Hệ sinh thái Đấu Thầu minh bạch và hiệu quả giành được deal cuối cùng của Shark Tank mùa 5
Hệ sinh thái Đấu Thầu minh bạch và hiệu quả giành được deal cuối cùng của Shark Tank mùa 5
PV
Thứ hai, ngày 05/09/2022 14:06 PM (GMT+7)
Với việc đầu tư 6 tỷ để lấy 10% cổ phần của Hệ sinh thái Đấu Thầu minh bạch thuộc VINADES, shark Hùng Anh là người chốt deal cuối cùng của Shark Tank mùa 5.
Nguyễn Thế Hùng và Phạm Đức Tiến cùng công ty VINADES – thuộc hệ sinh thái Đấu Thầu chính là Startup cuối cùng khép lại Shark Tank mùa 5. Ở phần mở màn, hai người bạn đồng hành đã đưa đến cho các Shark một vài câu trắc nghiệm Có – Không thú vị xoay quanh các vấn đề về đấu thầu mà các Shark thường gặp ở chính doanh nghiệp của mình. Từ đây, Đức Tiến nhận định bộ phận mua sắm trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn là một bộ phận rất dễ xảy ra tiêu cực. Điển hình là tình huống dàn xếp cho những công ty thân quen của mình tham gia vào việc cung ứng của doanh nghiệp đó gây ra tình trạng “quân xanh quân đỏ”, khiến cho là cuộc đấu thầu, cạnh tranh không đạt được hiệu quả cao. Ngoài ra, anh cũng hỏi các Shark về cách thức đăng tin đặc biệt ngoài bốn kênh truyền thống: trên báo, website, các nền tảng mạng xã hội và gửi thông báo tới các nhà cung ứng quen thuộc.
Sau khi nhận được câu trả lời Có – Không của các Shark cho những câu hỏi của mình, Đức Tiến giới thiệu về Hệ sinh thái Đấu Thầu có khả năng giải quyết hết tất cả những vấn đề anh vừa nêu trên. Nền tảng này được kỳ vọng sẽ trở thành một sàn thương mại điện tử, kết nối B2B hàng đầu tại Việt Nam. Anh đưa thêm số liệu kể từ khi ra mắt đến nay, Hệ sinh thái đã thu hút được hơn 40.000 nhà cung cứng tham gia vào hệ thống, trong đó có hơn 2000 doanh nghiệp trả phí từ 7 triệu đến 103 triệu một năm.
Thế Hùng chi tiết thêm: từ năm 2018 đến quý 1 năm 2022, họ đã đầu tư vào Startup hơn 8 tỷ và doanh thu trên 16 tỷ, lợi nhuận hơn 50%. Năm ngoái mặc dù vướng phải đại dịch Covid19 căng thẳng tuy nhiên, công ty vẫn tăng trưởng 165%. Sau đó, Thế Hùng đưa ra lời mời hợp tác với mức đề nghị: 6 tỷ đồng cho 5% cổ phần và tối đa là 20% cổ phần.
Những con số mà Startup đưa ra rất tích cực khiến Shark Liên gật gù nhưng bên cạnh đó, Shark Hùng Anh lập tức đặt câu hỏi: “Công ty đã có lãi vậy nguyên nhân gì để các anh đến đây gọi vốn chỉ 6 tỷ cho 5%?”
Thế Hùng đại diện trả lời rằng nếu chỉ đơn thuần thỏa mãn việc “lớn chậm” thì đúng là không cần gọi đầu tư. Tuy nhiên họ coi đây là một cơ hội chiếm lĩnh thị trường nhanh hơn, phát triển tới tầm vĩ mô hơn ví dụ tiến ra thị trường nước ngoài. Anh cũng đưa ra số liệu doanh thu quý 1 năm 2022 là 1,9 tỷ đồng, lợi nhuận 900 triệu. Mô hình thu phí của công ty dựa trên thuê bao các dịch vụ, thu phí dịch vụ phân tích dữ liệu, phí kết nối các doanh nghiệp, giữa nhà thầu với bên mời thầu và phí triển khai những sàn đấu thầu riêng cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Shark Hưng muốn biết về mục đích sử dụng 6 tỷ đầu tư, Startup cho biết họ sẽ dùng số tiền này để đẩy truyền thông, marketing. Đây chỉ là vòng gọi vốn đầu tiên, nếu thành công tại Shark Tank, VINADES sẽ tiến tới việc gọi vốn ở các vòng tiếp theo để có đủ ngân sách đáp ứng cho việc phát triển dài hạn. Nghe định hướng này, Shark Hưng thắc mắc: “B2B sao lại ‘đốt tiền’ cho marketing?”. Bên cạnh đó, Shark Erik cũng cùng quan điểm cho rằng Startup đang ‘pha loãng’ cổ phiếu quá nhiều ở thời điểm này trong khi có dự định gọi vốn sau đó. Startup giải thích rằng dự án hiện giờ đã hoàn chỉnh, kể cả về R&D, họ đang chuẩn bị tung ra những dòng sản phẩm mới và marketing là cần thiết. Giải đáp thêm về phần thu phí, đại diện công ty giải thích phí thu từ cả chủ đầu tư và nhà thầu nhưng phí niêm yết là của nhà thầu. Họ dự kiến trong vòng một năm tới sẽ ‘educate thị trường’ bằng cách cho phép các nhà đầu tư trải nghiệm miễn phí hệ thống để làm quen với việc sử dụng và sẽ bắt đầu thu tiền vào năm thứ hai đối với các chủ đầu tư.
Shark Hùng Anh muốn biết thêm về cơ cấu cổ đông, Startup chia sẻ trước kia họ ươm mầm trong doanh nghiệp còn hiện giờ đang làm thủ tục tách ra thành một công ty độc lập. Công ty mới đã được chuyển toàn bộ tài sản và dự án định giá là 8 tỷ, VINADES đang giữ 100% cổ phần, phần kêu gọi vốn hiện tại là phát hành mới. Shark Hùng Anh băn khoăn về việc định giá 8 tỷ nhưng nếu các Shark đầu tư 6 tỷ lại chỉ có được 5%, thay vì 48-49%. Startup trả lời rằng 8 tỷ chỉ là định giá theo số tiền họ đã đầu tư còn giá trị công ty cao hơn như vậy bởi doanh thu một năm đã vượt quá 10 tỷ. Shark Hùng Anh tiếp tục hỏi thêm về số liệu Startup đã cung cấp ban đầu: 1 quý lãi 900 triệu tương đương với lãi 300 triệu 1 tháng, như vậy 1 năm lãi khoảng 3 tỷ, như vậy đâu thật sự nhiều tiền như họ định giá. Tổng giám đốc Thế Hùng giải thích rằng họ mới chỉ phát hành một số sản phẩm trong đó vẫn có những sản phẩm chưa thu phí, khi bước vào giai đoạn thu phí của khách hàng chắc chắn doanh thu sẽ tăng và lớn hơn nhiều so với con số hiện tại.
Shark Hưng đưa ra quan điểm cá nhân rằng mục đích huy động, phương án sử dụng vốn cũng như mục tiêu của Startup chưa rõ ràng nên ông quyết định không đầu tư.
Shark Bình hỏi thêm về bức tranh tài chính của doanh nghiệp bởi theo ông bức tranh tài chính không rõ thì rất khó để định giá. Giám đốc doanh nghiệp Đức Tiến cho biết doanh thu 6 tháng đầu năm khoảng hơn 4 tỷ, dự kiến năm nay sẽ là 10 tỷ, lợi nhuận trên 50%.
Shark Liên chia sẻ rằng bà có rất nhiều dự án phải chọn các nhà thầu vì số tiền quá lớn, thường thì doanh nghiệp của bà sẽ lựa chọn cách truyền thống, đây cũng không phải lĩnh vực nằm trong hệ sinh thái của Shark nên bà không đầu tư. Tuy nhiên Shark Liên vẫn hứa hẹn sẽ trở thành một khách hàng của VINADES để trải nghiệm. Tiếp lời “Bà ngoại Cá Mập”, Shark Erik cũng đánh giá Startup đã thành công khi có một công ty tương đối lớn, lợi nhuận. Tuy nhiên ông vẫn không rõ vì sao Startup cần tiền ở thời điểm này, nhìn vào tình hình toàn thế giới lúc này ông nghĩ nên tiết kiệm tiền. Ở phần trả lời trắc nghiệm mở màn, hầu hết ông cũng chọn phương án “Không”. Ông chia sẻ rằng có thể do văn hóa Bắc Âu của ông không quen với việc này và đó là một phần lý do ông không đầu tư.
Sau khi ba Shark rút lui, Shark Hùng Anh đưa lời đề nghị 6 tỷ cho 12% cổ phần với điều kiện Startup phải cam kết đúng lợi nhuận 5 tỷ năm 2022. Lời đề nghị của ông tương đương với định giá doanh nghiệp 44 tỷ. Shark Bình cũng có nhận định riêng của mình và ông đề nghị: 10 tỷ cho 20% cổ phần.
Đứng giữa hai sự lựa chọn, Startup thương lượng với Shark Hùng Anh 6 tỷ cho 8% nhưng ông không đồng ý. Sau thời gian thảo luận, hai đại diện của công ty quyết định mức đề nghị 6 tỷ cho 10% và nhận được sự đồng ý của Shark Hùng Anh.
Như vậy, Shark Hùng Anh đã chốt thành công deal cuối cùng của mùa 5. Startup cũng gửi lời cảm ơn tới các Shark vì đã cho họ rất nhiều ý kiến đóng góp cũng như phản biện rất chính xác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.