Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, cơn giông lốc chiều 13.6 diễn ra trong khoảng thời gian 2 giờ, chủ yếu đi vào các quận nội thành, gió lốc cấp 9 cấp 10, giật trên cấp 10. Trong khu vực nội thành có mưa từ 15-20mm, nhiều nơi ở ngoại thành không mưa.
Ông cũng cho biết, Hà Nội thường gặp những trận giông lốc, nhưng trận giông lốc to như vậy thì ít gặp. Cơn cuồng phong ngày 13.6 gây thiệt hại chủ yếu ở các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm...
Theo thống kê đến 6h sáng 14.6, Hà Nội có 2 người chết do cây đổ, 1 người (quận Tây Hồ) chết ngay tại chỗ do cây đè vào, 1 người bị cây đè vào, sau đó tử vong tại bệnh viện.
Trận giông lốc cũng làm 5 người bị thương, trong đó 2 người do mái tôn rơi, 2 người do biển báo xây dựng rơi, 1 người do cây đổ đè vào.
Trận giông lốc làm 2 người chết, 5 người bị thương tại Hà Nội
Ông Thịnh cũng cho hay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, hầu hết các quận nội thành đều có cây đổ. Thống kê cho thấy, đã có 700 cây đổ, từ cây nhỏ đường kính 10-15cm, đến cây lớn đường kính 30-40cm. Trong đó nặng nhất ở quận Hoàng Mai với 300 cây, quận Nam Từ Liêm với 150 cây, Hoàn Kiếm 81 cây, Đống Đa, Cầu Giấy 40 cây.
“Các loại cây bị đổ chủ yếu là các cây rễ chùm, nặng tán như xà cừ, cây nhỏ mới trồng do rễ cây chưa sâu, không có cột chống; và rất nhiều cành cây gãy đổ”, ông Thịnh cho hay.
Tại số 9 đường Trần Hưng Đạo, 1 cây sưa trắng đường kính 40 cm bị đổ.
Hà Nội có 139 nhà tốc mái và hư hỏng, 3 ô tô bị cây đổ đè bẹp, 10 ô tô bị hư hỏng khác và rất nhiều xe máy bị hư hỏng do cơn giông lốc.
Cũng theo thống kê từ Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, trận giông lốc làm 5 cột điện bị đổ, 4 trạm điện bị cây đè vào làm mất điện, nhiều cành cây đổ đè vào dây điện làm mất điện một số khu vực như tại các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thượng Đình (Thanh Xuân), Đống Đa, Hà Đông. Đến khoảng 23h30 ngày 13.6, các sự cố về điện cơ bản khắc phục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.