Hộ kinh doanh ngại thành doanh nghiệp

Hồ Hương Thứ tư, ngày 12/04/2017 06:20 AM (GMT+7)
Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Nhiều hộ kinh doanh cá thể phản ảnh, để trở thành doanh nghiệp, họ phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để thuê kế toán.
Bình luận 0

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Nhiều hộ kinh doanh cá thể phản ảnh, để trở thành doanh nghiệp (DN), họ phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để thuê kế toán. “Cứ cho mức lương một kế toán trung bình là 5 triệu đồng/ tháng thì một năm chủ hộ sẽ phải chi ra 60 triệu đồng để chi phí cho việc này. Đây là một khoản tiền không nhỏ “ăn vào” phần doanh thu của chủ hộ. Bên cạnh đó, khi thành lập DN thì chi phí tuân thủ trên doanh thu thì tăng lên nhiều. Đó còn chưa kể đến các vấn đề về sổ sách, tiếp các đoàn thanh kiểm tra nhiều hơn”- ông Tuấn cho biết và nhấn mạnh: “Để khuyến khích mỗi hộ kinh doanh cá thể trở thành DN phải cho họ thấy được lợi ích nhiều hơn chi phí, thuận lợi nhiều hơn cản trở”.

img

Một hộ kinh doanh sữa bột ở phố Hàng Buồm, Hà Nội. Ảnh:  Viết Thành

Ông Tuấn cũng dẫn ra kết quả nghiên cứu của một công ty tư vấn chính sách nước ngoài: 70% hộ kinh doanh nhỏ lẻ cho biết, họ có thỏa thuận với cán bộ thuế về mức độ nộp thuế. Đáng quan ngại hơn, có nguyên cán bộ thuế còn “tiết lộ”: Cán bộ thuế còn hướng dẫn các hộ kinh doanh cách thức… lách thuế sao cho hiệu quả. “Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến các hộ kinh doanh ngại lớn vì càng lớn chi phí cho “quan hệ” phải càng nhiều” - theo ông Tuấn.

Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa cũng cho rằng, các hộ kinh doanh đang làm ăn thuận lợi, nếu trở thành DN thì ít nhất họ phải có 10 lao động trở lên và bắt buộc phải có kế toán, như vậy, chắc chắn chi phí chi trả lao động sẽ tăng lên. Đây cũng chính là những quy định cứng nhắc khiến họ không muốn lớn thành DN. Bên cạnh đó, theo ông Nam, đối với bất kỳ một thương nhân nào khi muốn gia nhập thương trường, mối quan tâm hàng đầu của họ là môi trường kinh doanh có tốt hay không, có thuận lợi để họ phát triển không hay có quá nhiều rào cản, nhiều “nhũng nhiễu”?

Theo ông Nam, trong số 5 triệu hộ kinh doanh cá thể  hiện nay, chỉ cần 20% chuyển đổi thành DN, chắc chắn sẽ đem lại nhiều ý nghĩa lớn cho xã hội, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

“Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chính sách. Chính sách phải nhất quán, thể hiện ở việc, chính sách phải hỗ trợ được toàn diện trong tất cả các khâu sản xuất kinh doanh. “Hiện chính sách mới chỉ tập trung  hỗ trợ thành lập DN, động viên DN khởi nghiệp, nhưng chưa thấy chính sách hướng đến việc tạo điều kiện để khi DN thành lập rồi phải có động lực để phát triển tiếp. DN khi gặp khó khăn thì liệu có chính sách nào để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn đó. Chính sách của ta chưa hề bàn đến vấn đề này”- ông Nam nhấn mạnh.

Các chuyên gia đều chung quan điểm: Động lực bền vững để các hộ kinh doanh cá thể đi lên là phải cho họ thấy lợi ích trực tiếp của họ, chứ không chỉ là hô hào và  những chính sách chung chung.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem