Hệ lụy tai hại khôn lường cho cuộc chiến ở Ukraine

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ hai, ngày 03/10/2022 10:56 AM (GMT+7)
Vào thời điểm trên thực địa của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine dồn dập có những diễn biến mới về quân sự cũng như chính trị, cả châu Âu bị cuốn hút vào vụ việc khác nữa mà cho dù thủ phạm gây ra bất cứ là ai thì hệ luỵ vẫn tai hại khôn lường cho châu Âu và cho chính cuộc chiến ở Ukraine.
Bình luận 0
Hệ lụy tai hại khôn lường cho cuộc chiến ở Ukraine - Ảnh 1.

Các binh sĩ tạo dáng bên ngoài Izium, miền đông Ukraine, vào ngày 17/9. Ảnh AFP

Vụ việc này là cả hai tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga đi ngầm qua biển tới thẳng nước Đức Nord Stream 1 và Nord Stream 2 bị rò rỉ và khí đốt từ trong đó thoát ra biển. Cả hai hiện đều không hoạt động. Nord Stream 2 được xây dựng xong nhưng chưa được đưa vào hoạt động vì xảy ra chuyện chiến tranh ở Ukraine. Nord Stream 1 tạm ngừng hoạt động để duy tu bảo dưỡng theo như thông báo của Nga. Như thế có nghĩa là sự hỏng hóc này không làm suy giảm mức độ cung ứng khí đốt cho thị trường EU. Dù vậy, câu trả lời cho câu hỏi vì sao khí đốt từ hai tuyến đường ống này bị rò rỉ lại có thể khiến cho cả thế giới chứ không phải chỉ có châu Âu phải giật mình, phải cảnh tỉnh và quan ngại sâu sắc.

Cho tới thời điểm hiện tại, Mỹ cũng như Nga, EU cũng như Nato, Đan Mạch cũng như Thuỵ Điển - là hai nước mà khí đốt rò rỉ ở vùng biển đặc quyền kinh tế của họ - đều cho rằng cả hai tuyến đường ống dẫn khí đốt này bị phá hoại. Thuyết âm mưu được đề cập đến nhiều nhất và dường như được tin nhiều nhất là có ai đấy đã dùng vài trăm kilo thuốc nổ phá hoại tuyến đường ống. Mỹ, Thuỵ Điển, Đan Mạch, EU và Nato cho biết sẽ tiến hành điều tra vụ việc. Nhưng công cuộc điều tra này chưa bắt đầu thì kết luận cuối cùng hiện đã có thể dự đoán được. Những bên tiến hành điều tra này sẽ chỉ đưa ra một trong hai kết luận: Nga chính là thủ phạm hoặc nếu Nga không phải là thủ phạm thì Mỹ và các thành viên EU và Nato cũng đều không phải là thủ phạm.

Vụ phá hoại hai tuyến đường ống dẫn khí đốt này có liên quan trực tiếp tới cuộc chiến hiện tại ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Nếu như không có cuộc chiến này thì mối quan hệ giữa Nga với Mỹ, EU và Nato có thể được coi là vẫn bình thường, cho dù trên thực tế có trắc trở và tăng nghi kỵ lẫn nhau kể từ sau khi Nga tiếp nhận Crimea hồi năm 2014. Sự ra đời và hoạt động của hai tuyến đường ống dẫn khí đốt nói trên được coi là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác giữa Nga và EU bởi cung ứng năng lượng của Nga cho EU góp phần rất quan trọng vào sự đảm bảo an ninh năng lượng trong EU. Vì Nga phát động chiến sự ở Ukraine mà tuyến Nord Stream 2 không được phía EU đồng ý cho đi vào hoạt động chính thức. EU tìm mọi cách và đã đưa ra lộ trình cụ thể đi tới chấm dứt hoàn toàn lệ thuộc vào cung ứng năng lượng từ Nga nhằm vừa làm cạn kiệt nguồn thu tài chính của Nga từ xuất khẩu năng lượng vừa không để cho Nga sử dụng cung ứng năng lượng làm vũ khí nhằm vào EU. Số phận của hai tuyến đường ống này vì thế là hệ luỵ trực tiếp của cuộc chiến ở Ukraine.

Cho nên có thể thấy được ngay là bất kể thủ phạm là ai, vụ việc này vẫn làm cho mối quan hệ giữa Mỹ, EU và Nato với Nga thêm thù địch và thêm khó có thể nhanh chóng đi vào hoà dịu và bình thường trở lại. Nghi kỵ và phòng ngừa lẫn nhau sẽ gia tăng thêm rất nhiều trong thời gian tới.

Triển vọng thực tế ấy tác động trực tiếp tới diễn biến tình hình chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine sau khi xuất hiện cục diện mới. Cả ở trên phương diện này cũng có thể thấy vụ việc tác động theo hướng làm cho hoà giải và đàm phán giữa Nga và Ukraine càng thêm khó khả thi và giao tranh quân sự trên thực địa càng thêm quyết liệt.

Nhưng hệ luỵ còn tai hại hơn cả là báo động về rủi ro an ninh mới đối với tất cả các bên nói trên. Nó làm cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại của EU trở nên càng thêm trầm trọng bởi gia tăng lo ngại về bất an và bất định về đảm bảo an ninh năng lượng trong mùa đông sắp tới. Nó cho thấy mạng lưới và hệ thống cơ sở hạ tầng về năng lượng ở châu Âu dễ bị tổn thương như thế nào và các nước trên châu lục hiện chưa đủ khả năng và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó kịch bản các mạng lưới và hệ thống ấy bị tấn công như đã xảy ra với Nord Stream 1 và Nord Stream 2.

Và nếu suy diễn theo hướng những gì vừa xảy ra với Nord Stream 1 và Nord Stream 2 rồi đây có thể xảy ra với tất cả những mạng lưới và hệ thống dẫn dầu mỏ và khí đốt trên châu lục, và rồi không chỉ có vậy mà còn đối với tất cả các mạng lưới và hệ thống cơ sở hạ tầng khác như cáp internet, cáp truyền tải điện, cáp truyền thông ..... trên mặt đất cũng như ngầm dưới biển thì sẽ thấy hệ luỵ của vụ việc còn có thể tai hại đến mức nào cho cả châu lục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem