Sau khi Bác Hồ qua đời, Trung ương Đảng và Chính phủ ta đã đề nghị Trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô giúp đỡ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị, cử chuyên gia sang xây dựng Lăng.
Lăng được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 2/9/1973 trên nền cũ của tòa lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì các cuộc mít tinh lớn và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Đây là 1 trong những công trình thể hiện sự hợp tác giúp đỡ chí tình của Liên Xô (cũ) đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô – Hà Nội, là quà tặng của Hội đồng Trung ương các công đoàn Liên Xô (cũ) tặng cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Công trình khởi công xây dựng ngày 7/11/1978 trên nền đất cũ nhà Đấu Xảo Hà Nội và khánh thành đưa vào hoạt động ngày 1/9/1985.
Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa phục vụ đông đảo người lao động, nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, vụ cháy cung Hữu nghị Việt Xô xảy ra rạng sáng ngày 28/9 mới đây đã thiêu rụi nhiều đồ đạc, thiết bị, làm sập mái vòm sân khấu chính. Thiệt hại ước tính hơn 8 tỷ đồng.
Năm 1982, để ghi nhớ học thuyết của Lê-Nin đã mở ra con đường cho cách mạng Việt Nam, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định dựng tượng Lê-Nin tại Vườn hoa Canh Nông (cũ), ngày nay được gọi là Công viên Lê-Nin.
Tượng bằng đồng cao 5,2m do Chính phủ Liên Xô tặng với hình tượng Lê-Nin trong tư thế đang đi, đặt trên bệ đá hoa cương cao 2,7m. Công trình khánh thành vào ngày 20/8/1985. Ngày nay vườn hoa được gọi là Công viên Lê-Nin, là nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân Thủ đô.
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị) được thành lập năm 1950 từ Bệnh xá 303 để chăm lo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ. Năm 1955, Trung ương quyết định mở rộng Bệnh xá thành Bệnh viện 303.
Tháng 5/1956, Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô được khai trương tại địa điểm của bệnh viện 303 với sự giúp đỡ xây dựng của Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1958, 2 bệnh viện được hợp nhất thành Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô theo Nghị định 163-NĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, là đường nối sân bay quốc tế Nội Bài với nội thành Hà Nội, Công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt - Xô được khởi công xây dựng năm 1974 và khánh thành năm 1985. Đây là cây cầu có thời gian thi công lâu nhất của Hà Nội.
Cầu giàn thép dài 3250m, gồm 2 tầng với 25 nhịp phần cầu chính và 46 nhịp cầu đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ. 2 làn cầu riêng biệt, rộng 3,5m (1 làn) dùng cho phương tiện thô sơ. Phần giữa tầng 1 là đường dành dành cho tàu hỏa chạy tuyến Văn Điển - Bắc Hồng rộng 11m, và xe máy, xe đạp. Tầng 2 dành cho các loại xe cơ giới có chiều rộng 21m, mặt cầu bê tông, 2 làn dành cho người đi bộ thăm quan.
Ngày 6/11/1979, công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chính thức được khởi công. Biết bao mồ hôi, sức lực, xương máu của những người làm điện Việt Nam và Liên Xô đã đổ xuống,...
Công trình được ví như 1 bản hùng ca thế kỷ 20, thể hiện sự giúp đỡ chí tình của Đảng, nhân dân Liên Xô đối với công cuộc xây dựng đất nước của Việt Nam trong giai đoạn sau chiến tranh.
Tuyến đường sắt Bắc Nam do Trung Quốc và Liên Xô giúp đỡ Việt Nam xây dựng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối liền Nam - Bắc.
Ga Hà Nội, một trong những ga lớn của tuyến đường sắt Bắc Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.