Nỗi đau đang thấm sâu hơn
Hơn ngày qua, Chảo Phìn Mẩy
như một cái bóng, trận lũ quét kinh hoàng đêm 4.9 như nhát búa gõ vào đầu
Mẩy, khiến cô trở thành ngơ ngẩn. Là con út trong nhà Mẩy luôn được bố mẹ và các
anh chị cưng chiều, cô gái 19 tuổi đang học lớp 11 ôm ấp giấc mơ theo học nghành
y. Trận lũ quét cướp của gia đình cô 3 người: bố mẹ và người cháu. Toàn bộ ngôi
nhà của Mẩy bây giờ là lòng suối sâu hun hút.
Chị Tẩn Lở Mấy trong ngôi nhà bị phá tan hoang do lũ.
Chiều 6.9 khi cùng mọi người kiểm tra lại
đống đổ nát do dòng nước đẩy vào Mẩy tìm thấy bọc sách vở chuẩn bị cho năm học
mới, hình như cô đã tỉnh khỏi cơn ác mộng, trân trân nhìn vào bọc sách để hiểu
con đường đến trường của em đã bị trận lũ quét cắt ngang. Ngày mai Mẩy còn chưa
biết mình sẽ ở nhà anh chị nào, khi chị lớn
Chảo San Mẩy đi nhận hàng cứu trợ với đôi mắt
đỏ hoe, nhà cô cũng mất hết, dằn vặt nhất là mẹ cô bà Phàn Tả Mẩy chết trong trận
lũ đến hôm nay vẫn chưa tìm được thi thể. Mấy chục người trong gia đình, rồi hàng
xóm, bộ đội, công an… cả trăm người suốt trong 2 ngày đi dọc suối mà vẫn chưa tìm
được. Từ đêm 4.9 cô đã nhận nỗi đau mất mẹ, nỗi đau ấy giờ thành khủng khiếp
khiến cô bật ra câu “nhìn người ta được chôn người thân mà thèm, giờ em chỉ ước
tìm thấy mẹ để được chôn mẹ tử tế”.
Chảo phìn Mẩy tìm thấy bộ sách trong đống đổ nát.
Qua cơn hoảng sợ, đến hôm nay nỗi đau hình như
ngấm sâu hơn, hàng trăm con người bắt đầu nghĩ: Ngày mai sống bằng cái gì?
Tẩn Lở Mẩy 45 tuổi, gia đình 9 người, mất hết,
chị đứng nhìn ngôi nhà cũ mà gần như không nói được gì. Ngô thóc gần 6 tấn, lợn,
gà… và ngôi nhà nữa, bao giờ dựng lại được “Bắt đầu yếu rồi, không làm nhiều được
nữa đâu, lấy gì mà ăn, mà nuôi con, cháu, chúng nó còn đi học nữa”, người phụ nữ
trung niên ấy run rẩy nói.
Một cháu bé đi qua khu nhà bị lũ tàn phá.
Với vợ chồng thầy Sơn cô Thúy không biết khi
rời khỏi giường bệnh họ có thể chở lại ngôi trường có gần 10 năm gắn bó hay không?
Khó nói trước được. Họ đã có những năm tháng thật đẹp khi mang tuổi thanh xuân
cõng chữ lên vùng cao và quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Trận lũ cướp
đi của họ tất cả: Ngôi nhà ấm cúng được chắt chiu từ tiền lương dành dụm của
hai vợ chồng và đau đớn nhất là mất đứa con trai 3 tuổi. Cô Thúy rồi đây sẽ còn
phải “làm bạn” với bệnh viện dài ngày, ngoài điều trị chấn thương cô còn phải cấy
da bị bong tróc khi lũ cuốn.
Vào viện đa khoa huyện Sa Pa thăm
những nạn nhân của trận lũ, ngại nhất là gặp Chảo Rào Niềm. Nhà Niềm mất 5 người
trong đêm kinh hoàng ấy. Niềm nói chuyện
không đầu, không cuối, cũng giống như Chảo Phìn Mẩy, ánh mắt anh dài dại, nỗi
đau như chưa chịu nổ bùng ra để cho anh khóc mà tỉnh.
Những
tấm lòng đến sớm
Tính đến trưa 6.9 tại điểm nhận hàng cứu trợ cho người
dân Can Hồ đặt ngay tại UBND xã đã nhận được lượng hàng cứu trợ trị giá hơn 300
triệu đồng, trong đó có cá nhân gửi 10 triệu đồng ủng hộ người bị nạn.
Bộ đội, công an giúp trường TH Bản Khoang 1 dọn dẹp bùn đất sau trận lũ
Ngay sáng 5.9 hơn 200 bộ đội, công an đã vượt
rừng vào với người dân, kịp thời bố trí nơi ăn nghỉ cho những gia đình mất nhà.
Thiên tai quá bất thường nhưng 100% người dân không bị mất bữa.
Chiều 6.9, đại
diện UBND huyện đã cùng cán bộ xã, thôn và các gia đình đi chọn đất chuẩn bị dựng
nhà mới. Ông Hầu A Lềnh, bí thư huyện ủy Sa
Pa cho biết: “Cố gắng trong 1 tháng
sẽ hoàn thành việc dựng nhà cho các gia đình”. Cũng trong buổi chiều 6.9, gạo hỗ
trợ đột xuất cho các nạn nhân ở Can Hồ đã đến tay người dân, hệ thống nước sinh
hoạt cũng được khôi phục. Bên cạnh nỗ lực tìm nốt thi thể 2 người mất tích, lực
lượng bộ đội, công an đang dồn sức hỗ trợ nhà trường để sang thứ 2 (9.9) các trường
học ở Bản Khoang sẽ đón học sinh đến học buổi đầu tiên.
Cô giáo Lê Thị Hoàn, hiệu phó nhà trường cho
biết: “Ngay từ hôm 5.9 đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các đồng nghiệp, mọi
người dân khắp nơi hỏi thăm và đề nghị giúp đỡ”. Chị khẳng định: “trận lũ gây thiệt
hại khủng khiếp cho nhà trường nhưng nhất định việc dạy và học sẽ khôi phục
nhanh nhất”
Xuân Trường (Xuân Trường)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.