|
Những hầm vàng ở Phước Sơn luôn chứa đựng sự nguy hiểm. |
Chết trắng tay giữa bãi vàng
Chúng tôi băng bộ vào bãi vàng Phước Hiệp trong một ngày cuối tháng 4 nắng như đổ lửa. Vượt qua con suối đục ngầu gặp ngay hai thanh niên cầm vòi rồng phun nước vào những ghềnh đá cao. Phía dưới ghềnh đá, một tốp năm, sáu thanh niên khác đang chui trong hục sâu hơn 10m, cầm xà beng cậy đá. Nói dại miệng, cái ghềnh đá ở trên sụp xuống thì tất cả bị chôn sống.
Trần Văn Minh (SN 1982), quê Ninh Bình, người đang cầm vòi rồng phun nước, xì một tiếng coi thường: Đá đổ xuống thì chạy, chạy không kịp thì... chết, "có sao đâu". Hôm trước ghềnh bên kia vừa đổ, bọn này chạy được tuốt, chỉ có thằng đàn em chạy chậm bị kẹp, gãy chân, chủ trả cho 500.000 tiền thuốc, 200.000 tiền xe, về quê rồi.
Bên cạnh bãi "vàng chui" này, có nhiều điểm “vàng mót" khác - lãnh địa của dân "tọ mọ" người địa phương.
Ông Hồ Văn Dương ở thôn 8, xã Phước Hiệp nói: "Đất bán hết cho chủ bãi vàng rồi, chỉ đi mót lại của họ mà sống thôi". Dân "tọ mọ" sợ đủ đường, sợ bị chủ bãi phát hiện xua đuổi, sợ bị sập hầm. Những hầm đến tay giới này đều đã rệu rã. Cách đây mấy hôm, một người đi "tọ mọ" ở Phước Đức đã chết vì hầm sập. Nạn nhân quê ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa), tên là Phạm Châu (SN 1962).
Cùng đi mót vàng với ông Châu có ông Bế Văn Cao (SN 1964, huyện ChưPrông, Gia Lai), Nguyễn Điền (SN 1968, Phú Lộc, Thừa Thiến - Huế). Chúng tôi có gặp ông Điền ngay sau khi tai nạn xảy ra. Ông kể: "Sáng đó, tôi đi mua thức ăn, Châu và Cao ở lại đào vàng. Đến khi về đã thấy hầm sập. Cao bị lấp nửa người nên bới ra còn sống, còn Châu thì lấp hết, đưa lên chết cứng rồi. Tôi phải nhờ công an huyện Phước Sơn đứng ra quyên góp mai táng cho Châu. Nói là đi đãi vàng, mà có đồng nào trong túi đâu...".
Những cái chết báo trước
Huyện Phước Sơn có 13 công ty được cấp phép khai thác, tận thu vàng gốc, và khoảng 30 điểm khai thác vàng trái phép. Quân số tham gia đào vàng luôn gần 1.000 người.
Chúng tôi rời Phước Hiệp trèo núi vào Phước Thành - đây được coi là "giang sơn" của các công ty vàng, hầu hết đều có giấy phép khai thác. Những công nhân chúng tôi gặp trông cũng không khác gì dân đi "tọ mọ", cũng xác xơ, đầu trần, chân đất.
Anh Nguyễn Kim, một công nhân, phẫn nộ: Khi nào có đoàn kiểm tra đến thì họ phát khẩu trang, bảo hộ lao động, đoàn đi thì thu hết lại.
Chúng tôi dừng lại ở Công ty Trường Sơn (thôn 2), chỉ trong 15 phút chứng kiến cảnh tời đá từ hầm sâu hơn 100m lên, có đến 4 lần xe tời bị trật bánh và tụt trở lại, trong khi đó hàng chục công nhân đầu trần đứng phía dưới. Những hầm ở đây được đào theo kiểu địa đạo, ở vách hầm có kè chống bằng các thanh gỗ, mà nhìn qua có thể biết là chúng đã có "tuổi".
Cách đây mấy năm, cũng tại Phước Thành này, một hầm vàng do quá "cao niên" đã sụp xuống làm 19 người chết. Thật ra cái chết ở những bãi vàng này có nhiều dạng, sạt lở núi, sụp hầm, đánh nhau, rồi ngạt khí.
Năm 2004 tại bãi Đồi Chim, giáp ranh giữa xã Phước Thành và Phước Kim một vụ ngạt khí thở dưới hầm sâu làm 4 người thiệt mạng... Ít có nơi nào, mạng con người mỏng manh như ở đây - chốn núi rừng với đầy những ám ảnh ma mị của vàng.
Trần Tuyết Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.