Hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái: Làm không khéo sẽ gây bức xúc

Diệu Linh Thứ tư, ngày 24/04/2019 06:10 AM (GMT+7)
Mới đây, phường Đội Cấn (quận Ba Đình, TP.Hà Nội) có văn bản yêu cầu rà soát các gia đình sinh một bề là gái để lên kế hoạch hỗ trợ... Đề xuất này đã gây xôn xao dư luận. Nhiều người ủng hộ, nhưng không ít người cho rằng hỗ trợ này càng khoét sâu tư tưởng bất bình đẳng giới, mà không có hiệu quả xóa bỏ tư tưởng trọng nam, khinh nữ giúp cân bằng giới tính khi sinh...
Bình luận 0

Giảm áp lực có con trai để “dựa già”

Bà Ngô Thị Minh Hằng - Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cấn (Hà Nội) xác nhận, phường đã triển khai rà soát những người sinh con một bề là gái, theo chỉ đạo của Sở LĐTBXH Hà Nội. Theo bà Hằng, cụ thể đối tượng rà soát là những người cao tuổi sinh con một bề là gái và chưa được hưởng bất cứ một chế độ gì như không có lương hưu, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công…

Về điều này, bà Dương Tuyết Nhung - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTBXH Hà Nội, cũng cho biết, hiện thành phố mới đang rà soát số lượng người cao tuổi sinh con một bề là gái, thăm dò lấy ý kiến của người dân xác định nhu cầu đời sống của đối tượng gặp khó khăn như thế nào để nghiên cứu xây dựng chính sách rồi đề xuất lên UBND thành phố. “Đây là hoạt động khá nhạy cảm, vì nếu làm không khéo sẽ bị cho là bất bình đẳng giới, phản tác dụng” - bà Hằng nói.

Trước đó, chính sách hỗ trợ sinh con một bề là gái đã được TP.Hà Nội đề cập đến tại Kế hoạch 4868/KH-UBND năm 2016. Theo kế hoạch này, bên cạnh việc hỗ trợ những trường hợp sinh con gái một bề, Hà Nội cũng sẽ có những chính sách khác nhằm giảm áp lực về việc phải có con trai để phụng dưỡng tuổi già, nhất là hỗ trợ những người cao tuổi sinh con một bề là gái không có lương hưu và trợ cấp xã hội.

img

  UBND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) biểu dương 30 gia đình sinh con một bề là con gái, không sinh con thứ ba...
ảnh: Hạnh Dung

Điều tra sơ bộ, năm 2018, toàn TP.Hà Nội có 39.915 người cao tuổi sinh con một bề là gái, trong đó có 17.744 người không có lương hưu, trợ cấp bảo trợ xã hội.

Mới đây, tỉnh Hậu Giang cũng đã có nghị quyết thực hiện hỗ trợ chính sách dân số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Theo đó, sẽ thực hiện “chính sách khen thưởng, biểu dương cặp vợ chồng sinh đủ 2 con một bề là gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; cho cha mẹ sinh con một bề là gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu”. Cụ thể, những gia đình sinh đủ 2 con một bề là gái, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, mẹ còn trong độ tuổi sinh đẻ nhưng không vi phạm chính sách dân số kể từ khi sinh con gái thứ 2... sẽ được tặng bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh kèm 1 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 1,3 triệu đồng). Ngoài ra, sẽ “tặng giấy khen của chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cho gia đình sinh đủ 2 con một bề là gái”, kèm tiền thưởng bằng 0,3 lần mức lương cơ sở là 390.000 đồng. Đồng thời tặng thưởng từ 3—5 triệu đồng cho ấp, 15-25 triệu đồng cho xã duy trì mô hình sinh đủ 2 con trong 3 hoặc 5 năm liên tục.

Hỗ trợ không khéo hóa vụng

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, sau nhiều năm liên tục giảm, năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh và ở mức cao nhất từ trước tới nay. Tỷ số giới tính khi sinh là 115,1 bé trai/100 bé gái, tăng 3% so với năm 2017 và không đạt kế hoạch (112,8 bé trai/100 bé gái).

“Dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh dư thừa từ 2,4 đến 4,3 triệu nam giới – bà Lan nhận định.

Một trong những giải pháp Bộ Y tế đề xuất nhằm hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh là hoàn thiện chính sách 

Để thực hiện hỗ trợ chính sách dân số của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2019-2025, tổng kinh phí bỏ ra là hơn 17,7 tỷ đồng. Chính sách dân số này được đưa ra nhằm mục đích khuyến khích các gia đình sinh con gái bởi vì tỉnh Hậu Giang đang đứng trước thực trạng dân số bị già hóa và mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo lãnh đạo địa phương, tỷ lệ giới tính khi sinh của Hậu Giang là 109-114 bé trai/100 bé gái. 

an sinh xã hội, đặc biệt là gia đình sinh con một bề là gái. “Người cao tuổi ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, đa số không có lương hưu, trợ cấp xã hội nên phải sống nhờ con, nhất là con trai và lao động của mình. Vì vậy, cần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, để người cao tuổi nói chung và đặc biệt là người cao tuổi chỉ có con gái nói riêng an tâm khi tuổi già, như: Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người cao tuổi; Hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; Khuyến khích và hỗ trợ trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc người cao tuổi...” - lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.

Phân tích về những giải pháp “hỗ trợ tiền” cho người cao tuổi sinh một bề là gái, ông Nguyễn Đình Cử - chuyên gia dân số (nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội) cho biết, thưởng tiền, hỗ trợ tiền cho các gia đình này đều không phải là cách làm lâu dài, thậm chí có thể phát sinh những hiểu lầm.

“Theo tôi được biết, xây dựng chính sách hỗ trợ gia đình sinh con 1 bề là gái nhằm tuyên truyền cho người muốn sinh con trai để “dựa dẫm lúc tuổi già” là cứ “yên tâm sinh con gái” còn về già đã có Nhà nước bảo trợ. Ý nghĩa là thế, nhưng liệu chúng ta hỗ trợ mỗi người già sinh con một bề là gái được bao nhiều tiền/người? Nếu ít quá thì cũng chẳng có ý nghĩa tuyên truyền, động viên. Mà hỗ trợ một khoản tiền “đủ sống tối thiểu” thì ngân sách Nhà nước có thể “gánh” được bao lâu? Vì hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt tới 73-74 tuổi. Nếu hỗ trợ người già từ năm 60 tuổi thì cần hỗ trợ họ trong vòng 15-20 năm. 500-1 triệu đồng/người mỗi tháng thì sẽ là khoản ngân sách vô cùng lớn” – ông Cử phân tích.

Hơn nữa, theo ông Cử, kết quả tổng điều tra dân số 2009 cũng chỉ rõ, tỷ số giới tính khi sinh ở nhóm người mù chữ chỉ có 107, nhóm có trình độ từ cao đẳng trở lên là 114/100. Đáng lưu ý, 20% dân số nghèo nhất có tỷ số giới tính khi sinh là 105; ở 60% dân số  có thu nhập trung bình là 107,5/100, trong khi 20% dân số giàu nhất có tỷ số giới tính khi sinh xấp xỉ 113 bé trai/100 bé gái.

“Việc “thưởng nóng” cho gia đình sinh 2 con gái không có ý nghĩa với nhà giàu. Hơn nữa, nếu sau này họ tiếp tục sinh con thứ 3 thì liệu tiền đó có đòi được không? Như vậy, chính sách thưởng tiền hoặc trợ cấp cho người già sinh con gái một bề khó khăn, nghèo, không có lương hưu thì việc tuyên truyền không có ý nghĩa lớn. Người nghèo thì cho tiền họ cũng không đẻ thêm, mà nhà giàu phạt tiền họ cũng không sợ”– ông Cử nói.

Ông Cử cũng cho rằng, việc hỗ trợ, thưởng tiền có thể khiến những gia đình sinh con một bề là trai bất bình. Vì họ cũng chấp hành pháp luật như mọi người, sao họ không được thưởng, phải chăng “con trai” kém giá trị? Đồng thời, Nhà nước lo cho các cha mẹ chỉ sinh một bề con gái cũng có thể phủ nhận trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ già của phụ nữ. “Như thế khác nào bảo con gái không cần có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già, chỉ con trai mới cần. Vô hình chung càng “trọng nam, coi rẻ nữ”. Ngoài ra còn có thể “đẩy” những gia đình sinh con một bề là gái trở thành nhóm yếu thế, “mâm dưới”, khoét sâu lòng tự ái, mặc cảm của các gia đình sinh con gái” – ông Cử phân tích thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem