Hoàn thành cưỡng chế công trình trái phép tại Nhà cổ Vương Hồng Sển
Cưỡng chế công trình xây trái phép tại Nhà cổ Vương Hồng Sển
Ngọc Linh
Thứ năm, ngày 27/03/2025 12:08 PM (GMT+7)
UBND quận Bình Thạnh vừa hoàn thành cưỡng chế tại di tích Nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển. Các công trình và hộ cư trú đã di dời tài sản ra khỏi Nhà cổ dân dụng.
Học giả Vương Hồng Sển (1902-1996) bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam. Năm 1952, ông Vương Hồng Sển mua xác nhà 100 tuổi từ Phú Xuân, huyện Nhà Bè về dựng lại gần khu vực chợ Bà Chiểu. Ngôi nhà có năm gian hai chái, ngang 15 m, dài 20 m, được xây trên mảnh đất diện tích 750 m2. Gần 50 năm sống ở ngôi nhà được đặt tên Vân Đường phủ, học giả Vương Hồng Sển không chỉ bỏ công sức bài trí mà còn tạo dựng phong cách sinh hoạt phù hợp với nét cổ xưa.
Trước khi mất, ông mong muốn thành lập bảo tàng tư gia lấy tên "Nhà Vương Hồng Sển", gồm nhiều sách hiếm có Pháp văn, Quốc văn, Hán văn, chỉ dành phục vụ cho việc đọc, nghiên cứu tại chỗ. Đây là một trong bốn nội dung trong di chúc được ông Vương Hồng Sển lập ngày 27/6/1995.
UBND TP.HCM đã có quyết định số 3874 ngày 17/9/2003 về thu hồi căn nhà số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, Phường 14, quận Bình Thạnh để thành lập Bảo tàng Vương Hồng Sển; ngày 5/8/2003, UBND TP.HCM cũng đã ban hành quyết định xếp hạng ngôi nhà này là di tích cấp thành phố và là di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống.
Nhiều năm qua một số người tận dụng bên trong sân để kinh doanh quán ốc, quán nhậu bình dân. Nhà bị ngăn vách bằng gạch, xi măng, làm nơi ở cho nhiều hộ. Qua thời gian, nhà xuống cấp, dột nhiều chỗ, kèo nhà, kèo mái ngói bị mối mọt ăn mục. Nhiều hiện vật, tư liệu quý bên trong thất lạc không rõ nguyên do.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.