Trong căn nhà cấp 4 giản dị của người vợ kế ở làng Pi Ơm, ông Nhữ Đăm Hoàng, người gốc ở làng Pi Ơm (Đăk Đoa, Gia Lai), hiện đang định cư ở Mỹ, đã kể với chúng tôi tất cả những gì ông biết về chiêu trò lừa bịp của “tổng thống” tự phong Ksor Kớk…
Trong một tháng rưỡi, ông Nhữ Đăm Hoàng đã tiến hành nói chuyện tại 13 làng từng là “điểm nóng” về an ninh trật tự hồi các năm 2001 – 2004… Vẫn biết là bị Ksor Kớk lừa nhưng những gì nghe được từ Nhữ Đăm Hoàng đã khiến nhiều người cảm giác như vừa ra khỏi cơn ảo giác…
Lời lẽ khúc chiết, cử chỉ biểu hiện là một người có văn hóa của Nhữ Đăm Hoàng đã cuốn hút cả tôi…
“Nhà nước”…3 người (!) Tôi biết Ksor Kớk quãng năm 1993 sau khi được định cư ở Mỹ 2 năm – Nhữ Đăm Hoàng thong thả mở đầu câu chuyện... Tôi vốn là một giáo viên tiểu học. Năm 1965 khi Mỹ đổ quân xuống Tây Nguyên, họ cũng làm chiêu “dân vận” vào các làng dân tộc phát thuốc. Vì có biết chút tiếng Anh, tôi được họ thuê làm phiên dịch.
Cũng vì việc này mà nhà trường không cho dạy nữa, phải chuyển sang làm phó xã trưởng. Bấy giờ làng Pi Ơm có một đứa trẻ lai Mỹ đen tên là Dun vô thừa nhận. Thấy nó tội nghiệp, tôi nhận làm con nuôi. Không ngờ vì việc này mà tôi được sang Mỹ định cư cùng với cả vợ con…
Ông Nhữ Đăm Hoàng (ngồi giữa) kể chuyện lừa bịp của Ksor Kớk.
Đến Mỹ, tôi được cho ở bang Corolina làm công việc quét dọn nhà thương. Số người Thượng ở bang này bấy giờ có khoảng 200. Họ chủ yếu là đám tàn quân Fulro bị truy quét dạt sang Campuchia được cho định cư ở đây…
Trong những lần gặp nhau, số người này phàn nàn là họ theo đạo nhưng không có nơi cầu nguyện, nhờ tôi xin ban trị sự cho họ được làm lễ chung với người Mỹ. Ban trị sự đồng ý nhưng sau đó khoảng 2 tháng họ gợi ý với tôi là nên xin lập nhà thờ riêng cho người Thượng (có lẽ họ ngại dây với đám người này).
Tôi làm đơn và được chính quyền đồng ý nhưng yêu cầu nhà thờ phải có tên, có người đại diện ký… Tên nhà thờ, tôi đặt đại là “Xang aê diê Đêga” (hiểu nôm na là nhà cầu nguyện của người Thượng cao nguyên ) nhưng còn đại diện ký đơn thì không được. Việc này tôi thấy phải nhờ Ksor Kớk bởi trước đó ông ta đã tự xưng là người kế tục Y Bhăm (thủ lĩnh Fulro đã bị Khơ mer đỏ giết), đại diện cho người Thượng ở Mỹ nên dễ được chấp nhận…
Chuyện Ksor Kớk tụ tập đám Fulro lưu vong mưu đồ những gì tôi vẫn biết. Rất lo ngại việc lập nhà thờ sẽ tạo điều kiện cho Kớk tụ tập đám người này làm việc xấu, tôi nói bóng với ông ta: “Một người không cùng lúc đi được 2 con đường. Lập nhà thờ là để lo việc đạo, không chứa việc đời”…
Điều lo ngại của tôi quả nhiên đã thành sự thật. Sau khi nhà thờ được xây dựng, Ksor Kớk đã lợi dụng những buổi cầu nguyện để cùng đám Fulro lưu vong ở đây bàn bạc chuyện chống phá Nhà nước, khởi đầu là việc kích động biểu tình gây rối tháng 2.2001 tại các tỉnh Tây Nguyên…
Theo tôi biết, sự việc này bắt đầu khá đơn giản… Số là có 3 người ở Chư Sê (Gia Lai) do vi phạm pháp luật bị bắt. Người làng lên xin nhưng không được. Trong số này có người quan hệ với Ksor Kớk gọi điện báo tin. Kớk thấy đây là nguyên cớ có thể lợi dụng được bèn gọi điện cho những kẻ trước đây từng đi Fulro xuyên tạc, kích động…
Rồi luôn chuyện, Ksor Kớk dựng lên cái gọi là “nhà nước Đê ga”, loan tin được 143 nước công nhận và tự phong mình làm “tổng thống”. Sự vụ giật gân này đã khiến một số người Mỹ không nén được tò mò.
Có người tìm đến Ksor Kớk phỏng vấn: “Ông nói mình là tổng thống, thế bộ máy nhà nước của ông gồm những ai?”, Ksor Kớk lúng túng… Hóa ra “văn phòng nhà nước” là căn phòng chung cư Kớk thuê bấy lâu làm nhà ở; còn “bộ máy nhà nước” thì gồm 1 người đánh máy, 1 người trực điện thoại, cộng… Ksor Kớk nữa là 3 !
“Tin lành Đêga” - “mượn đầu heo nấu cháo” Sau sự vụ kích động biểu tình gây rối tại các tỉnh Tây Nguyên, năm 2003 Ksor Kớk lại nặn ra “đạo Tin lành Đêga”. Qua đám Fulro phản động, “đạo” này đã lôi kéo một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc từ bỏ đạo Tin lành truyền thống, gây chia rẽ giáo hội và gây rắc rối không ít tình hình an ninh trật tự. Vậy “Tin lành Đêga” gốc gác thế nào, chân tướng của nó ra sao ?
"Đấy, tất cả những “nhà nước Đêga” rồi “Tin lành Đêga” mà Ksor Kớk tung tin bịp chỉ vỏn vẹn có thế… Những buổi nói chuyện của tôi đã khiến bà con ngỡ ngàng. Họ không thể nghĩ được là Kớk lại lừa đồng bào mình trắng trợn như thế!”. Ông Nhữ Đăm Hoàng
|
Như đã nói, vì giấy phép xin xây dựng buộc phải có tên nên tôi đã đặt cho nhà thờ là “Xang aê diê Đêga”. Nhà thờ xây xong, tôi giữ vai trò chấp sự; còn Ksor Kớk chỉ đóng vai trò như một người phụ trách hành chính. Việc không chi phối được trọn vẹn nhà thờ đã làm cho Ksor Kớk ganh ghét và bực tức.
Thế là ông ta bèn nặn ra cái gọi là “Tin lành Đêga”. Hiểu mưu đồ thâu tóm nhà thờ trắng trợn của Kớk, tôi bảo thẳng: Anh tự cho mình là người sáng lập “Tin lành Đêga” nhưng tên thì mượn của nhà thờ, giáo lý thì cóp y nguyên Tin lành truyền thống, vậy nó là thứ đạo tự vẽ của anh chứ gì ? Kớk không trả lời được.
Việc “chọc vào mắt” đã khiến ông ta bực tức, tiếp theo lại một chuyện khác… Xin nói rõ là sau khi tự phong “tổng thống”, Ksor Kớk sống bằng nguồn tiền đóng góp của người dân tộc thiểu số vượt biên. Số tiền này mỗi năm thu được khoảng 40.000USD nhưng không ai được biết Kớk chi vào những việc gì. Sống bám vào những đồng tiền này, Ksor Kớk chỉ quan tâm đến những ai có tiền nộp.
Người không đóng góp, dù đau ốm, thất nghiệp Kớk cũng chẳng buồn quan tâm. Bất bình về điều này, tôi bảo ông ta: “Người dân tộc vẫn nói muốn ăn thịt heo thì phải nuôi heo”. Anh tự xưng là người lãnh đạo bà con ở đây thì phải quan tâm đến tất cả, sao chỉ biết những người góp tiền?”.
Đến đây thì như giọt nước tràn ly, Ksor Kớk tìm cách hất tôi ra khỏi nhà thờ bằng được. Ông ta tung tin nói xấu đủ điều rồi đòi ban chấp sự thay thế tôi. Tuy nhiên do hiểu được bản chất sự việc nên họ không đồng ý: Nếu ông muốn thay Nhữ Đăm Hoàng thì phải xây một nhà thờ khác. Được lời, Ksor Kớk ngay lập tức vận động xây dựng một nhà thờ mới rồi lôi kéo tất cả mọi người sang đó. Nhà thờ cũ đóng cửa và “Tin lành Đêga” từ đó cũng chết yểu luôn…
“Đấy, tất cả những “nhà nước Đêga” rồi “Tin lành Đêga” mà Ksor Kớk tung tin bịp chỉ vỏn vẹn có thế… Những buổi nói chuyện của tôi đã khiến bà con ngỡ ngàng. Họ không thể nghĩ được là Kớk lại lừa đồng bào mình trắng trợn như thế” - Nhữ Đăm Hoàng chém tay vào khoảng không bực bội. Cho nên dù chỉ còn 6 ngày nữa thì trở lại Mỹ, tôi vẫn cố sắp xếp thời gian đi nói chuyện để đồng bào dân tộc hiểu rõ sự thật, cảnh giác với những chuyện lừa phỉnh có thể có nữa của ông ta…
… Vợ Nhữ Đăm Hoàng đã mất năm 2004. Sang Mỹ lần này, ông mang theo người vợ mới là bà A Mech. Chẳng phải ai xa lạ, đó là người em dâu của ông đã góa chồng theo tục “nối dây”… Hỏi: Ông tố cáo chân tướng Ksor Kớk, sang lại bên đó có sợ bị trả thù? Ông cười: Tôi chỉ nói sự thật, việc gì phải sợ. Vả chăng bà con dân tộc vượt biên sang đó, trừ đám chân tay của Ksor Kớk còn bao nhiêu người trung thực, họ đâu có muốn Kớk tiếp tục lừa phỉnh đồng bào mình…
“Cũng đã sắp vào tuổi bát tuần, ông có muốn về quê sống những ngày cuối đời ?” Nhữ Đăm Hoàng chợt đăm chiêu: “Có lẽ..!”. Rồi ông kết một câu nghe đầy triết lý: “Sự thật và nguồn cội – con người ta dù ở đâu thì cũng khó lòng chối bỏ…” .
Ngọc Tấn (Ngọc Tấn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.