Ở phía bắc New Zealand có một khu vực địa nhiệt tên Wai-o-Tapu Thermal Wonderland rất nổi tiếng.
Tại đây, hồ Champagne được nhiều du khách muốn ghé đến tham quan. Sở dĩ nó có cái tên như vậy là do nhiệt độ cao khiến nước sôi sủi bọt, vô số bong bóng tạo ra, khiến cho người ta cảm giác giống như một hồ rượu sâm panh khổng lồ.
Hồ Champagne thuộc một phần của hồ núi lửa gần đó, với đường kính 65m, độ sâu tương đương.
Thể tích chất lỏng địa nhiệt của hồ đạt khoảng 50.000m3 nước và khí. Vùng nước sâu nhất có nhiệt độ lên tới 260 độ C, trên bề mặt khoảng 74 độ C.
Hồ nước được hình thành do kết quả của một vụ phun trào thủy nhiệt, có niên đại 900 năm trước.
Khí tự nhiên thoát ra từ hồ chủ yếu là CO2, ngoài ra thêm một ít khí nitơ, metan, hydro và oxy.
Màu sắc sặc sỡ của hồ nước là do có nhiều khoáng chất hòa tan trong nước ở nhiệt độ cao tạo ra, bao gồm nhiều màu như xanh, đỏ đậm, cam…
Lớp khoáng silicat xung quanh thành của hồ nước chứa đầy sự sống của vi sinh vật.
Ở cạnh hồ nước, silica màu cam lắng đọng thành từng mảng rắn. Thủy ngân, thallium, vàng cũng tích tụ và bám vào đá.
Nước thừa từ hồ Champagne chảy ra ngoài sẽ cung cấp cho một bể địa nhiệt khác có tên Artist’s Palette, có màu vàng đặc trưng do cặn của lưu huỳnh.
Nước tiếp tục chảy qua các bãi bùn silica đến Primrose Sinister Terrace và xuống Primrose Terrace tạo thành các lớp trầm tích silica mỏng và đẹp mắt.
Nơi này được bảo vệ rất nghiêm ngặt kể từ năm 1931, đây là một trong những kỳ quan địa chất với cảnh quan siêu thực vượt xa giới hạn tưởng tượng của nhiều người.
Hồ Champagne được xem như “1 trong 20 địa điểm siêu thực nhất trên thế giới”. Bạn có thể tham quan nơi này bằng cách đi bộ, tốn khoảng 45 – 90 phút để khám phá hết mọi ngóc ngách.
Nếu đến đây, bạn có thể canh khung giờ 10 giờ 15 phút sáng để chiêm ngưỡng bể phun nước Lady Knox phun trào, độ cao lên tới 20m.
Sau khi tham quan xong, bạn có thể dừng chân lại khu vực ăn uống bên trong lẫn bên ngoài, có bán cả đồ lưu niệm đặc trưng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.