Hệ lụy từ du lịch quá tải ở thị trấn suối nước nóng đẹp nhất Nhật Bản
Hệ lụy từ du lịch quá tải ở thị trấn suối nước nóng đẹp nhất Nhật Bản
Trọng Hà (Theo JP Today)
Thứ năm, ngày 02/01/2025 10:23 AM (GMT+7)
Những tòa nhà cổ kính từ thời Edo còn là nguồn cảm hứng cho bộ phim hoạt hình "Vùng đất linh hồn" của đạo diễn Hayao Miyazaki, góp phần thu hút lượng lớn du khách quốc tế.
Ginzan Onsen, thị trấn suối nước nóng hơn 300 năm tuổi tại vùng Yamagata, Nhật Bản, đang đối mặt với tình trạng quá tải du lịch chưa từng có. Nằm cách Tokyo hơn 400 km về phía bắc, thị trấn này nổi tiếng với khung cảnh mùa đông phủ tuyết trắng xóa, được ví như "ngôi làng cổ tích". Những tòa nhà cổ kính từ thời Edo còn là nguồn cảm hứng cho bộ phim hoạt hình "Vùng đất linh hồn" của đạo diễn Hayao Miyazaki, góp phần thu hút lượng lớn du khách quốc tế.
Hệ lụy từ du lịch quá tải ở thị trấn suối nước nóng đẹp nhất Nhật Bản
Theo thống kê, mỗi năm Ginzan Onsen đón khoảng 330.000 lượt khách, nhưng sự nổi tiếng này cũng mang lại nhiều vấn đề. Người dân địa phương báo cáo tình trạng khách tranh giành vị trí chụp ảnh, vi phạm luật giao thông, và cả xô xát tại các bãi đỗ xe. Đại diện khu suối nước nóng đã bày tỏ sự tiếc nuối trên trang web chính thức, đồng thời thừa nhận rằng "cách quản lý mơ hồ" là nguyên nhân chính khiến tình trạng này xảy ra.
Hiroyuki Ishii, từ Văn phòng Dự án Biện pháp Chống du lịch quá mức Ginzan Onsen, cho biết nhiều du khách tự lái xe thường bị kẹt trên các con đường phủ đầy tuyết, không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn cản trở hoạt động của xe cứu thương. Ngoài ra, khu vực chụp ảnh hẹp khiến khách phải chen chúc, đôi khi dẫn đến va chạm và nguy cơ té ngã xuống sông.
Để đối phó với tình trạng quá tải, bắt đầu từ ngày 7/1/2025, Ginzan Onsen sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế lượng khách. Theo quy định mới, du khách muốn vào thị trấn sau 17h sẽ phải mua vé với giá 1.150 yên (khoảng 7 USD), bao gồm cả vé xe buýt. Những ai không đặt phòng tại các khách sạn địa phương sẽ không được phép ở lại sau 20h. Du khách tự lái xe phải đậu tại một trung tâm du lịch gần đó và sử dụng xe buýt đưa đón để vào thị trấn.
Quy định này nhằm giảm thiểu tác động của lượng khách đông đúc đến cơ sở hạ tầng cũng như bảo vệ an ninh, trật tự tại khu vực. Ginzan Onsen không phải là địa điểm duy nhất ở Nhật Bản phải thực hiện các biện pháp hạn chế. Trước đó, thị trấn Fujikawaguchiko dưới chân núi Phú Sĩ đã dựng lưới đen để ngăn tầm nhìn từ một điểm chụp ảnh nổi tiếng nhằm giảm phiền toái cho cư dân. Ngoài ra, các điểm du lịch khác như núi Phú Sĩ hay Lâu đài Himeji cũng đang xem xét tăng phí vào cửa để kiểm soát số lượng du khách.
Sự bùng nổ lượng khách quốc tế sau đại dịch COVID-19 đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Nhật Bản. Tuy nhiên, theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, tính đến tháng 11/2024, nước này đã đón 33 triệu lượt khách nước ngoài, phá kỷ lục 31,9 triệu lượt khách của năm 2019, gây áp lực lớn lên nhiều địa phương. Những biện pháp như ở Ginzan Onsen là cần thiết để cân bằng giữa việc phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, văn hóa địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.