Tại Hội thảo này, HLV Park đã trở lời ít nhất 7 câu hỏi của các khách mời, người hâm mộ tại Hà Nam.
Tinh thần Việt Nam hay tinh thần Park Hang-seo?
Sau khi HLV Park Hang-seo mang đến những thành công cho bóng đá Việt Nam, những hiệu ứng lớn trong toàn xã hội và khẩu hiệu “tinh thần Park Hang-seo” cũng ra đời từ đó.
HLV Rark Hang-seo phát biểu tại buổi tại đàm sáng 22.6, tại khách sạn Mường Thanh, Hà Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Bộ trưởng Việt Nam đã từng nói: “Làm việc với tinh thần Park Hang-seo”. Cụ thể, tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam diễn ra hồi tháng 12/2018, đặt kỳ vọng Việt Nam trở thành công xưởng thực sự, không chỉ ô tô, xe máy mà cả ngành hàng không và các lĩnh vực khác, Thủ tướng cho rằng cần phải có tầm nhìm chiến lược như cách mà HLV Park Hang-seo đã giúp ĐT Việt Nam thành công.
Đây là điều đã được các PV đặt câu hỏi cho HLV Park Hang-seo trong cuộc gặp gỡ báo chí đầu tiên từ sau chức vô địch AFF Cup 2018. Và theo HLV người Hàn Quốc, “làm việc theo tinh thần Park Hang-seo” là thế nào? Ông đã vui vẻ nói rằng: “Đây không phải là tinh thần Park Hang-seo, mà là tinh thần Việt Nam”.
Ông thầy người Hàn Quốc nhớ lại: Năm 2018 khi chúng tôi thi đấu ở giải U23 châu Á tại Trung Quốc, mỗi khi gặp lãnh đạo thì thường họ đặt 2 câu hỏi: Làm sao trong 3 tháng tôi có thể thay đổi hoàn toàn một đội bóng như vậy? Tinh thần Việt Nam bao giờ mới bùng nổ? Tôi đã suy nghĩ nhiều, khi đưa đội đi thi đấu và tôi đã hỏi các cầu thủ là lãnh đạo Việt Nam cứ nói đến tinh thần Việt Nam, các bạn hãy nói cho tôi đó là gì?
Các cầu thủ nói nhiều lắm, nhưng tôi tóm gọn lại 4 ý chính: Sự đoàn kết; tính tự trọng; sự thông minh nhanh nhẹn và tinh thần bất khất; tuyệt đối không từ bỏ. Tôi luôn nhấn mạnh 4 yếu tố này cho các cầu thủ khi thi đấu và bổ sung thêm một yếu tố nữa là: nhận thức về mục tiêu rất mãnh liệt. Tôi là HLV người nước ngoài, nên thấy cầu thủ Việt Nam khi đã đề ra mục tiêu gì là họ tập trung, không ngừng suy nghĩ và quyết tâm mãnh liệt để làm được nó. 5 yếu tố đó, theo tôi đó chính là “Tinh thần Việt Nam” và mà nhờ nó mà tạo nên một đội tuyển hoàn thiện.
Cầu thủ Việt Nam thua thể hình, không thua thể lực?
Tôi muốn nói với các cầu thủ rằng, họ phải nhận thức được những gì mình đang được đãi ngộ, nên phải chiến đấu trên sân cỏ một cách bất khuất và kết quả đã có được trong năm 2018, nhưng đó là quá khứ. Tôi muốn nói đến tương lai. Nếu không đầu tư đào tạo bóng đá trẻ, sẽ không có được những kết quả như năm 2018 nữa. Chúng ta đã vô địch AFF Cup, nhưng nếu chúng ta không phấn đấu, không thay đổi sẽ không có được kết quả như vậy nữa. So với 10 năm trước đây, thế hệ trẻ bóng đã Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Nhưng để ra thế giới cần phải phát triển hơn nhiều thế nữa. Hiện Hàn Quốc có khoảng 780 CLB, đội tuyển, với gần 20.000 cầu thủ và họ mong muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi mong muốn Việt Nam tiếp tục xây dựng các Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ trải dài từ Bắc vào Nam. Hiện đã có một số Trung tâm như Học viện Juventus, Học viện HAGL, TP HCM… và cần nhiều hơn thế nữa. Trước chúng ta cho rằng, HLV là tất cả, nhưng phải nói rằng, bóng đá cần nhiều thứ từ HLV thể lực, Y tế, Dinh dưỡng… Nếu Việt Nam có lộ trình để phát triển, thì bóng đá Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa.
Ban tổ chức tặng hoa chúc mừng cho các diễn giả tại Hội thảo “Việt Nam 2045 – Đổi mới để trỗi dậy trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ 4.0; Hà Nam – Điểm đến của kiến tạo và sự phát triển với sức mạnh cộng hưởng”, sáng 22.6, tại khách sạn Mường Thanh, Hà Nam.
Một trong những điều mà chúng ta phải thay đổi, đó là định kiến rằng cầu thủ Việt Nam yếu thể lực, thể hình. Chúng ta phải phân biệt rõ thể lực và thể hình. Thể lực cầu thủ Việt Nam không hề thua kém các cầu thủ trong khu vực, thậm chí là châu Á và thế giới. Nếu họ có sự tự tin, họ có thể làm được. Bằng chứng là có rất nhiều trận đấu thi đấu đến 120 phút, đối thủ chuột rút, nhưng cầu thủ Việt Nam vẫn thi đấu kiên cường, bền bỉ. Mà họ chỉ thua về thể hình. Chúng tôi đã giải thích cho họ và họ đã bỏ được suy nghĩ này.
Từ khi tôi được bổ nhiệm làm HLV trưởng ĐT Việt Nam, tôi nhận được rất quá nhiều sự yêu thương, tôi sẽ giữ tình cảm này cho đến khi tôi không còn trên thế gian này nữa. Tôi sẽ đền đáp bằng cách tham gia và thúc đẩy sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
HLV Park Hang-seo run khi trả lời NHM Hà Nam
Mở đầu cho cuộc tọa đàm giao lưu với các vị khách và người hâm mộ, bà Vũ Thị Thuận – Công ty Traphaco đặt câu hỏi: Ông đã dành hơn 45 năm để theo đuổi bóng đá và từ khi ông nhận dẫn dắt ĐT Việt Nam, bóng đá Việt Nam đã dành được rất nhiều thành công. Ông có thể chia sẻ về những thứ làm nên điều này?
HLV Park Hang-seo: Tôi chưa bao giờ cảm thấy run như bây giờ. Tôi nhớ, chúng ta đã từng có trận đấu với Singapore, với sức ép của hơn 80.000 khán giả, nhưng tôi vẫn không thấy run như lúc này. Cười. Trong thời gian tôi dẫn dắt ĐTQG, theo tôi có 2 yếu tố bên trong và bên ngoài để tạo nên thành công này. Đặc tính của người Việt Nam là rất nhanh nhẹn và sắc bén, họ chơi bóng với tinh thần cao. Đối với mỗi cầu thủ, tôi phải làm cho họ hiểu được vai trò của mình và sự hỗ trợ cho các đồng đội khác. Ngoài ra, bên cạnh tôi còn có rất nhiều các trợ lý, họ là những chuyên gia. Trước mỗi trận đấu, tôi thường phân công công việc cho từng người. Còn việc của tôi là quan sát, khống chế, điều tiết các công việc tôi đã giao cho họ. Với tôi, đối thủ nào tôi cũng coi trọng và cần phải có đấu pháp cụ thể và chúng ta tự tin là chúng ta có thể chiến thắng họ.
HLV Rark Hang-seo ký bóng tặng cho tỉnh Hà Nam tại Hội thảo “Việt Nam 2045 – Đổi mới để trỗi dậy trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ 4.0; Hà Nam – Điểm đến của kiến tạo và sự phát triển với sức mạnh cộng hưởng”.
Một vị khách khác đặt câu hỏi: Xin ông cho biết, làm thể nào để bóng đá Việt Nam có thể thành công trong thời gian tới?
HLV Park Hang-seo: Tất nhiên chúng tôi sẽ có mục tiêu cho chặng đường dài hơi. Song để có được thành công của chặng đường dài, chúng ta phải có được sự thành công trong từng chặng đường ngắn. Tùy vào tính chất của từng giải đấu như: ASIAD, Asian Cup, AFF Cup hay King’s Cup… chúng ta sẽ có mục tiêu khác nhau. Ví dụ như giải AFF Cup, chúng ta xác định mình đủ khả năng để vô địch, chúng ta sẽ có kế hoạch cụ thể, xây dựng lộ trình cho từng trận đấu để có thể vô địch được. Chúng tôi thường tính từng trận 1. Song mục tiêu của chúng tôi là thắng lợi với bất kỳ trận đấu nào. Hay vào đến Chung kết ASIAD là mơ ước, nhưng không phải cứ mơ ước là có thể làm được. Và dù, là mục tiêu ngắn hạn, hay dài hạn, thì mục tiêu của chúng tôi đều là thắng lợi.
2 tiêu chí quan trọng HLV Park Hang-seo chọn cầu thủ lên tuyển
Vị khách Nguyễn Hoài Nam – Sở KHĐT Hà Nam đặt câu hỏi: Xin ông cho biết tiêu chí lựa các cầu thủ cho đội tuyển và chiến lược phát triển các cầu thủ?
HLV Park Hang-seo: Có rất nhiều cách để lựa chọn cầu thủ, song năng lực là rất quan trọng. Để lựa chọn cầu thủ, tôi đã đi khắp các giải đấu để tuyển chọn. Tiêu chí thứ 2 cũng rất quan trọng, đó chính là tính hòa nhập của cầu thủ. Một cầu thủ có năng lực cá nhân rất tốt, nhưng anh ta không biết cách hòa nhập với các cầu thủ khác, không những anh ta không phát huy được năng lực của mình và còn làm ảnh hưởng đến những người khác, nên tôi đã từng bắt buộc phải loại các cầu thủ đó. Có lẽ đây cũng là cách tuyển chọn người hơi khác biệt của tôi so với mọi người.
Đối với các cầu thủ tập trung lên tuyển, thì chúng tôi phải làm sao để họ phát huy được hết khả năng của họ. Tôi tuyển chọn trên tinh thần hòa nhập, cũng giống như tinh thần của Tập đoàn Posco, một tập đoàn lớn ở Hàn Quốc. Đó là phải chiến đấu với tinh thần quả cảm, không sợ bất kỳ đối thủ nào.
Nguyễn Hùng Vũ – Công ty dệt Hà Nam đặt câu hỏi: Ông đã giúp bóng đã Việt Nam lần lượt làm nên các kỳ tích, địa chấn châu lục. Từ U23 châu Á, đến vô địch AFF Cup 2018. Xin ông chia sẻ về bí quyết ông đã giúp các cầu thủ Việt Nam tăng sự tự tin, thi đấu quật cường với các đối thủ?
HLV Park Hang-seo: Với các cầu thủ, khi họ vào sân mình nói với họ tự tin lên, tự tin lên, họ không tự tin ngay bsg luôn được đâu. Tôi nói với các cầu thủ, tinh thần của họ là gì? Là sự quả cảm, bất khất. Tất nhiên, đối với các đối thủ mạnh, thì chắc chắn tâm lý các cầu thủ cũng hơi lo lắng. Trước đây các cầu thủ khi vào sân luôn mang trong mình tâm lý tự ti là thể lực, thể hình mình kém, họ nghĩ mình sẽ thua thì làm sao thắng được. Khi chúng tôi nói cho họ hiểu được điểm mạnh và yếu của họ, họ vận dụng tốt và đã có kết quả tốt, không còn tâm lý lo sợ như trước nữa. Sự tự tin không phải muốn có là có, mà nó phải qua sự tích lũy, sự tự tin cũng có thể được truyền cảm hứng từ một người nào đó. Ví dụ, khi chúng ta đá với một đội cao to như Australia, các cầu thủ đã biết cách để thích ứng và chiến đấu ngang ngửa, chứ không kiểu “cửa dưới” hoàn toàn như trước.
Một vị khách đến từ công ty dệt Tài Nguyên, Hà Nam hỏi: Dưới tài thao lược của ông, bóng đá Việt Nam thực sự vươn mình như Phù Đổng. So với các đối thủ ở Đông Nam Á, thầy trò HLV Park hầu như vô đối trong gần 2 năm qua. Xin ông cho biết, điểm mạnh và hạn chế của cầu thủ Việt Nam trong nỗ lực vươn lên đỉnh cao bóng đá châu Á và thế giới?
HLV Park Hang-seo: Đây là một câu hỏi khó. Để các cầu thủ Việt Nam vươn lên tầm đỉnh cao của bóng đá châu Á và thế giới là rất khó, nhưng không phải là không thể. Nếu chúng ta có giải pháp tốt, thì các cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên đỉnh cao châu Á và thế giới. Song hạn chế của cầu thủ Việt Nam là rất ít mỡ. Ít mỡ sẽ không tích lũy được nhiều năng lượng. Về cơ thể, phần trên và phần dưới chưa thực sự cân đối. Song đây mới chỉ là bước khởi đầu để các cầu thủ Việt Nam tìm cách, nỗ lực để bước chân vào vũ đài bóng đá thế giới. Ở Hàn Quốc cũng vậy, chúng tôi cũng phải đi học hỏi ở nhiều quốc gia có nền bóng đá mạnh như Anh, Italia… Tuy nhiên, chúng ta phải dựa vào những gì mình có, để xây dựng một nền bóng đá với bản sắc của Việt Nam, tinh thần Việt Nam, chỉ có thế bóng đá Việt Nam mới bền vững được. Tôi còn nhớ, ở AFF Cup, khi Malaysia thua chúng ta, đã có một nhà báo Malaysia chỉ trích, rằng lối đá của chúng ta không đẹp, tiêu cực, khi chơi phòng thủ số đông. Tôi nghĩ rằng, đó là bóng đá Việt Nam, chúng tôi không thể làm theo điều bạn muốn được. Quan trọng là chúng tôi thắng.
Hàng trăm khách mời, người hâm mộ tỉnh Hà Nam đã có dịp chụp ảnh lưu niệm cùng vị chiến lược gia người Hàn Quốc – Park Hang-seo.
Chính trị, kinh tế và bóng đá đều cần có trợ lý, công sự giỏi
Một vị khách đến từ Cty Điện lực Hà Nam đặt câu hỏi: Từ sự thành công của bóng đá, ông có thể chia sẻ Việt Nam cần phải làm gì để khơi dậy tinh thần và phát huy mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế?
HLV Park Hang-seo: Tôi không biết về chính trị, kinh tế. Tôi chỉ biết về bóng đá thôi. Tôi có một ví dụ. Trước mỗi trận đấu, chúng tôi phải họp bàn chiến thuật. Chúng tôi có 7 người và tôi chủ yếu là lắng nghe. Trước trận đấu, tôi có thể không ngủ, nhưng các thành viên BHL, trợ lý của tôi họ phải ngủ. Họ có đủ năng lượng, thì họ mới có thể cho tôi sự tham mưu tốt. Và việc của tôi là đưa ra quyết định.
Tôi không phải là nhà kinh tế, chính trị, nhưng tôi nghĩ, trước một vấn đề nào đó, nhất là vấn đề quan trọng, chúng ta cần tham khảo ý kiến của cộng sự và khi đó chắc chắn chúng ta sẽ có đủ thông tin để đưa ra quyết định chính xác. Tôi chỉ có thể chia sẻ như vậy để quý vị tham khảo thôi.
Tôi kể quý vị nghe một câu chuyện nữa. Khi chúng ta đá giải Asian Cup, khi chúng ta phải đối đầu với các đối thủ mạnh như: Iran, Iraq… chúng tôi cũng đã họp bàn chiến thuật. Suốt 90 phút, tôi toàn nghe mọi người bàn về cách phòng ngự, làm thế nào để chặn, phá bóng của bọ, mà không nói gì đến việc tấn công. Không tấn công thì bao giờ mới ghi được bàn, làm sao mà chiến thắng được, nên tôi quyết định hủy cuộc họp. Tôi yêu cầu họ, đưa cho tôi những thông tin tôi chưa biết về đối thủ. Hôm sau họ đưa lại cho tôi thông tin rằng họ có điểm yếu gì và mình phải tấn công như thế nào. Và kết quả là chúng ta đã có một kết quả khả quan.
Kết thúc buổi tọa đàm, HLV Park Hang-seo đã ký tặng bóng cho tỉnh Hà Nam và chụp ảnh lưu niệm với hàng trăm vị khách cũng như người hâm mộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.