Hiếm gặp: Dị ứng bột mì khiến bệnh nhân nổi ban đỏ toàn thân, ngất xỉu

Diệu Linh Thứ ba, ngày 18/10/2022 06:07 AM (GMT+7)
Có tiền sử dị ứng bột mì nhưng chỉ ngứa, kèm ban đỏ nên cô gái đã chủ quan bỏ qua. Đến khi bị ngất xỉu, rong kinh bất thường sau khi ăn bánh mì, nhập viện mới được chẩn đoán và điều trị.
Bình luận 0

Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ về một ca dị ứng bột mì hiếm gặp mà bác sĩ vừa điều trị. 

Dị ứng với bột mì nhưng vẫn... kiên trì ăn

Bệnh nhân là nữ, 26 tuổi, đã có tiền sử dị ứng bột mì suốt 10 năm nay. Tuy nhiên, cơn dị ứng chỉ là xuất hiện mày đay, ngứa sau khoảng 1 giờ ăn bánh mì, nếu kèm theo vận động thì ngứa nhiều hơn. 

Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn chủ quan và tiếp tục ăn bánh mì. Đã nhiều lần sau khi ăn bánh mì, bệnh nhân bị ban đỏ, ngứa, kèm theo đi ngoài (hoặc không). Bệnh nhân có đi khám tại bệnh viện tuy nhiên không rõ chẩn đoán. 

Hiếm gặp: Dị ứng bột mì khiến bệnh nhân nổi ban đỏ toàn thân, ngất xỉu - Ảnh 1.

Dị ứng bột mì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh minh họa Pixabay

Bệnh nhân đã đến Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng điều trị vì ngất xỉu sau khi ăn bánh mì. Bệnh nhân kể, trước khi đến phòng tập tập thể dục, bệnh nhân ăn 1 ổ bánh mì. Sau đó chạy với tốc độ trung bình 6km giờ. 

Bất ngờ cơ thể ngứa đỏ toàn thân, tăng nhịp tim, đau bụng, đi ngoài, xuất hiện kinh nguyệt bất thường và ngất xỉu ngay tại phòng tập. 

Bệnh nhân đã được sơ cứu tại chỗ và tỉnh lại sau 30 phút. Khi vào Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng được chẩn đoán: theo dõi phản vệ độ III do bột mì sau hoạt động thể lực. 

Các xét nghiệm sau đó cho thấy, bệnh nhân này có phản ứng quá mẫn với bột mì, cùng với tiền sử diễn biến bệnh thì chẩn đoán xác định cuối cùng của bệnh nhân là phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực.

Cảnh giác với dị ứng bột mì

Theo bác sĩ Khánh, lúa mì có tên khoa học là Triticum aestivum là một loại hạt đóng vai trò chủ đạo trong an ninh lương thực trên thế giới, chúng có khả năng sinh trưởng ở rộng khắp các châu lục với các điều kiện khí hậu khác nhau. 

Bột mì có giá trị dinh dưỡng cao và có thể được dùng để chế biến rất nhiều loại thực phẩm khác nhau như bánh mì, pasta, pizza, đặc biệt một loại đồ uống phổ biến trên thế giới là bia. 

Tuy nhiên, hạt lúa mì lại là một trong những dị nguyên dễ gây kích hoạt miễn dịch gây phản ứng dị ứng theo cả hai cơ chế qua trung gian IgE và không qua IgE với biểu hiện lâm sàng đa dạng từ nhẹ như mày đay, ngứa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm dạ dày thực quản. 

Nếu dị ứng nặng có thể gây phản vệ đe doạ tới tính mạng người bị dị ứng bột mì, 

Phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên gặp nhiều ở trẻ em vị thành niên và người lớn mà trước đó không hề có tiền sử dị ứng với thức ăn. 

Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 6 tiếng hoặc hơn sau ăn bột mì và có hoạt động thể lực như đi bộ, chạy, thời gian điển hình thường từ 1 đến 3 giờ. 

"Phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực là bệnh lý dị ứng thức ăn hiếm gặp và dễ bỏ sót chẩn đoán, tuy nhiên đây lại là bệnh lý có nguy cơ lấy đi tính mạng bệnh nhân nếu không được chẩn đoán xác định sớm. 

Bệnh nhân cần được tư vấn tránh đồ ăn có chứa bột mì, đặc biệt không hoạt động thể lực sau ăn bột mì hoặc được điều trị giảm mẫn cảm nếu cần thiết. 

Bệnh nhân và người nhà, giáo viên, đồng nghiệp cần được đào tạo kỹ năng cấp cứu cơ bản kèm theo thuốc điều trị dự phòng phản vệ ( EPIPEN)", bác sĩ Khánh khuyến cáo.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem