Hộ nghèo vẫn khó tiếp cận vốn vay và chính sách

San Nguyễn Thứ sáu, ngày 10/11/2017 13:15 PM (GMT+7)
Người dân nông thôn đang dần được cải thiện về điều kiện sống nhưng tiếp cận về vốn và chính sách vẫn là vấn đề khó khăn chính với nông dân. Kết quả điều tra cho thấy khoảng 28% hộ gia đình có ít nhất một khoản vay và hơn 71% hộ gia đình không có khoản vay nào...
Bình luận 0

Đây là những thông tin được đưa ra trong báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam qua kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn Việt Nam năm 2016 tại 12 tỉnh” công bố sáng 7.11. Báo cáo dựa trên mẫu điều tra 2.669 hộ gia đình ở các vùng nông thôn thuộc 12 tỉnh của Việt Nam.

Đã có cải thiện về điều kiện sống

Báo cáo nói trên được công bố bởi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới của Trường Đại học Liên Hợp Quốc (UNU-WIDER), Viện Khoa học lao động và xã hội (ILSSA).

img

Sản xuất chổi chít ở làng nghề tại thị xã Chí Linh, Hải Dương.  Ảnh: H.L

GS Finn Tarp - Giám đốc UNU-WIDER cho hay, kết quả điều tra phối hợp về đói nghèo và hạnh phúc cho thấy tỷ lệ nghèo đói tăng do thay đổi về cách phân loại; trong đó, có sự khác biệt tương đối lớn về kết quả giáo dục và y tế giữa các vùng, đặc biệt Lai Châu và Điện Biên tiếp tục bị tụt hậu... Tuy nhiên tại các tỉnh điều tra cho thấy đã có một số cải thiện về điều kiện sống; chất lượng nhà vệ sinh được nâng lên, việc thu gom rác thải cũng được cải thiện và chuyển từ việc đun củi sang dùng gas để nấu ăn giai đoạn từ 2014-2016.

Để đảm bảo những thành tựu về kinh tế của Việt Nam được phân bổ đồng đều, GS Finn Tarp cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần phải chú trọng hơn nữa việc thu hẹp khoảng cách này trong những năm tới; giải quyết những bất bình đẳng này để đảm bảo rằng nhóm hộ nghèo và dễ bị tổn thương nhất không bị bỏ lại phía sau tiếp tục là những vấn đề trọng tâm.

Đại diện nhóm nghiên cứu về đất đai, ông Thomas Markussen (Trường Đại học Copenhagen) cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng cường quyền sở hữu đối với đất đai và khuyến khích đầu tư, nhưng vẫn có sự khác biệt rõ ràng giữa miền Bắc và miền Nam. Trong khi đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tác động tích cực đến việc lựa chọn cây trồng và đầu tư trên đất. Nghèo không tương quan với tình trạng không có ruộng đất; quản lý đất đai tích cực ảnh hưởng đến sự lựa chọn và đầu tư của cây trồng; sự bất lợi của phụ nữ trong giấy chứng nhận quyền sở dụng đất giảm.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho hay, hiện hộ kinh doanh cá thể là một phần quan trọng đối với sinh kế tại khu vực nông thôn Việt Nam. Mặc dù, chiếm tỷ lệ không lớn trong thu nhập nhưng lại là nơi tiếp nhận nguồn lực đầu tư lớn. Nhiều hộ gia đình đã có cơ sở sản xuất riêng, nhưng đa phần vẫn mang tính nhỏ lẻ và thường chỉ sử dụng lao động trong phạm vi gia đình thay vì thuê ngoài.

So với báo cáo năm 2014, tỷ lệ hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh đã tăng từ 23,7% lên tới 29,5% và sản xuất tại hộ gia đình đã giảm từ 58,9% năm 2014 xuống còn 56,2% vào năm 2016. Hơn 58% số thửa đất dành cho sản xuất lúa và trung bình các hộ bán đi khoảng 30% sản lượng lúa gạo họ sản xuất ra.

Kể từ 2002 đến nay, các cuộc điều tra cuộc điều tra đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam đều được tiến hành theo chu kỳ 2 năm một lần. Việc này nhằm thu thập chuỗi số liệu hữu ích cho hoạch định chính sách phát triển. Các tỉnh trong phạm vi điều tra thuộc tất cả 7 vùng trong cả nước.

Tỷ lệ tiếp cận tín dụng thấp

Về tiếp cận tín dụng, báo cáo cho thấy cách tiếp cận tín dụng chính thức là một công cụ quan trọng giúp xoá đói, giảm nghèo. Tuy vậy, các hộ nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất thì thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận với tín dụng. Theo khảo sát, có khoảng trên 28% hộ gia đình có ít nhất một khoản vay, trong khi có tới hơn 71% hộ không có khoản vay nào. Trong số 768 hộ gia đình có ít nhất 1 khoản vay, có 145 hộ có khoản vay thứ 2 và 34 hộ có khoản vay thứ 3.

Ngoài ra, vẫn có sự chênh lệch giữa các vùng trong việc tiếp cận tín dụng, tỷ lệ hộ có các khoản vay mà có chủ hộ không biết đọc, biết viết tăng lên. Tỷ lệ hộ thiểu số tiếp cận tín dụng tăng lên, bao gồm cả tín dụng chính thức. Nhóm hộ nghèo nhất có sự gia tăng về tiếp cận tín dụng trong khi các hộ thuộc nhóm giàu thứ 2 lại giảm.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, các hộ nông dân có nhu cầu muốn vay được vốn thì chính các hộ nông dân phải hành động, không chỉ quanh năm sản xuất với mảnh ruộng và một số vật nuôi.

“Việc cho vay vốn không chỉ để giải quyết xóa đói giảm nghèo trước mắt. Vay vốn và để tạo ra sức sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp với sự chuyên môn hóa. Muốn làm được như vậy, các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... cần phải gần gũi hơn và hiểu thấu đáo nhiều hơn đối với các hộ nghèo cũng như những mong muốn và nhu cầu của họ. Cần có các hướng dẫn để cho người nông dân sử dụng khoản vay tín dụng hiệu quả hơn. Cần có sự bắc cầu giữa các nhà tín dụng với các hộ nông dân nghèo và các tổ chức xã hội chính là người làm cầu nối cho việc tiếp cận đó” - TS Nguyễn Đình Cung cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem