Nam đã đi qua con đường này an toàn. Về phần dân làng, được sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân trong huyện, bà con đã dựng một làng mới ở cách làng cũ gần chục cây số. Đến năm 1971, bà con trở về làng K130 ngày nay.

Không còn chứng tích

Trong những năm tháng chiến tranh, giặc Mỹ đã trút xuống xã Tiến Lộc gần 19.000 quả bom, hơn 1.500 quả rốc két, làm 57 người chết, 151 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà và nhiều công trình hạ tầng bị phá hủy hoàn toàn. Mỗi trận oanh kích của địch đều gây nên bao cảnh tang thương cho nhân dân làng Hạ Lội. Anh Lê Bá Bảo (cháu ruột của ông Lê Bá Kiên) cho biết:

Ông Kiên là người đầu tiên ở làng K130 dỡ nhà ra làm đường, còn lại mảnh vườn ông hiến để làm bãi đậu xe ẩn nấp lúc đường bị tắc. Ngày 23.8.1968, ông Kiên cùng con trai là Lê Bá Tuỳn đang thông đường cho xe qua trong vườn nhà thì trúng bom, cả hai cha con tử nạn. Hay như bà Đinh Thị Trí đã dành cỗ hậu sự của mình để lót đường cho xe ra mặt trận, năm 1985 bà mất đã được hợp tác xã lo cho cỗ ván làm hậu sự đàng hoàng.

“Những người nông dân yêu nước ấy đóng góp và hy sinh không tính toán, không vụ lợi, nên giờ thân nhân họ cũng không đòi hỏi, phàn nàn gì” - ông Bảo nói.

"Những người dân tham gia làm đường xế năm xưa giờ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều chứng tích bị thất lạc nay còn vài ba bức ảnh. Không có gì lưu lại, tất cả đã trở thành ký ức”.
Ông Phạm Tiến Canh

Ông Phan Văn Dần- Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc cho hay: Để ghi nhớ sự đóng góp, hy sinh to lớn của nhân dân làng Hạ Lội với sự kiện dỡ 130 ngôi nhà làm đường cho xe ra tiền tuyến, tỉnh Hà Tĩnh đã đặt tên cho làng là K130.

Với những đóng góp vô cùng to lớn về sức người, sức của trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng K130 được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia vào năm 2006. Sau đó, Nhà nước đã đồng ý đầu tư xây dựng bia chiến tích và nhà truyền thống, vì vậy xã đã cho quy hoạch khu đất rộng 6.000m2 để xây dựng. Nhưng đã 3 - 4 năm nay, các công trình ấy không thấy đả động gì.

Ngày 13.8.2013, huyện Can Lộc đã tổ chức kỷ niệm 45 năm Chiến tích làng K130 với một chương trình hoành tráng nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ về những chiến tích của làng, nhưng rất tiếc là không có bia chứng tích, không nhà truyền thống, đành phải mượn địa điểm Trường Tiểu học Tiến Lộc tổ chức trong sự ngậm ngùi của những nhân chứng lịch sử.

Hữu Anh (Hữu Anh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem