Hậu Giang: Dùng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, nhà nông nhẹ công

Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 20/03/2021 17:41 PM (GMT+7)
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp Sở NNPTNT Hậu Giang tổ chức hội thảo về sử dụng máy bay không người lái HLD-18 phục vụ sản xuất nông nghiệp. Điều đặc biệt là máy bay không người lái này được sản xuất tại Việt Nam, đạt công suất cao, thu hút đông đảo nông dân quan tâm.
Bình luận 0

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, máy bay không người lái HLD-18 đã được thực hiện khảo nghiệm tại tỉnh Hậu Giang và An Giang. Riêng tại tỉnh Hậu Giang, máy bay này đã thử nghiệm phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho cánh đồng lúa tại ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy với quy mô 30ha, thời gian thực hiện từ ngày 7/12/2020 - 18/3/2021.

Đạt nhiều kết quả cao sau khảo nghiệm

Sau thời gian thực hiện khảo nghiệm, máy bay không người lái HLD-18 đã đạt được nhiều kết quả tốt. Cụ thể, máy bay không người lái HLD-18 giúp giảm 5% lượng thuốc BVTV đầu vào, và giảm tới 95% lượng nước. 

Bên cạnh đó, loại máy bay phun thuốc này còn kiểm soát dịch bệnh trên cây lúa hiệu quả nhờ tiết kiệm được thời gian quản lý dịch hại và giảm tổn thất sản lượng lúa từ 1-2%/ha so với phun thuốc thông thường, do cây lúa không bị giẫm đạp trong quá trình phun thuốc.

Dùng máy bay phun thuốc, nhà nông nhẹ công - Ảnh 1.

Kiểm tra máy bay không người lái HLD-18 trước khi trình diễn trên cánh đồng lúa tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Để thuận tiện đưa máy bay không người lái vào sản xuất trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, các công ty, doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV cần có hướng dẫn hoặc có dòng thuốc chuyên cho sử dụng bằng công nghệ máy bay không người lái.

Công suất hoạt động của một máy bay không người lái HLD-18 dao động từ 10-20ha/ngày, rất hữu ích phun rải thuốc BVTV trên diện tích rộng lớn.

Nhóm tham gia thực hiện khảo nghiệm trong thời gian qua đặc biệt nhấn mạnh, máy bay không người lái HLD-18 dễ sử dụng, mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Không chỉ tiết kiệm rất nhiều thời gian và kinh phí, quan trọng hơn hết là giúp hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người dân với thuốc BVTV.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, các ứng dụng thiết bị bay không người lái đối với nông nghiệp đang mở rộng với tốc độ nhanh chóng ở nước ta. Trong quản lý cây trồng, sử dụng máy bay không người lái phòng trừ sinh vật hại có một số lợi thế như khả năng nhanh chóng đến nơi thực hiện phòng dịch và thực hiện việc phun rải thuốc BVTV, không ảnh hưởng đến cây trồng.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: "Từ thực tiễn cho thấy, hiệu quả lớn nhất của mô hình là cách ly được người nông dân với thuốc BVTV, qua đây bảo vệ sức khỏe bà con và môi trường; đồng thời tăng hiệu suất làm việc, không ngại địa hình hoạt động, tiết kiệm nước và thuốc, tăng hiệu quả sản xuất".

Lập tổ dịch vụ phun thuốc

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đặt nhiều vấn đề như chi phí thiết bị mua máy bay không người lái tương đối cao (khoảng 200 triệu đồng/máy nếu được thương mại hóa). Người điều khiển cần phải có trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin và quy định pháp luật trong quá trình sử dụng. 

Do đó, bà con đề nghị ngành chức năng hỗ trợ để người dân, các tổ hợp tác, HTX có quy mô nhỏ dễ tiếp cận. Riêng về việc bảo hành, sửa chữa của các đơn vị sản xuất, cung ứng thiết bị bay cũng cần có chính sách bảo hiểm.

Dùng máy bay phun thuốc, nhà nông nhẹ công - Ảnh 3.

Trình diễn máy bay không người lái bằng điều khiển từ xa

Theo quy định hiện nay, cá nhân chưa được phép sở hữu máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp vì lý do đảm bảo an ninh, mà chỉ có các tổ chức làm dịch vụ cho nông dân. Do đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã hỗ trợ tỉnh Hậu Giang thành lập 1 tổ dịch vụ máy bay không người lái phun thuốc BVTV trực thuộc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang. 

Theo thống kê sơ bộ, từ tháng 7/2020 đến nay đã phun được 725ha. Ở An Giang, thời gian qua cũng thành lập 1 tổ dịch vụ tương tự. Tại hội thảo, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã chuyển giao cho mỗi tổ 3 máy bay HLD-18.

Tổ dịch vụ trên hiện đang có đào tạo người sử dụng máy bay không người lái, chuyển giao công nghệ cho người dân, HTX, tổ hợp tác và nhận bảo trì, sửa chữa cơ bản. Đồng thời, tổ cũng phun thuốc dịch vụ ở Hậu Giang và Kiên Giang.

"Với những kết quả ban đầu đạt được từ thực nghiệm máy bay không người lái HLD-18 sẽ làm cơ sở cho tỉnh Hậu Giang và An Giang nói riêng và các tỉnh vùng ĐBSCL tổ chức nhân rộng, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng công nghệ vào đồng ruộng, để nâng hiệu quả sản xuất cho người dân. Thời gian tới, máy bay không người lái HLD-18 còn tiếp tục làm khảo nghiệm, phục vụ cho các loại cây trồng khác theo một quy trình nhất định" - ông Lê Quốc Thanh nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem