Vĩnh Phúc: Siêu dự án hơn 186 ha được lập ngược quy trình?

Trần Kháng Thứ hai, ngày 30/07/2018 07:35 AM (GMT+7)
Dù vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, nhưng siêu dự án KĐT thương mại thuộc huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), trước đấy đã được các cơ quan tỉnh này giao đất, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB)… Trong khi chủ đầu tư thì đã xây nhà, phân lô bán tiền tỷ gây xôn xao dư luận.
Bình luận 0

Giao đất rồi mới xin chuyển đổi?

Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT thương mại thuộc huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), có quy mô lập quy hoạch 186,49 ha. Trong đó, đất thuộc phạm vi dự án gồm: 92,99 ha đất xây dựng thương mại đô thị; 32,62 ha đất xây dựng Chợ đầu mối nông sản thực phẩm; 17,41 ha đất xây dựng hệ thống kho vận; 11,15 ha đất xây dựng Chợ điện tử, vật liệu xây dựng.

Đây được xem là siêu dự án trên địa bàn huyện Vĩnh Tường vì lớn nhất từ trước đến nay. Dự án nằm sát tuyến đường lớn nối thị trấn Thổ Tang ra ngã tư Vĩnh Tường, thuộc địa phận 3 xã: Tân Tiến, Lũng Hòa và Yên Lập của huyện Vĩnh Tường, do Công ty Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long (thuộc Tập đoàn Phúc Sơn - PV) làm chủ đầu tư. 

img

Quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/500 cho Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và Khu đô thị thương mại Vĩnh Tường. (ảnh Trần Kháng)

“Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật” - Chỉ thị 01/CT-TTg. 

Điều đáng nói, mới đây ngày 23.7.2018, Thủ tướng Chính phủ mới có văn bản đồng ý cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc chuyển mục đích sử dụng 183,61 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, có 110 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT thương mại Vĩnh Tường.

Thế nhưng, thực tế từ năm 2017, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã ra hàng loạt quyết định, thông báo thu hồi đất, quyết định giao đất cho nhà đầu tư. Điều này, đi ngược lại với quy định của Luật Đất đai: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên”. 

img

Trụ sở sàn giao dịch bất động sản Công ty CP Đầu tư và bất động sản được xây dựng, hoạt động kinh doanh từ trước khi tỉnh Vĩnh Phúc giao đất. (ảnh Trần Kháng)

Minh chứng cho việc làm ngược quy trình này, cùng ngày 2.8.2017, UBND huyện Vĩnh Tường đã ban hành quyết định số 566/QĐ-UBND và số 567/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT thương mại Vĩnh Tường (địa phận xã Lũng Hòa).

“Cầm đèn chạy trước…”

Thông tin từ Cổng thông tin UBND huyện Vĩnh Tường đã đưa, chiều ngày 01.3.2018, UBND huyện tổ chức hội nghị về triển khai dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và Khu đô thị thương mại Vĩnh Tường. 

img

Ông Trần Việt Cường – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. (ảnh: http://vinhtuong.vinhphuc.gov.vn)

Theo báo cáo của Hội đồng bồi thường GPMB huyện, tổng diện tích phải bồi thường và GPMB là 154,1746 ha (phần đô thị có diện tích 92,9897 ha; phần chợ, kho vận có diện tích 61,1849 ha). Diện tích đã chi trả hỗ trợ, bồi thường và GPMB là 83,953 ha, đạt tỷ lệ 54,5% trên tổng diện tích phải bồi thường, số tiền đã chi trả là 202,3 tỷ đồng.

"Công ty bất động sản Thăng Long chưa đóng một đồng tiền thuế đất nào cho nhà nước do đang cơ quan chức năng đang tiến hành quá trình xác định nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước khi thực hiện dự án", Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc Chu Quốc Hải cho biết. 

Thậm chí, tại Hội nghị này, đại diện chủ đầu tư - Công ty CP thương mại và bất động sản Thăng Long đề nghị lãnh đạo UBND huyện trình Huyện ủy ra Nghị quyết báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đây là dự án trọng điểm của tỉnh. Hiện nay giá bồi thường GPMB của huyện là 83 triệu/ sào, công ty hỗ trợ thêm 17 triệu/sào. Kế hoạch chậm nhất đến 30.4.2018 huyện có thể bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư để đơn vị này sẽ thi công 03 ca/ngày trong 04 tháng để đến 02.9.2018 dự án Khu chợ đi vào hoạt động).

Tại Hội nghị ngày 3.5.2018, Ban GPMB huyện Vĩnh Tường cho biết, hiện, vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn đối với 40 hộ của 03 xã chưa nhận tiền bồi thường GPMB (vì một số hộ không đồng ý với đơn giá bồi thường; một số hộ đang tranh chấp đất đai,…).

Đặc biệt, ngày 1.6.2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 1217/QĐ-UBND về việc giao đất đợt 1 cho Công ty CP Thương mại và bất động sản Thăng Long thực hiện dự án KĐT thương mại Vĩnh Tường (thuộc Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại  Vĩnh Tường). 

img

Mặc dù chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc giao đất cho doanh nghiệp, tổ chức xây dựng, phân lô bán nền... (ảnh Trần Kháng)

Nhận định việc thự hiện dự án Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường này, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc rõ ràng đang thực hiện ngược quy trình, nếu không nói là “cầm đèn chạy trước”.

“Theo quy định, đối với những dự án có quy mô sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên hoặc từ 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên, UBND tỉnh phải lập hồ sơ gửi trình Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó, Bộ này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất. Thế nhưng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Vĩnh Tường lại tổ chức thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư trước khi có sự chấp thuận của Thủ tướng”, Luật sư phân tích.

Giá bồi thường GPMB của huyện Vĩnh Tường tại dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT thương mại thuộc huyện Vĩnh Tường là 83 triệu/ sào, công ty hỗ trợ thêm 17 triệu/sào. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ đầu tư đang bán 8-12 tỉ đồng/ lô 80-100m2 mặt đường. 

Theo phân tích, giả thiết đặt ra, nếu Thủ tướng không đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp tại dự án này, thì hậu quả để lại của các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc trong việc này sẽ là rất lớn”, luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chưa dừng ở đấy, theo điều tra của PV Dân Việt, từ tháng 9.2017, chủ đầu tư là Công ty Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long đã mở bán một số lô ở vị trí này với giá 8 - 12 tỉ đồng/lô 100m2 có mặt tiền rộng 5m, dài 20m so với giá đền bù đất sản xuất như “bèo” mà doanh nghiệp này trả cho người dân. Do dự án chưa đủ điều kiện nên khách hàng khi mua sẽ ký hợp đồng góp vốn và vào tiền 55% tổng giá trị hợp đồng. Chưa dừng ở đấy, nhiều lô đất thuộc dự án này hiện đã được phân lô bán nền và nhiều lô đất đã tiến hành xây dựng khi chưa đủ điều kiện.  

Ghi nhận trong tháng 7.2018, ngoài trụ sở Sàn giao dịch bất động sản của chủ đầu tư, có cả công trình xây dựng kiên cố 3 tầng đã hiện hữu và đang được người dân sử dụng kinh doanh, sinh sống ngay trên mặt đường lớn. Một số công trình khác đang tổ chức làm móng, dựng cột tầng…rầm rộ./. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem