Hiến đất xây trường để cho con "no cái chữ"

Thứ sáu, ngày 26/08/2011 19:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuộc sống còn ngặt nghèo nhưng hàng chục hộ dân ở xã Thuận (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã không ngần ngại hiến đất xây trường học, để trẻ em được “no cái chữ”.
Bình luận 0

Từ khi trường mẫu giáo thôn 7 được xây dựng khang trang, người dân trong thôn ai cũng “vui cái bụng”. Vui vì trẻ nhỏ trong thôn đã có trường để học mẫu giáo, không còn phải bỏ học vì trường của xã quá xa. Từ ngày mở trường, cô giáo Hồ Xà Lách vượt núi về thôn dạy học. Gần 30 đứa trẻ trong thôn hàng ngày tíu tít tới trường.

img
Trường THCS Thuận đạt chuẩn quốc gia được xây dựng trên diện tích hàng nghìn m2 do người dân hiến.

Hiến đất nhiều nhất nước

Người hiến đất xây ngôi trường mẫu giáo này là ông Hồ Văn Hạnh (50 tuổi). Tìm gặp ông Hạnh không khó bởi nhà ông nằm ngay mặt tiền Tỉnh lộ 568 qua xã Thuận, cạnh trường mẫu giáo. Nhưng chuyện hiến đất xây trường thì gặng hỏi mãi ông mới chịu nói.

Cuối năm 2010, nghe tin có dự án cho xã tiền xây trường mẫu giáo nhưng không có đất để xây, ông Hạnh lập tức tìm gặp lãnh đạo xã xin hiến 1.500m2 đất mặt tiền tỉnh lộ để xây trường.

Được sự tiếp sức của ông Hạnh, chỉ trong một thời gian ngắn, từ chỗ “trắng” trường mẫu giáo, thôn 7 đã có một ngôi trường khang trang. Từ khi trường khánh thành, dân trong thôn hay bắt gặp ông Hạnh ngồi trên nhà sàn nhìn sang chỗ xôn xao tiếng cười thơ trẻ, cười mãn nguyện.

Gần đó, thôn Úp Ly 2 cũng vừa có một trường mẫu giáo kiêm nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng kiên cố, khang trang. Trường nằm ngay đầu thôn, cách trụ sở UBND xã Thuận gần 2km, tường và ngói sơn màu hồng tươi. Thấy tôi mê mẩn nhìn ngôi trường đẹp, bà A Nơ, người trong thôn, sốt sắng khoe: “Trường do cụ ông Hồ Văn Khỏa hiến đất xây đó. Nhờ có trường mà trẻ nhỏ thôn ni được biết đến học mẫu giáo, người lớn thì có chỗ để thỉnh thoảng hội họp, giao lưu”.

Cụ Khỏa năm nay đã 70 tuổi nhưng đôi đôi mắt vẫn sáng quắc, giọng nói rền vang. Cụ dẫn tôi vào trường mẫu giáo, khi hàng chục đứa trẻ đang bi bô tập đọc, tập hát. Thấy lũ trẻ say sưa học bài, cụ mỉm cười hạnh phúc.

Cụ kể, trước đây, trẻ nhỏ trong thôn không được học mẫu giáo, khi lên cấp một việc học gặp rất nhiều khó khăn. Sau chuỗi ngày đau đáu suy nghĩ, một ngày đầu năm 2010, cụ lên xã đề nghị hỗ trợ thôn Úp Ly 2 xây dựng trường mẫu giáo. Xã bảo tiền xây trường có thể huy động dự án nhưng đất thì chưa có tiền mua. Nghe vậy, cụ Khỏa liền xung phong hiến hơn 15.00m2 đất mặt tiền tỉnh lộ của gia đình để xây trường.

img
Với thành tích hiến đất xây trường học, ông Hồ Văn Hạnh đã nhận được nhiều bằng khen của các cấp.

Ở xã Thuận, ngày càng có nhiều người hiến đất xây trường như ông Hạnh và cụ Khỏa. Hầu hết các trường mẫu giáo ở các thôn, bản của xã đã được xây dựng đều do người dân tự nguyện hiến đất. Đặc biệt, Trường THCS Thuận đạt chuẩn quốc gia vừa khánh thành và đưa vào hoạt động cũng do người dân hiến đất.

Để xây dựng ngôi trường này, đã có hơn 10 hộ dân tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất. Vì thế mà một cán bộ xã Thuận tự hào khẳng định với tôi rằng, trên đất nước này không có nơi nào người dân hiến đất để nuôi chữ cho con cháu nhiều như xã Thuận.

Sống cho tương lai

Những ngày rong ruổi ở xã Thuận, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về những người hiến đất. Như chuyện hiến đất của gia đình ông Hồ Văn Hạnh khiến ai nghe cũng ứa nước mắt. Gia đình ông Hạnh sinh sống bằng nghề nông, cuộc sống quanh năm chẳng lấy gì làm no đủ. Thửa đất 1.500m2 mà gia đình ông hiến cho xã xây trường mẫu giáo từng là đất sản xuất đưa lại thu nhập đáng kể hàng năm cho gia đình. Còn nhớ, trước ngày ông hiến đất, từng có người ở TP.Đông Hà lên đây hỏi mua và trả giá thửa đất hơn 50 triệu đồng. Nhiều người khuyên ông nên bán để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình, nhưng ông đã gạt phăng.

“Đó là số tiền lớn, nhưng mình bán rồi tiêu cũng hết trong khi trẻ nhỏ không biết bao giờ mới có trường để học. Nếu mình chỉ biết sống cho hiện tại mà không biết sống cho tương lai thì lũ trẻ sẽ không bao giờ được sự soi sáng của con chữ”- ông Hạnh tâm sự. Bà A Mo - vợ ông, góp chuyện rằng, từ ngày hiến đất xây trường mẫu giáo đến giờ ngày nào chồng bà cũng vui nên dường như trẻ thêm mấy tuổi. Ngoài thời gian làm nương rẫy mưu sinh, những lúc rảnh rỗi, chồng bà đến nắm sĩ số lớp học để lỡ có trẻ nào phải nghỉ học vì khó khăn để có sự động viên, hỗ trợ kịp thời.

Cụ Hồ Văn Khỏa kể, ngày trước, khi thấy cụ hiến đất, nhiều người bảo cụ là gàn dở, bởi gia cảnh đã nghèo xơ nghèo xác mà còn lo chuyện thiên hạ. Ban đầu cụ hơi chột dạ, bởi gia đình túng quẫn thiệt. Nếu bán lô đất, gia đình cụ sẽ có khoảng 100 triệu để đầu tư cho sản xuất và thay đổi cuộc sống hiện tại. Nhưng cụ Khỏa chỉ phân vân trong chốc lát khi đứng trước sự lựa chọn giữa cơm áo cho gia đình và tương lai của lũ trẻ. “Đời mình khổ nhiều rồi, giờ có khổ thêm nữa cũng chẳng sao. Nhưng lũ trẻ thì không thể không có chỗ học mãi, như rứa là mình có tội với chúng”- cụ Khỏa nghĩ vậy rồi quyết định hiến đất.

Ngày mai tươi sáng

Ông Phạm Xuân San là người miền xuôi lên xã Thuận lập nghiệp từ thời trai trẻ và đến nay đã có thâm niên hơn 20 năm giữ chức Phó Chủ tịch xã. Ông San bảo, làm cán bộ ở miền núi thường vất vả, nhưng ở xã Thuận cán bộ sướng lắm. Sướng là bởi người dân nơi đây tốt bụng hiếm thấy, luôn có ý thức chung tay xây dựng quê hương và hy sinh hết mình cho thế hệ trẻ.

Những năm qua, khoảng 50 hộ dân của xã Thuận đã hiến tổng cộng 54,8 ha đất cho Nhà nước. Ngoài việc xây dựng hệ thống trường học khang trang, diện tích đất này còn được dùng để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng khu hành chính và các tuyến đường của xã. Nhiều hộ dân trên địa bàn đã được Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen về phong trào hiến đất.

Theo ông San, với 80% dân số là đồng bào dân tộc, đời sống của người dân xã Thuận còn nhiều khó khăn. Nhưng cái khó không bó được tinh thần hiếu học của người dân miền sơn cước này, ngược lại càng khiến họ khát khao với cái chữ hơn. “Tất cả diện tích đất xây các trường học ở xã đều do người dân hiến hết. Tinh thần đó chắc chắn không địa phương nào sánh được”- ông San phấn khởi. Ông nói tiếp, để hiến đất làm trường học, rất nhiều hộ dân ở xã Thuận chấp nhận di dời nhà cửa lên khu vực đồi núi sinh sống. Đến nơi ở mới đồng nghĩa với việc họ đối mặt với nhiều khó khăn mới nhưng ai cũng thấy vui.

Và điều quan trọng nhất là lĩnh vực giáo dục của xã ngày càng phát triển nhanh và bền vững, báo hiệu một ngày mai tươi sáng. Là một xã vùng cao nhưng đến nay giáo dục của xã đã xấp xỉ đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Các cán bộ xã Thuận khẳng định, giáo dục của xã sẽ không có được thành tích trên nếu người dân không sống hết mình cho thế hệ tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem