Hiểu tác hại, nông dân giã từ thuốc lá

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 11/10/2019 17:37 PM (GMT+7)
Cao Bằng là tỉnh miền núi, phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà người dân, đặc biệt là hội viên Hội Nông dân ở địa phương này đã từng bước thấy được tác hại và từ bỏ hút thuốc lá.
Bình luận 0

Tuyên truyền về từng nhà

Chị Nguyễn Thị Bạch – Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng) cho biết, công tác phòng chống tác hại thuốc lá là hoạt động thường niên, được Hội phối hợp với Sở Y tế thực hiện thường xuyên.

Một vài năm trở lại đây, sau khi được truyền thông về tác hại của thuốc lá, nhận thức bà con nông dân cũng thay đổi. 100% các hội nghị do Hội Nông dân tổ chức đều không sử dụng thuốc lá. Nhiều địa phương, cán bộ hội đã vận động các hội viên viết cam kết “Nông dân nói không với thuốc lá”. Sau một thời gian triển khai, kết hợp nhiều biện pháp vừa tuyên truyền, phòng ngừa, áp dụng hình thức xử phạt… tình trạng nông dân hút thuốc lá giảm mạnh, nhất là với cán bộ hội ở các cấp.

Ông Nông Công Định - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thông Nông cho biết, hiện tỷ lệ hút thuốc ở huyện đã giảm hẳn. Một số tiệc cưới hỏi, ma chay của gia đình cán bộ ở địa phương cũng bỏ tiết mục mời thuốc.

img

 Một buổi truyền thông tác hại thuốc lá ở huyện Thông Nông. (ảnh: Thùy Anh)

Ông Nông Văn Dền - nông dân ở huyện Thông Nông, cho hay: “Sau khi nghe nói về tác hại thuốc lá, tôi rất sợ. Lâu nay tôi bị viêm họng, ho suốt mà đâu có nghĩ là do hút thuốc lá. Sau đợt tuyên truyền của Hội Nông dân, tôi về đi khám và quyết tâm bỏ thuốc. Đến nay sức khỏe tốt lên nhiều, tôi không còn ốm đau như trước nữa”.

Giờ đây, mỗi tháng ông Dền tiết kiệm được tới 600.000 đồng tiền trước đây mua thuốc lá, và tiết kiệm tiền triệu vì không phải đi khám và điều trị các bệnh có liên quan đến thuốc lá. “Bỏ được thuốc lá không chỉ khỏe người mà còn khỏe cả kinh tế. Tôi mong tất cả nông dân đang hút thuốc sớm nhận biết tác hại và từ bỏ nó” - ông Dền bày tỏ.

Truyền thông đa dạng

Ông Trường Văn Hợp – Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng chia sẻ, nhiều năm qua, Hội Nông dân tỉnh liên tục tổ chức các chương trình truyền thông nhằm tuyên truyền Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Ngoài ra, các tổ chức Hội từ tỉnh tới địa phương còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, phong trào nông dân và nhiều mô hình kinh tế - xã hội thiết thực để vận động hội viên nông dân bỏ thuốc lá, đầu tư sản xuất kinh doanh.

Trung bình mỗi năm Hội Nông dân tỉnh tổ chức 10 cuộc tập huấn về huyện trong tỉnh để truyền thông về tác hại thuốc lá. Ngoài ra, các tổ chức hội còn kết hợp truyền thông xen kẽ với các tổ chức đoàn thể khác tuyên truyền qua các hội nghị tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… hoặc tuyên trực tiếp tại đồng ruộng”.
Ông Trường Văn Hợp

Theo ông Hợp, để hoạt động tuyên thông đạt hiệu quả cao nhất, các cấp hội phải tuyên truyền đa dạng tới tất cả cán bộ, hội viên, nông dân, nhằm nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm của thuốc lá đến sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Từ đó, giảm dần tình trạng hút thuốc lá.

Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho cán bộ, hội viên, nông dân tại các huyện: Thông Nông, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm... Theo đó, cán bộ, hội viên, nông dân được giới thiệu về Luật Phòng, chống, tác hại thuốc lá và các văn bản pháp quy về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, ảnh hưởng đến môi trường sống; các biện pháp cai nghiện, lợi ích của cai nghiện thuốc lá...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá chưa thực sự thường xuyên, chỉ tập trung vào những dịp cao điểm, như: “Ngày thế giới không thuốc lá 31/5”, Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng, chống cháy nổ… nên số người tái nghiện hoặc chưa thể bỏ thuốc lá còn nhiều. Cùng với đó, việc sử dụng thuốc lá tại đám cưới, đám tang còn khá phổ biến, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Vì vậy, để hạn chế tác hại của thuốc lá, tiến dần đến “nói không với thuốc lá”, ngoài sự nỗ lực của các cấp Hội Nông dân, đòi hỏi sự tham gia của cả cộng đồng, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân.

Cũng theo ông Hợp, một khó khăn khác chính là vấn đề kinh phí duy trì hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá. “Kế hoạch tuyên truyền năm 2019 đã được phê duyệt nhưng vì thiếu kinh phí nên đến nay vẫn chưa thể triển khai được” – ông Hợp nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem