Hãi hùng về những cảnh báo của bác sĩ khi bánh cốm Nguyên Ninh làm cạnh nhà vệ sinh

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 04/01/2025 10:16 AM (GMT+7)
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, sự xuất hiện của côn trùng trong khu vực sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh là một vi phạm vệ sinh nghiêm trọng. Những loài này không chỉ gây mất vệ sinh mà còn là trung gian truyền bệnh.
Bình luận 0

 .Những nguy hiểm tiềm ẩn khi bánh cốm Nguyên Ninh được làm cạnh nhà vệ sinh

Ngày 2/1, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã yêu cầu cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh (11 Hàng Than, quận Ba Đình) tạm dừng hoạt động sau khi phát hiện hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Bác sĩ cảnh báo những nguy hiểm tiềm ẩn khi bánh cốm Nguyên Ninh được làm cạnh nhà vệ sinh - Ảnh 1.

Điều kiện vệ sinh khu vực sản xuất bánh cốm không đảm bảo ATVSTP. Ảnh: CQCC

Tại hiện trường, khu vực sản xuất được tận dụng từ gian bếp gia đình, với nền nhà bong tróc, ẩm mốc, cống rãnh hở đầy rác thải. Đáng chú ý, đoàn kiểm tra phát hiện côn trùng và phân động vật trong khu vực chế biến, cùng với các bao tải nguyên liệu cốm khô được bảo quản gần tường ẩm mốc và lối ra vào bếp.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt ngày 3/1, cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh 11 Hàng Than đã tạm dừng hoạt động. Bên trong nhân viên tiến hành dọn dẹp đồ. Đây là ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm nên khu vực tường nhà ẩm thấp, rêu mốc. Chủ cơ sở cho biết, sau sự việc đã tiến hành thuê lực lượng thi công tiến hành sửa chữa lại cơ sở, chấp hành theo quy định của cơ quan chức năng.

Bác sĩ cảnh báo những nguy hiểm tiềm ẩn khi bánh cốm Nguyên Ninh được làm cạnh nhà vệ sinh - Ảnh 2.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, sự xuất hiện của côn trùng trong khu vực sản xuất thực phẩm là một vi phạm vệ sinh nghiêm trọng. Những loài này không chỉ gây mất vệ sinh mà còn là trung gian truyền bệnh.

Theo bác sĩ Thiệu, côn trùng thường mang theo vi khuẩn nguy hiểm như Salmonella, E. coli. Khi thực phẩm bị nhiễm khuẩn từ các loại côn trùng này, người tiêu dùng có thể gặp các triệu chứng ngộ độc như tiêu chảy, đau bụng. Ngoài ra, phân động vật phát hiện trong khu vực sản xuất là một dấu hiệu nguy hiểm. Phân có thể chứa các ký sinh trùng như Toxoplasma, Cryptosporidium hay Giardia, các tác nhân gây bệnh qua đường tiêu hóa.

"Phân động vật có thể chứa nhiều loại giun sán. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, mà còn có thể ký sinh vào các cơ quan khác trong cơ thể để gây bệnh. Người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với thực phẩm nhiễm các loại ký sinh trùng này", bác sĩ Thiệu nêu.

Thực phẩm bị mốc có thể sản sinh ra nhiều độc tố 

Bên cạnh vấn đề vệ sinh, bác sĩ Thiệu cho hay, việc bảo quản nguyên liệu cốm khô không đúng quy định cũng là một nguy cơ lớn. Tại cơ sở Nguyên Ninh, các bao tải cốm khô được xếp chồng ngay gần tường ẩm mốc và lối ra vào bếp.

"Tường ẩm mốc là môi trường phát tán bào tử nấm vào thực phẩm. Thực phẩm bị mốc có thể sản sinh ra các độc tố như aflatoxin. Ngay cả khi tiêu thụ với liều lượng nhỏ, aflatoxin cũng có thể gây tổn thương gan. Aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc). Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện khoảng 16 loại aflatoxin khác nhau. Sau khi vào cơ thể, aflatoxin chủ yếu được gan chuyển hóa thành một loại dẫn xuất khác, có khả năng gắn chèn với ADN nên gây ra đột biến gen", bác sĩ Thiệu nhấn mạnh.

Nếu đột biến gen khiến tế bào phân chia không ngừng nghỉ thì sẽ khởi phát ung thư. Tiếp xúc lâu dài với aflatoxin nồng độ cao cũng được xác định là nguyên nhân chính gây ung thư gan.

Một điểm đáng chú ý khác về aflatoxin là độc tố này sẽ không bị phân hủy ở nhiệt độ nấu ăn thông thường. Cụ thể, nhiệt độ cần để phân hủy aflatoxin phải trên 280 độ C. Do đó, chiên trong dầu, nấu chín với nước không có tác dụng phá giải độc tố aflatoxin trong thực phẩm bị mốc.

"Một vấn đề nguy hiểm khác là cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh là thương hiệu nổi tiếng, được bán với số lượng lớn. Do đó, nếu có lô thực phẩm có vấn đề có thể dẫn đến nguy cơ cho nhiều người. 

Dịp Tết đến gần nhu cầu mua sắm cũng gia tăng. Do đó, người tiêu dùng cần đặc biệt kỹ lưỡng trong khâu lựa chọn các mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm. Hãy ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác đầy đủ, và tránh xa những cơ sở có dấu hiệu vi phạm vệ sinh. Sự lựa chọn cẩn thận sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình", bác sĩ Thiệu khuyến cáo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem