Hiến tặng tư liệu quý về Hoàng Sa in tại Nhật Bản

AN SƠN Thứ ba, ngày 02/06/2015 07:04 AM (GMT+7)
Việc tư liệu này được ấn hành ở Nhật Bản giúp giới nghiên cứu và độc giả quốc tế có điều kiện nhận thức một cách khách quan về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. 
Bình luận 0

Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan (ngụ TP.Huế) vừa hiến tặng bộ chính sử của triều Nguyễn có tên “Đại Nam thực lục” do Nhật Bản ấn hành chứng minh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cho Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao). Trước đó, trong quá trình tìm tài liệu nghiên cứu lịch sử Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20, ông Phan phát hiện nguyên bản của bộ sử này. Hiện bộ sử này rất hiếm ngay cả tại Nhật Bản chứ không chỉ ở Việt Nam.

img
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan với bộ sử do Nhật Bản ấn hành chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.  Ảnh:    An Sơn  

Trong bộ sử này có 17 đoạn xác định chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Những đoạn này đề cập đến nhiều vấn đề, từ khai thác nguồn lợi vật chất cho đến công tác đo đạc, cắm mốc xây dựng liên tục tại Hoàng Sa, Trường Sa của người Việt từ thế kỷ 17-18. “Điều đó chứng tỏ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của người Việt Nam từ xa xưa và đã được ghi vào chính sử. Đây là những văn bản có giá trị pháp lý cao nhất chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam”- ông Phan nói.

Theo ông Phan, bộ chính sử Đại Nam thực lục gồm hai phần, tiền biên và chính biên, do Quốc sử quán tổ chức biên soạn từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đến năm Bảo Đại thứ 14 (1939). Trước đây, chỉ một phần của bộ Đại Nam thực lục (giai đoạn từ thời Gia Long đến Đồng Khánh) đã được khắc bản gỗ để in lên giấy bản. Phần còn lại từ thời Thành Thái, Duy Tân và Đại Nam thực lục chính biên thời Khải Định, do không có tiền nên Quốc sử quán đã cho chép tay thành 6 bản để bảo quản. Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, phần lớn các bản chép tay đã bị thất lạc và hư hỏng do mối mọt. Từ năm 1961, Trường Đại học Keio (Nhật Bản) đã bỏ ra 21 năm ròng rã để nghiên cứu, sưu tầm, sao chụp đúng nguyên dạng Đại Nam thực lục đã được in bằng mộc bản gồm hơn 550 quyển với gần 33.000 trang. Sau đó, đại học này tổ chức in lại bộ sử thành 20 tập, 8.131 trang tại Nhật Bản.

Ông Phan cho biết, việc phát hiện bộ chính sử của triều Nguyễn được in ấn, phát hành ở Nhật Bản là một phát hiện thú vị và quan trọng. Bộ sử này được tổ chức, sưu tầm, ấn hành ở ngoài biên giới thì nó đã vượt qua tầm quốc gia, vì thế bản được in ở Nhật Bản càng làm tăng giá trị của bộ sử. Điều này làm cho giới nghiên cứu và độc giả quốc tế có điều kiện nhận thức một cách khách quan về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Tôi hiến tặng bộ sử này cho Nhà nước với hi vọng được góp một phần sức mình vào việc cũng cố hồ sơ đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa đang bị chiếm đóng trái phép”- ông Phan nói.

Với việc làm ý nghĩa trên, ông Phan đã được Ủy ban Biên giới quốc gia trao tặng giấy khen về thành tích “có công sưu tầm, hiến tặng tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem