Hoàng đế Nam Hán bệnh hoạn và thất bại thảm hại ở trận Bạch Đằng

Vô Kỵ Thứ tư, ngày 24/04/2019 18:30 PM (GMT+7)
Chúng ta – những người con đất Việt đều đã đọc không dưới một lần về thắng lợi lịch sử ở trận Thủy chiến Bạch Đằng hơn 1 thiên niên kỉ trước, với lòng tự hào về mưu lược xuất sắc và tài đánh trận tuyệt luân của Ngô Quyền. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn gửi tới quý độc giả những góc nhìn sâu hơn về Nam Hán Cao Tổ Lưu Nghiễm, kẻ đã bị Tiền Ngô vương đánh bại đến mức kinh hồn bạt vía phải từ bỏ hoàn toàn mộng xâm lược Đại Việt.
Bình luận 0

Con đường xưng vương của Lưu Nghiễm

Lưu Nghiễm (889 942), là hoàng đế đầu tiên nước Nam Hán thời Ngũ Đại Thập Quốc. Nghiễm, tên thật là Lưu Nham sinh năm 889, dưới triều đại của Đường Chiêu Tông. Cha là Lưu Tri Khiêm (hay Lưu Khiêm) khi đó đang giữ chức Phong châu thứ sử và kết hôn với người cháu gái  tể tướng triều Đường Vi Trụ - gọi là Vi thị.

img

Lưu Nghiễm và thất bại thảm hại tại trận Bạch Đằng.

Tuy nhiên, Lưu Khiêm có một người thiếp bí mật ở bên ngoài là Đoàn thị. Lưu Nham chính là con trai của Khiêm với Đoàn thị. Khi Vi thị phát hiện ra sự việc, bà sát hại Đoàn thị, song không giết Nham mà đem về nhà nuôi dưỡng cùng với hai con đẻ của mình là Lưu Ẩn và Lưu Đài

Nham từ nhỏ từ chất thông minh, lớn lại giỏi võ nghệ. Năm 17 tuổi đã làm tới Hữu đô áp nha trong quân đội của tiết độ sứ Lý Tri Nhu. Năm 901, người kế vị Lý Tri Nhu là Từ Ngạn Nhược qua đời, di biểu cho Đường Chiêu Tông để tiến cử Lưu Ẩn làm lưu hậu, Nham tiếp tục phục vụ dưới quyền anh trai.

Năm 904, Đường Ai Đế bổ nhiệm Lưu Ẩn làm Thanh Hải tiết độ sứ. Lưu Nham trở thành tiết độ phó sứ. Năm 911, Lưu Ẩn lâm bệnh nặng, bèn dâng biểu cho triều đình Hậu Lương để tiến cử Lưu Nham làm lưu hậu. Sau khi Ẩn qua đời, Lưu Nham kế thừa quyền cai quản Thanh Hải quận, danh vị Tiết độ sứ.

Năm 915, Nham dâng biểu lên triều đình Hậu Lương cầu được phong tước Nam Việt Vương, thăng là Đô thống. Hậu Lương Đế Chu Trấn không chấp thuận. Điều này khiến Nham tức giận, quyết dịnh chấm dứt việc gửi cống phẩm cho triều đình Hậu Lương.

img

Nam Hán Cao Tổ Lưu Nghiễm.

Mùa thu 917, Nham tự mình xưng vương, đặt quốc hiệu là Đại Việt. Một năm sau, Nham cải quốc hiệu từ Đại Việt sang Hán, trở thành Hoàng đế khai lập nhà Nam Hán, 1 trong “10 nước” thời Ngũ Đại Thập Quốc trong lịch sử Trung Hoa.

Hoàng đế mê tín, giết người không ghê tay

Sách Tư Trị Thông giám đánh giá “Nam Hán Cao Tổ là người tinh ý, có tài ứng biến song tự kiêu”. Bên cạnh đó, nhiều ghi chép lịch sử cho thấy Nham là kẻ mê tín dị đoan, rất chuộng yêu thuật.  Ví như năm 922, Nham tin lời một thuật giả rằng ông cần rời đô để tránh tai họa, nên đã di giá tới Mai Khẩu (gần biên giới), tại đây Nham dính phục binh tập kích của quân Mân suýt bỏ mạng.

Cái sự mê tín của Nham còn thể hiện ở việc cứ xuất hiện những tin đồn kiểu thần thánh là vị vua này tranh thủ… đổi luôn tên mình. Năm 925, có người nói trông thấy rồng trắng xuất hiện trong cung điện, do vậy Lưu Nham cải nguyên "Bạch Long", đổi tên thành Cung. Tới cuối năm, Nham nghe lời “sấm” từ một tăng nhân người Hồ, lại đổi tên sang Nghiễm.

Nhưng nếu chỉ mê tín thôi thì Nghiễm cũng không đến nỗi. Đằng này Nghiễm là 1 vị hoàng đế sống vô cùng xa hoa, mặc dân tình đói khổ. Cung điện của Nghiễm đều dùng vàng, ngọc, ngọc trai, ngọc bích làm đồ trang trí, xa hoa cực lệ.

Nghiễm, đáng nói còn là một kẻ khát máu coi việc tra tấn người khác làm thú vui giải trí. Tương truyền, Nghiễm dùng hình vô cùng thảm khốc. Bao gồm quán tị (cắt mũi), cát thiệt (cắt lưỡi), chi giải (chặt tay chân), khô dịch (phanh thây phụ nữ mang thai), pháo chích (buộc vào cột sắt nung nóng), phanh chưng (nấu); hoặc cho rắn độc vào nước, rồi ném tù nhân vào đó, gọi là "thủy ngục".

Càng về những năm cuối đời, Nghiễm càng trở nên bệnh họan nghi kị quần thần, không nghe theo những lời ngay thẳng, chỉ ưa xu nịch, lạm sát công thần. Nghiễm thậm chí còn ra luật, người tài nếu muốn làm quan trong triều phải… tịnh thân (thời đó gọi là Hoạn giả). Nam Hán thời Lưu Nghiễm là một triều đại kì dị với sự cực thịnh của Hoạn giả.

Tài trí không bằng một góc Ngô Quyền

Ngược dòng lịch sử, năm 937, Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn làm phản lập mưu giết chết. Tiễn đoạt lấy quyền cai quản Tĩnh Hải quân. Năm 938, tướng cũ của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền nổi dậy tại Ái châu và sau đó tiến công Giao châu, Tiễn cầu viện Nam Hán.

img

Nam Hán Cao Tổ Lưu Nghiễm.

Lưu Nghiễm muốn nhân cơ hội này để đoạt lấy Tĩnh Hải quân, liền bổ nhiệm hoàng tử- Vạn vương Lưu Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải tiết độ sứ, đem binh đến cứu Giao châu. Lưu Nghiễm tự mình đem một đội quân theo sau, đến đóng ở Hải Môn.

Đây chính là sai lầm đầu tiên của Nghiễm trong chiến dịch tấn công Giao Châu. Lời nhận định của Ngô Quyền về việc Nghiễm bổ nhiệm con trai thứ 9, khi đó mới chỉ 18 tuổi, làm đại tướng, đã cho chúng ta thấy rõ cái tầm của Nghiễm.

Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, ông bảo với các tướng rằng: “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được”.

Sau đó, Ngô Quyền cho quân sĩ đóng cọc có bịt sắt nhọn xuống lòng sông Bạch Đằng. Khi thuỷ triều lên, bãi cọc không bị lộ. Kế sách của ông là nhử quân giặc vào khu vực này khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống cho thuyền địch mắc cạn mới xua quân đánh úp, 1 trận quyết định thành bại.

Cần biết rằng, Ngô Quyền thời điểm giết chết Kiều Công Tiễn chiếm lại Giao Châu, là một tướng lĩnh dạn dày kinh nghiệm ở tuổi 40, trải qua những trận đại chiến như đánh bại họ Khúc và phò tà Dương Đình Nghệ đánh bại quân Nam Hán trước đó. Hoằng Tháo, trong khi đó là kẻ chẳng có bản lĩnh trận mạc lại kiêu ngạo, vốn dĩ không phải đối thủ của Ngô Quyền, xét trên tất cả các phương diện.

img

Ngô Quyền. Ảnh minh họa.

Sai lầm thứ hai của Nghiễm là muốn hành quân nhanh, tốc chiến tốc thắng mà bỏ qua lời can gián của Sùng văn hầu Tiêu Ích, một trí giả bậc nhất Nam Hán thời đó. Theo Đại việt sử kí tòan thư, khi Nghiễm hỏi kế, Tiêu Ích đã khuyên thế này: “Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến”.

Tiêu Ích muốn Nghiễm điều nghiên kĩ lưỡng, tích trữ đủ lương thảo, từ từ tiến quân, sau đó chia quân nhiều hướng, thủy bộ cùng tiến, dần dần tạo thành những gọng kìm xiết chặt Giao Châu. Đây là cách đánh chậm mà chắc, và đảm bảo thắng lợi toàn diện. Nhưng Nghiễm vốn ngạo, lại có phần xem thường Ngô Quyền, nên không nghe theo.

Một ngày cuối đông năm 938, đoàn binh thuyền do Hoằng Tháo chỉ huy vượt biển vào tới cửa ngõ Bạch Đằng. Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít hùng hổ tiến đánh. Ngô Quyền ra lệnh cho quân trá bại, nhử địch lên thượng lưu. Đợi đến khi thủy triều xuống, Ngô Quyền hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh.

Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Cùng lúc đó, các mũi quân của Ngôi Quyền tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng với hơn một nửa quân sĩ. Nghiễm khi đó đang đóng quân ở biên giới không kịp trở tay đối phó. Nghe tin Hoằng Tháo tử trận, Nghiễm gào khóc thảm thiết, tập hợp tàn quân trở về Nam Hán. Từ đó nhà Nam Hán bỏ hẳn mộng xâm lược Tĩnh Hải quân.

Sau chiến thắng đặt dấu chấm hết cho hơn 1.000 năm Bắc thuộc, Ngô Quyền lên ngôi vua, tái lập đất nước, xưng là Ngô Vương, lập ra nhà Ngô, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Ngô Quyền được xem là "vua của các vua" trong lịch sử Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem