Đón Giao thừa và chào năm mới 2022 với hiệu ứng domino
“Hiệu ứng domino” Giao thừa “lặng lẽ” lan truyền nhiều nơi trên thế giới
Linh Quyên
Thứ năm, ngày 30/12/2021 07:09 AM (GMT+7)
Tình trạng được ví như “hiệu ứng domino” Giao thừa “lặng lẽ” đang lặp lại năm thứ 2 liên tiếp, khi nhiều thành phố lớn trên thế giới thông báo thu nhỏ quy mô hoặc hủy các sự kiện nổi tiếng đón Giao thừa và chào năm mới 2022 để ngăn ngừa sự lây lan của biến thể Omicron.
"Sẽ có những năm khác để làm được điều đó (đón Giao thừa sôi động), nhưng chưa phải năm nay" - Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, nói về tình trạng Giao thừa "lặng lẽ" như năm 2020 vẫn lặp lại năm nay. (Ảnh: rollingstone)
Người dân được khuyến cáo đón Giao thừa và chào năm mới 2022 "lặng lẽ" để phòng ngừa biến thể Omicron
"Hiệu ứng domino" của việc hủy bỏ các sự kiện đón Giao thừa và chào Năm mới 2022 diễn ra trong bối cảnh biến thể Omicron đang đẩy tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 lên mức cao nhất tại nhiều nơi trên thế giới.
Mới chỉ vài tháng trước, các chương trình mở rộng tiêm chủng vaccine đã đem lại hy vọng cho thế giới về sự trở lại của các cuộc tụ họp đón Năm mới, chào Năm Mới náo nhiệt, khi nhiều quốc gia nới lỏng các quy định hạn chế, mở cửa với du lịch quốc tế…
Các chuyên gia khuyến cáo: Đà lây lan "nhanh như chớp" của Omicron có thể gây sức ép "áp đảo" hệ thống y tế của nhiều nước. (Ảnh: AP)
Nhưng sự xuất hiện của biến thể Omicron - biến thể có khả năng lây truyền nhanh hơn và hiện đang đẩy số ca lây nhiễm bệnh dịch gia tăng ở mức kỷ lục tại nhiều quốc gia - lại một lần nữa khiến các chính phủ buộc phải áp dụng lại những quy định hạn chế du lịch, đeo khẩu trang, cấm các cuộc tụ họp đông người.
Ngay cả khi các nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron ít khả năng lây bệnh nặng hơn những biến thể Covid-19 trước đó, các chuyên gia vẫn khuyến cáo rằng đà lây lan "nhanh như chớp" của Omicron có thể gây sức ép "áp đảo" hệ thống y tế của nhiều nước.
Chợ Giáng sinh ngày 11/12 trên quảng trường Trafalgar ở London, Anh. (Ảnh: NYT)
CNN dẫn lời Tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm - hôm 27/12 khuyến cáo mọi người "tránh xa" các bữa tiệc lớn đêm Giao thừa, nhất là khi không rõ trong số những người cùng tham dự có những ai chưa tiêm phòng.
Theo dữ liệu từ một dự án của Đại học Oxford, một số sự kiện đón Giao thửa dự kiến diễn ra ngày 31/12 đã bị hủy tại các nước có tỷ lệ lây nhiễm Omicron đang gia tăng nhanh. Dưới đây là cách mà biến thể mới Omicron đã khiến nhiều thành phố lớn trên thế giới phải lặp lại cảnh Giao thừa "lặng lẽ", thay cho kế hoạch Giáng sinh và Giao thừa tưng bừng, sôi động sau 12 tháng hầu như được "thả lỏng" hơn trong điều kiện "bình thường mới".
Viễn cảnh đón Giao thừa vào chào năm mới 2022 "lặng lẽ" khắp các châu lục vì biến thể Omicron
Cảnh Giao thừa "lặng lẽ" với màn Confetti rains ("Mưa hoa giấy") đổ xuống Quảng trường Thời Đại (Times Square) ở thành phố New York, Mỹ đêm 31/12/2020. (Ảnh: NYT)
Mỹ: Là quốc gia có số ca lây nhiễm mới hàng ngày đã tăng gấp đôi trong 2 tuần qua, Mỹ đã hủy sự kiện đón Giao thừa tại một số thành phố. Tuy nhiên tại New York, tuần trước Thị trưởng thành phố - ông Bill de Blasio - thông báo lễ đón Giao thừa nổi tiếng "New Year’s Eve Toast & Roast 2022" vẫn diễn ra tại Quảng trường Thời Đại (Times Square), chỉ giảm quy mô xuống gần 1/4 so với thông thường.
Theo đó số người tham dự được hạn chế ở mức 15.000 người và phải tuân thủ quy định: đeo khẩu trang, có bằng chứng đã tiêm vaccine đầy đủ, đến sớm nhất là từ 3 giờ chiều 31/12.
Anh: Viễn cảnh Giao thừa "lặng lẽ" được Thị trưởng London Sadiq Khan thông báo tuần trước, bởi sự kiện đón Giao thừa trên quảng trường Trafalgar (thường thu hút khoảng 6.500 người) đã bị hủy bỏ vì "sự an toàn của người dân phải đặt lên hàng đầu". (Ảnh: Getty)
Pháp: Là quốc gia có tỷ lệ Omicron đang tăng tới 48%, Paris đã hủy bỏ lễ kỷ niệm Giao thừa bao gồm cả màn bắn pháo hoa trên đại lộ Champs-Élysées. Thủ tướng Jean Castex cũng thông báo lệnh cấm các bữa tiệc lớn đêm Giao thừa (kênh truyền hình France 24 đưa tin).
Đức: Bữa tiệc đêm Giao thừa nổi tiếng của Thủ đô Berlin tại Cổng Brandenburg vẫn diễn ra nhưng không có khán giả. Các chương trình biểu diễn cũng chỉ được phát trực tiếp trên truyền hình. Thủ tướng Olaf Scholz thông báo quy định giới hạn các cuộc tụ họp tối đa là 10 người kể từ ngày 28/12.
Italia: Là quốc gia đang có tỷ lệ số ca lây nhiễm mới trung bình trong 14 ngày qua tăng tới 128%, lễ kỷ niệm Giao thừa đã được tuyên bố hủy bỏ tại một số thành phố bao gồm cả Rome và Venice. Các hoạt động ngoài trời bị cấm; các câu lạc bộ đêm đóng cửa từ 30/12/2021 đến 31/1/2022.
Đón giao thừa và chào năm mới 2022 "lặng lẽ" sẽ thay thế cho cảnh tượng sôi động trước đây, thường là với khoảng 70.000 cùng đếm ngược thời gian tới Năm Mới tại Shibuya, Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: roadunraveled)
Nhật Bản: Giao lộ Shibuya nổi tiếng ở Thủ đô Tokyo thường thu hút hàng chục nghìn người tham gia một trong những lễ đón Năm mới lớn nhất thế giới, thì năm nay cũng như năm 2020 cuộc vui lại bị hủy bỏ. Uống rượu ở nơi công cộng cũng bị cấm tại Shibuya trong 2 ngày 31/12/2021 và 1/1/2022.
Ấn Độ: Theo báo The Economic Times, New Delhi cấm tất cả các cuộc tụ họp, bao gồm cả lễ đón Giáng sinh và Năm Mới. Các nhà hàng, quán bar chỉ được hoạt động với 50% công suất.
Morocco: Giao thừa "lặng lẽ" cũng sẽ diễn ra khi các sự kiện kỷ niệm dịp này bị cấm trên khắp đất nước, bao gồm cả tại thành phố đông dân nhất là Casablanca. Các nhà hàng phải đóng cửa lúc 11 giờ 30 phút đêm; giới nghiêm từ nửa đêm đến 6 giờ sáng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.