Siêu dự án nằm trên giấy suốt 8 năm
Theo tài liệu của PV Dân Việt, ngày 22.10.2009, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc họp và đồng ý về chủ trương cho phép Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Sông Hồng Thăng Long (Công ty Sông Hồng Thăng Long) triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, kinh doanh khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT thương mại tại huyện Vĩnh Tường.
Siêu dự án 8 năm nằm trên giấy bất ngờ được giao cho công ty mới thành lập được 5 ngày.
Ngày 7.11.2012, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định cho phép Công ty Sông Hồng Thăng Long đầu tư dự án khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT thương mại Vĩnh Tường trên địa bàn 3 xã Lũng Hòa, Tân Tiến, Yên Lập.
Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 2.290 tỉ đồng, với quy mô sử dụng đất toàn dự án hơn 186 ha. Thời gian bắt đầu thực hiện từ năm 2012 và kết thúc năm 2018, chia thành 2 giai đoạn.
Phần lớn diện tích đất dự án là đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, do chủ đầu tư thực hiện các bước chuẩn bị dự án chậm chạp, đến tận tháng 12/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc mới cấp giấy chứng nhận đầu tư (lần đầu) cho Công ty Sông Hồng Thăng Long thực hiện dự án.
Thế nhưng, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Sông Hồng Thăng Long vẫn nằm im bất động, không có dấu hiệu thực hiện khởi công dự án.
Dự án hơn 2.200 tỉ đồng được giao cho công ty mới 5 ngày tuổi
Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai (Bộ TN&MT) vừa có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc vi phạm tại siêu dự án Khu chợ đầu mối nông sản và KĐT Thương mại Vĩnh Tường gây xôn xao dư luận |
Trước tình trạng dự án nhiều năm không được triển khai, ngày 26.5.2017, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc điều chỉnh chủ đầu tư thực hiện dự án nêu trên.
Bất ngờ, 3 ngày sau khi nhận được đề xuất của Sở Xây dựng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định số 3868/UBND-NN1 chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long (Công ty bất động sản Thăng Long) được kế thừa và tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với dự án nêu trên. Theo đó, công ty này chịu trách nhiệm tiếp tục triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo tiến độ.
Công ty bất động sản Thăng Long được tỉnh Vĩnh Phúc giao cho làm chủ đầu tư siêu dự án này khi vừa mới thành lập 5 ngày.
Đáng chú ý là Công ty bất động sản Thăng Long mới chỉ thành lập vào ngày 24.5.2017 với vốn điều lệ 3 tỉ đồng. Thời gian công ty này bắt đầu hoạt động chỉ trước thời điểm kế thừa dự án 5 ngày.
Cổ đông sáng lập ban đầu của Công ty bất động sản Thăng Long gồm: Dương Thị Lan Anh (43%), Nguyễn Văn Hợp (55%) và Nguyễn Anh Đức (2%). Trong đó, cổ đông Nguyễn Văn Hợp chính là Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Hồng Thăng Long – doanh nghiệp không thể thực hiện dự án khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT thương mại tại huyện Vĩnh Tường.
Cổ đông của Công ty bất động sản Thăng Long được thay đổi liên tục. Nhưng đến tháng 10.2017, "ông chủ" thực sự đã xuất hiện - đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu.
Một ngày sau (tức ngày 25.5.2017), Công ty bất động sản Thăng Long tăng vốn điều lệ lên 100 tỉ đồng. Hai cổ đông Dương Thị Lan Anh và Nguyễn Anh Đức đồng loạt thoái vốn. Chỉ còn cổ đông Nguyễn Văn Hợp vẫn nắm 55% vốn điều lệ.
Đến ngày 17.7.2017, cổ đông Nguyễn Văn Hợp thoái vốn khỏi Công ty bất động sản Thăng Long và doanh nghiệp này chính thức về tay ông Nguyễn Văn Hậu, sinh năm 1981 đang làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn vào ngày 12.10.2017.
Nhiều sai phạm?
Theo điều tra của PV Dân Việt, từ tháng 9.2017, chủ đầu tư đã mở bán một số lô ở vị trí này với giá 8 - 12 tỉ đồng/lô 100m2 có mặt tiền rộng 5m, dài 20m. Trong khi đó, giá bồi thường GPMB khoảng 100 triệu đồng/ sào, tương đương khoảng dưới 300 nghìn đồng/m2. |
Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị Thương mại thuộc huyện Vĩnh Tường có quy mô lập quy hoạch 186,49 ha. Trong đó, đất thuộc phạm vi dự án gồm: 92,99 ha đất xây dựng thương mại đô thị; 32,62 ha đất xây dựng Chợ đầu mối nông sản thực phẩm; 17,41 ha đất xây dựng hệ thống kho vận; 11,15 ha đất xây dựng Chợ điện tử, vật liệu xây dựng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề nghị của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc chuyển mục đích sử dụng 110 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận.
Tổ chức phân lô, bán nhà cho người dân vào ở, kinh doanh từ khi chưa có quyết định giao đất và chấp thuận chuyển đổi mục đích sử đụng đất của Thủ tướng?
Thế nhưng, trước đó, ngày 1.6.2018, tỉnh Vĩnh Phúc đã bàn quyết định giao đất đợt 1 với quy mô 12ha, trong đó, có 5,5ha để xây nhà kiên cố, diện tích còn lại dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Thêm nữa, công ty của Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn sở hữu đã san lấp, giải phóng mặt bằng hàng chục ha trước đó, để phân lô bán nền từ tháng 9.2017.
Đáng nói hơn, khi đơn vị chức năng đã có chỉ đạo kiểm tra, dừng các hoạt động tại dự án thì chủ đầu tư vẫn tiến hành thực hiện thi công rầm rộ.
Liên quan đến các sai phạm trong quản lý đất đai của tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 11.2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo nội dung kỳ họp thứ 19. Theo đó, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cơ quan kiểm tra đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm của tổ chức này trong nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Trì - Phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, có trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy qua hai nhiệm kỳ; chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh trong công tác quản lý, sử dụng đất; quản lý đầu tư xây dựng dự án, công trình trọng điểm.Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Văn Trì kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.