Hồ Tà Đùng ở Đắk Nông các ngọn núi mọc lên khắp nơi ví như vịnh Hạ Long của Tây Nguyên?
Hồ nước ngọt nào ở Đắk Nông có các ngọn núi "mọc" lên khắp nơi ví như vịnh Hạ Long của Tây Nguyên?
Thứ ba, ngày 27/06/2023 05:20 AM (GMT+7)
Hồ Tà Đùng (thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) là một trong những điểm di sản khá ấn tượng thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, được ví như vịnh Hạ Long của Tây Nguyên.
Đến hồ Tà Đùng ở xã Đắk Som, (huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông), du khách không chỉ bị “hút hồn” bởi vẻ đẹp của vùng đất hoang sơ được núi rừng, mây ngàn bao bọc, với mặt hồ trong xanh chứa đựng hơn 40 hòn đảo lớn, nhỏ nhấp nhô… mà còn được đắm chìm trong truyền thuyết kỳ bí về nàng H’Bung - người con gái đẹp Châu Mạ.
Truyền thuyết về nàng H’Bung
Rất may, trong chuyến công tác ở Tây nguyên, chúng tôi được các đồng nghiệp Báo Đắk Nông đưa đến thăm hồ Tà Đùng.
Từ TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đi dọc theo quốc lộ 28, chúng tôi chạy khoảng 40km để đến hồ Tà Đùng.
Con đường nhựa nhỏ với nhiều đoạn xẻ núi, ôm cua cùng những cảnh đẹp đôi bờ núi khiến mọi người trên xe thích thú, không thể rời mắt.
Đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên dọc đường, lại được nghe câu chuyện về truyền thuyết Tà Đùng từ đồng nghiệp, chúng tôi tưởng mình như đang lạc vào chốn thần tiên.
Hồ Tà Đùng - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn dành cho những người yêu thiên nhiên, thích khám phá. Hồ Tà Đùng được ví như vịnh Hạ Long của Tây nguyên ở xã Đắk Som, huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Trần Danh.
Bao đời nay, người Châu Mạ ở xã Đắk Som luôn tin núi rừng Tà Đùng (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng) bao bọc chở che, mang lại cuộc sống bình yên cho dân làng nên quyết tâm giữ bằng được những cánh rừng trên ngọn núi hùng vĩ bằng cả sinh mệnh.
Bà con dân tộc Châu Mạ tin rằng, Tà Đùng được hình thành từ câu chuyện tình lãng mạn của người con gái Mạ tên H’Bung xinh đẹp, tài giỏi.
Theo truyền thuyết, H’Bung sống trong gia đình giàu sang và rất siêng năng nên được nhiều trai làng theo đuổi, nhưng nàng chỉ ưng một mình chàng K’Jang hiền lành, chăm chỉ. Nhà H’Bung thách cưới rất cao nên chàng K’Jang phải cần mẫn đi làm để gom tiền mua sính lễ.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng được thành lập năm 2003, diện tích tự nhiên 21.307ha bao gồm núi và hồ. Hiện trên mặt hồ có 47 đảo lớn nhỏ.
Người ta vẫn ví hồ Tà Đùng tựa như một vùng lòng chảo thung lũng với 4 phía là núi non trùng trùng điệp điệp. Những hòn đảo bao quanh hồ nằm soi bóng xuống mặt nước trong xanh, rất đỗi yên bình.
Trong thời gian chờ cưới, bỗng xuất hiện người thứ 3 là chàng Jong’Kjang - một tù trưởng hùng mạnh bên dãy núi Nâm Nung - đến Tà Đùng chơi đã mê đắm nàng H’Bung. Dù bị H’Bung từ chối nhưng Jong’Kjang vẫn tìm mọi cách để bắt nàng về làm vợ cho bằng được.
Cuộc sống bên kia núi Nâm Nung khác xa với Tà Đùng, nàng H’Bung suốt ngày buồn rầu ủ rũ, nhớ về ngôi nhà yêu dấu trên đỉnh rừng xanh.
Sau đó, H’Bung đã ôm con trở về Tà Đùng. Jong’Kjang tức giận mang quân đến Tà Đùng phá làng, chặt cây, giết hại muông thú. Chàng K’Jang khỏe mạnh đã dùng tay chống đỡ, ôm lấy ngọn núi. Đến nay, trên đỉnh Tà Đùng vẫn còn 2 ngọn núi nhỏ được cho là dấu tích bàn tay K’Jang, dân làng đặt tên cho 2 ngọn núi nhỏ đó là Khéckhal.
Có rất nhiều truyền thuyết về Tà Đùng, trong đó còn có câu chuyện về các vị thần lập núi, hồ… Mỗi câu chuyện qua lời kể của mỗi người có thể khác nhau vì qua thời gian đã bị tam sao thất bản. Thế nhưng, ý nghĩa sâu xa của các câu chuyện này cho thấy sự tôn thờ rừng xanh của đồng bào Châu Mạ. Họ cho rằng, bảo vệ rừng sẽ được rừng che chở, cho cuộc sống ấm no.
Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp hoang sơ của Tà Đùng
Câu chuyện vừa dứt, cũng là lúc chúng tôi đặt chân đến điểm du lịch sinh thái hồ Tà Đùng. Đứng trên cao mặt hồ hiện ra trong tầm mắt một màu xanh thăm thẳm, nhấp nhô những ngọn đồi giữa bao la biển nước.
Hồ Tà Đùng gắn liền với đập thủy điện với diện tích rộng lên đến 5 ngàn ha mặt nước, kéo dài đến tận tỉnh Lâm Đồng.
Đây là một trong những hồ chính thuộc hệ thống thủy điện của xã Đắk P’lao, H.Đắk G’long nên còn có tên gọi khác là hồ thủy điện Đồng Nai 3.
Sau khi được ngăn dòng, hồ thủy điện này trở nên rất rộng lớn và trở thành kiệt tác nghệ thuật độc đáo, là sự kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên và bàn tay kiến tạo của con người. Ở đây không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp mà tiết trời còn mát mẻ, dễ chịu, rất thích hợp để du lịch, khám phá.
Từ vài năm nay, du lịch hồ Tà Đùng đã bắt đầu nhộn nhịp, nhưng chủ yếu là do tư nhân đầu tư manh mún nên chưa khai thác chưa tương xứng với các tiềm năng vốn có. Du khách tới đây chủ yếu để thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ, bình yên. Hiện các dịch vụ tiện ích khác để phục vụ du khách chưa có nhiều.
Thời điểm lý tưởng để tham quan hồ Tà Đùng là vào mùa tích nước, khoảng từ tháng 7 đến tháng 12 hằng năm. Khi nước hồ dâng cao trong xanh và những cơn mưa làm cây cối trên các đảo xanh mướt, khiến hồ Tà Đùng lúc này như một bức tranh thiên nhiên hoang sơ non nước hữu tình.
Để thưởng ngoạn cảnh quan nơi đây, chúng tôi đã chọn di chuyển bằng thuyền dạo chơi trên hồ lộng gió, xanh biếc. Tiếc là không đủ thời gian để trải nghiệm cắm trại ngủ qua đêm ngay bên cạnh hồ để thưởng ngoạn hừng đông ở Tà Đùng.
Theo chia sẻ của các du khách, hừng đông ở hồ Tà Đùng chính là thời khắc thiên nhiên đẹp nhất trong ngày vì có thể ngắm những đám mây bay là đà trên những dãy núi, trên những hòn đảo nhấp nhô...
Du khách ngắm hồ Tà Đùng, xã Đắk Som, (huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông) từ trên cao.
Do hành trình sắp xếp chỉ dành có 1 ngày thăm Tà Đùng nên dường như với chúng tôi đến thăm Tà Đùng dù đã “tranh thủ” tận dụng hết quỹ thời gian cho phép nhưng vẫn thấy chưa thỏa mãn bởi nơi này có vô số điểm check-in lý tưởng dành cho du khách như: tổ chim ưng, đôi cánh thiên thần, nấc thang lên thiên đường, vườn hoa kiểng với nhiều loài hoa rực rỡ giữa không gian cao nguyên trong lành: hồng nhung, dã quỳ, mimosa, lan, cẩm tú cầu…
Đành hẹn Tà Đùng trong một dịp gần nhất để tiếp tục hành trình khám phá cảnh quan hùng vĩ, thiên nhiên nơi còn lưu giữ nét hoang sơ với những chuyện xưa tích cũ về vùng non nước hữu tình...
Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, một trong những khu rừng nguyên thủy lớn nhất Tây nguyên, là một trong 3 khu bảo tồn của Việt Nam hiện có nhiều loài động vật, thực vật có tên trong sách đỏ sinh sống như: loài hươu vàng (còn gọi là hươu đầm lầy) đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Tại đây, có 5 loài được xếp ở cấp độ cực kỳ nguy cấp như: hổ, báo hoa mai, trăn mốc, trăn gấm, rắn hổ chúa. Những năm gần đây, tỉnh Đắk Nông đã tập trung nhiều hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch để thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.