Hình phạt “tru di tam tộc” và “tru di cửu tộc” có nghĩa là gì?
Minh Anh
Thứ sáu, ngày 11/03/2022 16:32 PM (GMT+7)
Hình phạt “tru di tam tộc” và “tru di cửu tộc” nghĩa là gì? Hình phạt này được thi hành dưới các triều đại phong kiến tại Việt Nam cũng như Trung Quốc như thế nào?
"Tru di tam tộc" và "tru di cửu tộc" trong lịch sử phong kiến Việt Nam
Tru di là giết. Tam tộc là họ cha, họ mẹ và họ vợ. Cửu tộc là chín đời từ cao tổ đến huyền tôn. Đây là hình phạt thảm khốc dành cho kẻ mưu phản đại nghịch dưới chế độ quân chủ (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển).
Tuy nhiên, tra cứu các bộ luật Hồng Đức và luật Gia Long, chúng ta không thấy nêu hình phạt tru di cửu tộc. Nguyễn Trãi, theo Đại Việt sử ký toàn thư, đã phải chịu hình phạt tru di tam tộc.
Tru di tam tộc có nghĩa là đem ra xử tử, giết sạch cả 3 họ của người phạm tội bao gồm: họ cha, họ mẹ và họ vợ (hoặc họ chồng).
Tru di cửu tộc có nghĩa là đem ra xử tử, giết sạch cửu tộc bao gồm: cao (ông sơ), tằng (ông cố), tổ (ông nội), khảo (cha), kỹ thân (mình, tức người phạm tội), tử (con), tôn (cháu), tằng (chắt), huyền (chích)
Từ tru (tiếng Hán: 誅, đọc là Zhū) và từ di (tiếng Hán: 夷, đọc là yí) trong tru di tam tộc, tru di cửu tộc đều cùng mang nghĩa là giết sạch.
Khi một người phạm tội bị kết án tru di tam tộc thì những người trong cả 3 họ của người đó sẽ bị giết từ trẻ đến già. Đó là lý do vì sao trong lịch sử, khi xảy ra những vụ án tru di tam tộc thì thường có hàng trăm, thậm chí có đến hàng ngàn người bị giết cùng một lúc, kể cả những người có quan hệ họ hàng khá xa với người phạm tội cũng bị đem ra xử tử.
Theo Từ nguyên (một bộ từ điển tiếng Hán ra mắt năm 1915), hai tiếng tam tộc có ít nhất bốn cách hiểu như sau:
1. Cha mẹ, anh em, vợ con là tam tộc (Phụ mẫu, huynh đệ, thê tử vi tam tộc).
2. Họ cha, họ mẹ, họ vợ là tam tộc (Phụ tộc, mẫu tộc, thê tộc vi tam tộc).
3. Cha, con, cháu (= con của con) là tam tộc (Phụ, tử, tôn vi tam tộc).
4. Anh em của cha, anh em của mình, anh em của con là tam tộc (Phụ côn đệ, kỷ côn đệ, tử côn đệ vi tam tộc).
Vì có nhiều cách hiểu như trên cho nên ngay vụ án Nguyễn Trãi vào năm 1442 cũng được người thời nay hiểu khác nhau.
Cao Huy Giá khi dịch Đại Việt sử ký toàn thư đã viết như sau: "Ngày 16 (tháng 8 năm Nhâm Tuất), giết hành khiển Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến ba đời". Ba đời đương nhiên chỉ có thể là đời cha, đời con và đời cháu (ứng với nghĩa 3 của Từ nguyên) mà thôi.
Còn Phan Huy Lê thì lại viết: "(…) Nguyễn Trãi bị ghen ghét gièm pha, có lần bị hạ ngục và cuối cùng bị tru di ba họ". Ba họ, theo cách hiểu thông thường là họ cha, họ mẹ và họ vợ (ứng với nghĩa 2 của Từ nguyên), đương nhiên phải nhiều và nặng hơn ba đời vì ba đời chỉ thuộc có một họ mà thôi.
"Tru di tam tộc" và "tru di cửu tộc" trong lịch sử phong kiến Trung Hoa
Hình phạt Tru di dựa trên quan hệ gia đình truyền thống trong xã hội cổ đại Trung Quốc. Hình phạt này thường áp dụng cho các tội danh nặng nhất theo quan niệm phong kiến Trung Hoa, gồm "thông địch phản quốc" (phản quốc, tư thông với kẻ địch), "khi quân phạm thượng" (dối vua, mạo phạm đến hoàng gia), "mật mưu tạo phản" (âm mưu nổi loạn), "thao thiên tử tội" (tội chết nặng nề). Trong chế độ quân chủ chuyên chế, hình phạt này diệt trừ hậu hoạn, nhổ cỏ tận gốc những ảnh hưởng từ tội nhân cùng thân nhân của họ, đồng thời củng cố uy quyền tối cao của hoàng đế.
Hình phạt Tru di được cho rằng khởi thủy từ triều Thương trong lịch sử Trung Quốc. Bấy giờ, hình phạt này được gọi là nhị điễn (劓殄), xử tử tội nhân cùng với con cái của họ. Sách Sử ký, thiên "Triệu thế gia", có chép vụ án Tru di thời Xuân Thu, khi viên quan nước Tấn là Đồ Ngạn Cổ được sự đồng ý của Tấn Cảnh công, đem quân tru diệt toàn bộ gia tộc công thần Triệu Sóc. Sự kiện này là nguyên mẫu để tác gia Kỷ Quân Tường thời nhà Nguyên sáng tác vở tạp kịch Con côi nhà họ Triệu nổi tiếng. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì giai thoại này có lẽ là hư cấu.
Đến thời Tần, hình phạt này mở rộng phạm vi "tam tộc" (3 dòng), "ngũ tộc" (5 dòng), "thất tộc" (7 dòng). Đến thời Tùy, hình phạt này bị Tùy Văn đế phế trừ, nhưng sau Tùy Dạng đế lại cho khôi phục và mở rộng đến cả "cửu tộc" (9 dòng). Thậm chí, thời Minh Thành Tổ còn ra lệnh tru di đến "thập tộc" trong vụ án Văn Hiếu Nhụ, giết chết tổng cộng có 873 người, không chỉ 9 dòng gia tộc Phương Hiếu Nhụ, mà cả thân hữu, môn đồ của ông cũng vạ lây vì bị Minh Thành Tổ gộp lại cho thành dòng thứ 10.
Có nhiều thuyết khác nhau về định nghĩa "tam tộc". Có thuyết cho rằng "tam tộc" là "phụ mẫu" (cha mẹ), "huynh đệ" (anh em), "thê tử" (vợ con). Thuyết khác cho rằng "tam tộc" chính là "phụ" (cha), "mẫu" (mẹ), thê (vợ). Cũng có thuyết lại cho "tam tộc" là "phụ" (cha), "tử" (con), "tôn" (cháu).
Còn về "cửu tộc", theo Tộc chế đời nhà Chu, cửu tộc là 9 hạng người có liên hệ thân thuộc với bản thân phạm nhân: Cha mẹ, anh chị em, con trai con gái.
Cô ruột; Con chị em gái; Cháu ngoại (Bốn hạng người trên thuộc Tộc của cha); Ông ngoại; Bà ngoại; Dì ruột (Ba hạng người này thuộc Tộc của mẹ); Cha vợ; Mẹ vợ (Hai hạng người này thuộc Tộc của vợ).
Ðến thời nhà Tần, nhà Hán, Cửu Tộc đổi lại, lấy y theo thời vua Nghiêu vua Thuấn, tức là lấy người trong họ của cha, bà con trực hệ làm căn bản, từ bản thân suy lên 4 đời, và từ bản thân lấy xuống 4 đời, tổng cộng là 9 đời, kể ra sau đây:
Cao Tổ: Kỵ Nội; Tằng Tổ: Cụ Nội; Tổ Phụ: Ông Nội; Phụ: Cha; Ngang với phạm nhân: anh em trai ruột (thân huynh đệ), anh em họ trai khác họ (biểu huynh đệ), anh em họ trai cùng họ (đường huynh đệ/nhị tòng huynh đệ, tức những người cùng ông nội, cụ nội), có thể lấy đến chung 3 thế hệ (tam tòng huynh đệ, tức là những người cùng kỵ nội); Nhi: Con trai con gái; Tôn: Cháu nội; Tằng tôn: Chắt; Huyền tôn: Chút.
Nhưng cho đến nay người ta vẫn quan niệm thông thường là lấy và hiểu 9 họ theo đời nhà Chu.
Vụ án Tru di tam tộc đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Trung Quốc là vụ quyền thần Triệu Cao vu cho thừa tướng Lý Tư làm phản, mượn tay Tần Nhị thế xử tử 3 họ nhà Lý Tư. Tuy nhiên, về sau 3 họ nhà Triệu Cao cũng bị chính vua Tần Tử Anh xử tử.
Trong lịch sử Việt Nam, vụ án Tru di tam tộc nổi tiếng nhất là Vụ án Lệ Chi Viên khi lão thần Nguyễn Trãi và người thiếp là Nguyễn Thị Lộ bị vu tội giết vua Lê Thái Tông, bị triều đình khép án.
Vụ án tru di cửu tộc duy nhất trong lịch sử nhân loại
Yên vương Chu Đệ cướp ngôi soán vị của cháu là Minh Huệ Đế. Phương Hiếu Nhụ viết lên 4 chữ "Yên tặc thoán vị" (Giặc Yên cướp ngôi), khiến Chu Đệ nổi giận đòi tru di cửu tộc. Họ Phương khi nghe còn cười khẩy, "Tru di thập tộc đã làm gì được ta nào!" Vì thế Chu Đệ đã gom cả môn sinh bằng hữu của họ Phương thành nhóm thứ 10. Tổng cộng có 873 người bị giết. Số người sống lưu vong, bị sung quân cũng lên đến hàng ngàn.
Trong bài thơ "Mộ kỳ lân" của thi hào Nguyễn Du có câu: "Bạo nộ nhất sính di thập tộc" (Để hả một cơn giận, giết cả mười họ người ta) chính là nhắc đến sự kiện này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.