Hệ thống Pantsir-ME: "Robot tương lai" bảo vệ tàu chiến Nga

Thứ hai, ngày 04/04/2022 18:31 PM (GMT+7)
Hệ thống Pantsir-ME có vẻ ngoài như robot, được bố trí trên tàu chiến Nga để tiêu diệt nhiều mối đe dọa khác nhau.
Bình luận 0

Tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-ME dành cho tàu chiến được Viện thiết kế thiết bị Nga (KBP) ra mắt hồi cuối tháng 6/2017 nhằm thay thế các hệ thống phòng thủ tầm gần trong biên chế hải quân Nga hiện nay như pháo AK-630M.

Pantsir-ME có biệt danh "robot tương lai", được phát triển từ nền tảng hệ thống phòng không Pantsir-S trên mặt đất, nhằm bảo vệ tàu chiến trước các mối đe dọa mới. Mỗi bệ Pantsir-ME có thể tấn công đồng thời 4 mục tiêu có tốc độ tới 3.600 km/h, thời gian từ lúc phát hiện mục tiêu tới khi sẵn sàng bắn chỉ kéo dài tối đa 5 giây.

Hệ thống Pantsir-ME: "Robot tương lai" bảo vệ tàu chiến Nga - Ảnh 1.

Cụm chiến đấu của tổ hợp Pantsir-ME. Ảnh: Rostec.

Pantsir-ME có khả năng đánh chặn các loại tên lửa trong điều kiện biển động, thậm chí là cả trong những cơn bão. Các bộ phận của tổ hợp này đều có kích thước nhỏ gọn hơn phiên bản mặt đất, đồng thời được phủ vật liệu chống nước biển ăn mòn.

Hai pháo 30 mm trên Pantsir-ME có tốc độ bắn tới 10.000 phát/phút, gấp đôi phiên bản mặt đất. Điều này giúp Pantsir-ME tạo màn đạn dày hơn, tăng khả năng đánh trúng các loại tên lửa siêu thanh hoặc có quỹ đạo bay phức tạp.

Tuy nhiên, số tên lửa chiến đấu bị rút xuống chỉ còn 8, thay vì 12 quả như mẫu Pantsir-S. Hệ thống điều khiển sẽ tự động khai hỏa pháo nếu tên lửa không bắn hạ được mục tiêu.

"Tổ hợp Pantsir-ME có thể tạo ô phòng không với bán kính 20 km quanh tàu chiến. Nó sẽ có hiệu quả cao trong những xung đột quân sự tương lai", đại diện KBP tuyên bố.

Tổ hợp này được trang bị một cụm cảm biến quang - hồng ngoại, cùng một radar cảnh giới với tầm quan sát 50 km và một radar dẫn bắn. Nhà sản xuất cho biết Pantsir-ME đủ sức phát hiện tên lửa diệt hạm có diện tích phản xạ radar chỉ 0,01 m2, đồng thời ứng dụng thuật toán mới để đánh chặn mục tiêu.

"Hệ thống Pantsir-S thường đánh chặn các mục tiêu từ trên không dựa vào tính toán đường bay của đối phương. Tuy nhiên, tên lửa chống hạm thường bay thấp, bám sát mặt biển, khiến máy tính rất khó dự đoán quỹ đạo của chúng để tiêu diệt. Điều này sẽ được cải thiện trên phiên bản Pantsir-ME", ông Alexander Zhukov, tổng công trình sư của KBP, cho biết.

Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng mua một số tổ hợp Pantsir-ME để trang bị cho các tàu hải quân tương lai. Tổ hợp này cũng đã được chào bán cho một số khách hàng nước ngoài.

Tử Quỳnh (Theo VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem