Hối hả chạy lũ
Tại Phú Yên, mưa lớn khiến mực nước các sông suối dâng cao làm ngập nhiều tuyến đường. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhanh khiến hàng trăm hộ dân ở hai huyện Đồng Xuân, Tuy An bị cô lập. Tại huyện Đồng Xuân, lúc 7 giờ sáng 7.10, tuy nước đã rút nhưng tại cầu La Hai, cửa ngõ vào huyện Đồng Xuân, bị ngập sâu gần 1m, nhiều người qua lại đây phải khiêng xe qua mố cầu rồi vượt lên đường sắt.
|
Lũ lên khiến nhiều tuyến đường Đồng Xuân (Phú Yên) bị chia cắt. |
Cầu sông Trà Bương (cũ) thuộc xã Xuân Quang 3, nằm trên tuyến đường huyện lộ từ thôn Phước Lộc (Xuân Quang 3) đi xã Xuân Phước ngập sâu trong nước lũ. Nước lên nhanh, hàng trăm gia đình thôn Phước Nhuận phải chở lúa, di dời tài sản đến nhà người quen ở trên cao gửi.
“Tủ bàn nhà tôi đưa lên gác, mấy thùng phuy lúa buộc kín miệng, vợ con tôi đi tránh lũ, còn tôi ở lại nhà thăm chừng con nước. Tối đó rất may dứt mưa chứ nếu mưa kéo dài thì e rằng ngập lụt như năm 2009” - anh Huỳnh Văn Hoàng (đội 3, thôn Phước Nhuận) nói.
Nước sông Kỳ Lộ lên nhanh, nhiều tiểu thương ở chợ thị trấn La Hai hối hả dọn đồ chạy lũ. Chị Nguyễn Thị Bạc - một tiểu thương chợ thị trấn La Hai, cho hay: “Nước lớn nhanh quá, mới đó đã tràn vào ruộng, ai cũng hối hả chạy lũ. Hàng hóa ở đây xe chở, người thì gánh, người thì đội, dọn lên cao hoặc chuyển về nhà tránh lũ”.
Nhiều nhà dân và trường học ở thôn Tân Hoà (xã Xuân Sơn Nam) bị ngập trong nước lũ. Nước lũ bao vây, chia cắt tuyến đường từ ĐT 641 vào thôn Tân Hòa. Tại huyện Tuy An, lúc 18 giờ tối ngày 6.10, phía tây cầu Cây Cam đi xã An Nghiệp và tuyến đường từ ĐT 642 đi thôn Định Trung 2 (xã An Định) bị ngập sâu trong nước khiến hàng trăm hộ dân, học sinh xã An Nghiệp và An Nghiệp “kẹt cứng” phía bên kia đường.
Trạm Y tế và UBND xã An Định bị nước lũ bao vây khiến cán bộ xã bơi xuồng vào UBND xã trực phòng chống lụt bão. Riêng vùng 9, vùng 10 của xã An Định nước lũ cô lập từ tối ngày 6.10.
Đã có người chết do lũ
Trong khi đó, lũ tại các tỉnh khác cũng đang lên nhanh. Tại Thiên - Huế, lũ trên sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu đều xấp xỉ báo động I. Ưu tiên hàng đầu của địa phương lúc này là tiếp tục theo dõi diễn biến và kịp thời xử lý tình hình sạt lở bờ biển, nhất là khu vực bờ biển xã Phú Thuận, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) và xã Hải Dương, thị xã Hương Trà. Riêng tại huyện miền núi A Lưới hiện có 986 hộ, 4.405 khẩu nằm ở vùng trũng sông suối có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, tuyến giao thông huyết mạch là Quốc lộ 49A đang thi công nên nguy cơ xảy ra sạt lở, gây gây ách tắc, chia cắt là rất cao.
Theo Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam, tối 6.10, Thủy điện ĐăkMi 4 (Quảng Nam) xin xả lũ nhưng Ban không cho phép vì có thể gây nguy hiểm cho người dân vùng hạ du. Sau khi thông báo đến người dân, lúc 4 giờ ngày 7.10, Thủy điện ĐăkMi 4 bắt đầu xả lũ 31 m3/giây để duy trì hồ chứa tại mực nước đón lũ +255m.
Trưa 7.10, do mưa lớn và nước từ đầu nguồn đổ về nên lũ ở tại các sông trên địa bàn tỉnh Bình Định đang lên, đều vượt báo động I. Sông Kôn tại Thạnh Hòa, huyện An Nhơn đo được mực nước 6,18m, trên báo động I là 0,18m. Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết, hiện toàn tỉnh còn 6.000ha lúa vụ 3 chưa thu hoạch và diện tích đổ ngã không đáng kể. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch đối với những diện tích lúa đã chín.
Để ứng phó với bão và mưa lũ, ngày 6.10, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định đã cấp 120 cơ số thuốc phòng chống bão lụt cho các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: TP. Quy Nhơn, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Tuy Phước mỗi địa phương 100.000 viên Chloramin B, 5 huyện miền núi và trung du mỗi huyện 50.000 viên Chloramin B. Bên cạnh đó, Bộ Y tế hỗ trợ cho ngành y tế tỉnh 20 cơ số thuốc, 100 áo phao, 1 triệu viên Chloramin B.
Tại Quảng Nam, lũ lên nhanh đã khiến một người bị cuốn trôi. Nạn nhân là anh Đoàn Phước Huệ (30 tuổi, trú huyện Phú Ninh, Quảng Nam) - công nhân Công ty TNHH Danh Trà (đóng tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My).
Mạnh Lê - Trương Hồng - Công Xuân - Đào Đức Tuấn - CTV
Vui lòng nhập nội dung bình luận.