Trong những lần ra khơi gặp nạn, các ngư dân ở Nghĩa An đã bắt chặt tay nhau với chung một suy nghĩ, không ai có thể cứu giúp mình bằng chính bản thân mình…
Từ dự án “thông tin Hoàng Sa”...
“Thời của mình toàn nhìn trời, nhìn nước, nhìn mây để đoán mò thời tiết đi biển, đến thời con cháu thì mình phải ra tay giúp nó”. Nghĩ vậy, năm 2005, ông Huỳnh Văn Minh (SN 1958) ở Tân Thạnh, Tân Mỹ quyết định đầu tư mua hẳn một chiếc máy Icom tầm xa loại IC 1700, nối sóng ra tận ngoài quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để nắm tình hình và hỗ trợ ngư dân. “Dự án thông tin Hoàng Sa” (theo cách gọi của ông) chi phí cao nên ông Minh rủ 2 tàu khác hùn vốn tham gia .
|
Liên lạc qua Icom từ nhà ông Minh với tàu cá trên biển. |
“Tình hình đoàn mình đánh bắt ngoài đó ra sao? Chú ý chạy lên hướng Đông Bắc tránh áp thấp nhiệt đới…!”. Cứ đều đặn vào lúc 12 giờ – 16 giờ – 21 giờ, đài canh ông Minh lại mở máy liên lạc. Những ngày thời tiết xấu, đài canh trực 24/24 giờ. Căn nhà của ông từ đó trở thành trạm thông tin về biển Đông để bà con tới nắm tình hình cũng như chuyển tin từ đất liền ra biển. Có đài canh, các ngư dân trong nhóm ông Minh lại càng trăn trở và xót ruột khi nghe những tiếng kêu thảng thốt của các tàu cá bị nạn ở Hoàng Sa, Trường Sa nhưng đành bó tay.
Hiện nay toàn xã đã có trên 10 đài canh cộng đồng do các nhóm ngư dân đánh bắt tự liên kết thành lập. Các đài canh này đã trở thành mạng thông tin khép kín để phủ sóng ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Chuyện làm biển thì rủi may như cơm bữa, anh em mình phải làm sao để giúp nhau lúc nghẹt lúc nghèo để kiếm cơm nuôi con?” – ông Lê Mùa, một ngư dân trong nhóm ông Minh cho biết những toan tính của anh em trong nhóm.
Vậy là các ngư dân đã quyết định lập một biên bản và giao kèo: Nếu tàu nào gặp trục trặc hỏng máy ngoài biển, khi được kéo vào bờ, các tàu cá trong nhóm phải tự giác hùn tiền giúp đỡ. Số tiền mỗi nhóm tính một kiểu, có nhóm tính theo kinh độ, vĩ độ, có nhóm tính phần trăm chi phí, nhiều nhóm áp dụng theo cách tính bình quân 1 hải lý được hỗ trợ 40.000 đồng (không hoàn lại).
Đối với tàu thuyền bị mất lưới, ngư dân trong nhóm sẽ góp tiền hỗ trợ 10%. Khi làm ăn và có thu nhập, chủ tàu bị nạn sẽ tự giác hoàn lại số tiền trên cho anh em trong nhóm. Ai khó khăn sẽ được hoàn tiền trước.
… Đến bản “Khế ước bám biển”
“Lập nhóm là tự mình giúp mình” – ngư dân Huỳnh Tấn Nghĩa khẳng định. Và, cũng chính bởi lý do này mà chỉ trong vòng vài năm, tại xã Nghĩa An, hơn 30 nhóm liên kết đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã ra đời. Mỗi nhóm đều tự xây dựng bản cam kết góp quỹ và thực hiện rất nghiêm túc, từ đó đã có rất nhiều tàu cá và ngư dân liên kết cùng đi làm ăn. Khi trên biển có tàu cá gặp hoạn nạn, các ngư dân đã tự cứu giúp nhau.
|
Ngư dân xã Nghĩa An yên tâm ra biển đánh bắt vì đã có sự hỗ trợ của các bạn tàu trong xã. |
Lúc 4 giờ sáng ngày 25-4-2010, nhận tin từ Đài duyên hải miền Trung, tổ Icom của ông Minh mở máy và bắt đầu công việc hướng dẫn tàu của anh Huỳnh Tấn Hoàng - một tàu cá trong nhóm bị hỏng máy ở ngoài khơi. “Rút cây nhớt ra thấy vàng như mật đường” - nghe các ngư dân thông báo về tình hình trên thuyền, biết nước làm mát đã tràn sang khoang nhớt của máy, tổ Icom của ông Minh hướng dẫn xử lý tình huống trét xi măng mang theo và thay nhớt máy.
Máy thuyền chỉ sặc lên được vài cái rồi lại tắt lịm, bốc mùi khét lẹt. Không khắc phục được sự cố, các “chuyên gia từ xa” của ông Minh đã nhanh chóng điều động thuyền của ông Huỳnh Văn Lắm đến cập mạn, kéo thuyền bị nạn vào Cam Ranh để sửa chữa.
Không chỉ giúp anh em trong nhóm, khi các tàu cá ở nhóm khác gặp nạn, nhóm đánh bắt của ông Minh cũng chìa tay làm việc nghĩa. Năm 2008, đài canh của ông Minh nhận được tin tàu cá của ngư dân Đặng Võ ở xã Tân Thạnh bị mắc cạn ở đảo Bom Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa, ông Minh đã điều 4 chiếc xúm vào kéo. Từ 5 giờ đến 10 giờ sáng, chiếc tàu bị nạn đã thoát ra khỏi bãi san hô.
Không cần con dấu, không cần những điều khoản bắt buộc phải thực hiện một cách khắt khe như người ta thường thấy trong các bản hợp đồng dân sự. Thế nhưng, ý thức hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau đã kết nối các ngư dân để họ tiến ra biển lớn và yên tâm sản xuất.
Lê Văn Chương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.