Trưa ngày 2.1, tại cánh đồng ở xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, đưa tay lau vội mồ hôi đang túa đầy trên mặt, lão nông Bùi Hải Phước (55 tuổi, ở thôn An Sơn) than thở: "Đã hơn 4 ngày qua, cùng với 3 người trong gia đình, tôi phải thuê thêm 2 lao động để dọn số cát mà mưa lũ đã bồi lấp đám ruộng gần 3 sào (500m2/sào). Tuy nhiên do lượng cát quá nhiều nên phải mất 2 ngày nữa thì may ra mới xong".
Đất sản xuất của người dân nằm gần sông suối bị bồi lấp, với độ dày tính bằng nhiều mét
May mắn hơn vì nhà có 5 thành viên nên khỏi phải tốn tiền để thuê người, thế nhưng bà Trần Thị Lại (42 tuổi, ở xã Hành Tín Đông,huyện Nghĩa Hành) cho biết: "Phải mất gần 5 ngày mới cào, đổ được lượng cát bồi cho thửa ruộng 2,5 sào của gia đình".
Không riêng gì hai trường hợp trên chịu ảnh hưởng của mưa lũ mà 3 đợt mưa lũ vừa qua, theo báo cáo của chính quyền Quảng Ngãi, ước khoảng 1.320 ha đất sản xuất của người dân địa phương bị sa bồi, thủy phá.
Người dân đang cào dọn lại thành từng đống
Dù đã huy động cả lực lượng vũ trang trên địa bàn hỗ trợ, tuy nhiên trước diện tích và lượng cát bồi quá lớn, đặc biệt là số nằm ven và gần sông, suối nên phải cần số kinh phí nhiều tỷ đồng, với phương tiện cơ giới thì mới có thể khôi phục lại được như trước để sản xuất.
Rồi dùng xe đẩy để chở đi đổ
Để chia sẻ cho số hộ có đất trồng lúa, màu bị cát vùi lấp nhưng chưa có điều kiện khôi phục lại; đại diện chính quyền nhiều huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành...cho biết: "Trước mắt đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ gạo cho những hộ này. Còn về lâu dài cần có giải pháp để xử lý khôi phục lại đất sản xuất cho bà con".
Người dân đang cào dọn lại thành từng đống
Vui lòng nhập nội dung bình luận.