Hiệp hội taxi 3 miền "xin" ngừng đóng bảo hiểm xã hội
Hiệp hội taxi 3 miền "xin" ngừng đóng bảo hiểm xã hội
Thế Anh
Thứ ba, ngày 25/05/2021 10:41 AM (GMT+7)
Hiệp hội taxi 3 miền "xin" Thủ tướng được ngừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021, các doanh nghiệp vận tải còn nợ đọng bảo hiểm xã hội được giãn nộp số nợ đến 31/12/2021.
Hiệp hội taxi Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng (gọi tắt là Hiệp hội taxi 3 miền) vừa có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiến nghị về các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hiệp hội taxi 3 miền cho biết, việc đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đã làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải taxi lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn.
Việc kinh doanh của các hãng taxi lao đao vì lượng hành khách giảm đến 80-90%, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, đời sống người lao động lao đao, không có thu nhập, hàng loạt các doanh nghiệp taxi đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong hệ thống ngân hàng.
Nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Hiệp hội taxi 3 miền khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành có một số giải pháp nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp vận tải, giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay để phục hồi hoạt động kinh doanh.
Để tháo gỡ khó khăn, Hiệp hội taxi 3 miền kiến nghị Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 6 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải.
Cùng với đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, giảm từ 3% đến 5% lãi suất cho vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp vận tải được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021; điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho xe ô tô kinh doanh vận tải (cụ thể là đối với chu kỳ đầu là 24 tháng và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng).
Đáng chú ý nhất là trong kiến nghị của Hiệp hội taxi 3 miền đó là "xin" được ngừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021; các doanh nghiệp vận tải còn nợ đọng bảo hiểm xã hội thì được giãn nộp số nợ đến 31/12/2021 (không tính lãi chậm nộp).
Trước thông tin doanh nghiệp taxi không đóng bảo hiểm xã hội khiến cho người lao động lo lắng vì quyền lợi bị ảnh hưởng.
Không đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị xử phạt
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP tại Điều 26 quy định về vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc, Doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì sẽ bị xử phạt như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định; Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Doanh nghiệp phải khắc phục những hậu quả trên bằng cách: Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định không đóng, đóng bảo hiểm không đủ số người và thỏa thuận với người lao động không đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội tại Điều 122 quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội:
Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội."
Theo quy định trên nếu doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì ngoài bị phạt, còn bị buộc phải truy thu số tiền không đóng, tiền phạt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện theo yêu cầu đóng tiền bảo hiểm truy thu thì ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.