Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau, tạo nên những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành "liều thuốc" kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một đất nước đông dân nhất thế giới này.
Lịch sử phong kiến Trung Quốc ghi nhận rất nhiều vị vua tài giỏi, độ dân cứu nước, vang danh sử sách, đời đời kính trọng. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn "sản sinh" ra nhiều hoàng đế thị phi, say mê nữ sắc bậc nhất, Liêu Thái Tông Gia Luật Đức Quang chính là một trong số đó.
Liêu Thái Tông chưa đủ để gọi là "bệnh hoạn" như một số vị vua khác như Thuận Đế Thỏa Hoan Thiết Mộc Nhĩ (nghiện quần giao), Đồng Trị (nghiện gái lầu xanh)... nhưng cuộc đời sự nghiệp của vị vua này chính xác là vì nữ nhân mà chấm dứt.
Tương truyền, Liêu Thái Tông Gia Luật Đức Quang là hoàng đế nhà Liêu, từng được người dân ca ngợi là người thông minh, giỏi võ và siêng năng xử lý chuyện quốc gia, không bỏ buổi thiết triều nào. Nhân dân yêu mến, quần thần ủng hộ, những tưởng đây sẽ là một triều đại hưng thịnh phồn vinh nhưng hóa ra yên ổn chẳng được bao lâu, càng về sau vị hoàng đế này càng sa đọa ham mê nữ sắc, trượt dài từ một vị minh quân trở thành một tên "bù nhìn" bỏ bê triều chính.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, hậu cung của Gia Luật Đức Quang có rất nhiều mỹ nhân xinh đẹp, ngày đêm hưởng hoan lạc bên nhau không rời. Có một lần, khi công phá kinh đô Biện Lương của nhà Hậu Tấn, vị hoàng đế nước Liêu này công khai chiếm đoạt phi tử, mỹ nữ của hoàng đế Hậu Tấn Thạch Trọng Quý. Có lẽ nhan sắc của cung phi nhà Hậu Tấn quá xuất sắc, đã thành công khiến Gia Luật Đức Quang trầm mê. Kể từ đó mỗi ngày sống trong mơ màng, lại càng chìm đắm trong sắc dục.
Trong lúc đó, người dân Trung Nguyên gặp muôn vàn khổ sở vì bị người Liêu tàn ác cướp giết bèn vùng lên phản kháng. Dân thì loạn mà vua thì chỉ biết đến mỹ nhân không màng triều chính, càng không thay đổi chính sách hay siết chặt quân luật, kết cục là sức phản kháng của người Trung Nguyên ngày càng mạnh mẽ khiến Gia Luật Đức Quang phải quay về nước Liêu.
Tuy nhiên ngay trên đường rút lui, Gia Luật Đức Quang bất ngờ đổ bệnh nặng, sốt cao không dứt. "Tạm xa nữ sắc, cấm dục mộ thời gian để hồi sức, bảo toàn sức khỏe" chính là giải pháp mà thái y đưa ra nhưng ngay lập tức bị gạt phăng đi, thậm chí Gia Luật Đức Quang còn lớn tiếng cho rằng, càng sốt thì càng phải gần nữ nhân nhiều lên để "truyền bớt nhiệt". Hậu quả nhãn tiền, Gia Luật Đức Quang qua đời chỉ vài ngày sau.
Hay tin dữ, Thuật Luật Thái Hậu nước Liêu ra chỉ thị: "Sống thấy người, chết thấy xác", ý muốn phải đưa bằng được xác Gia Luật Đức Quang toàn vẹn về mai táng hành lễ. Chuyện này quả là khó bởi khi đó đang là mùa hè nóng bức, di chuyển đường xa như vậy thì cách nào bảo quản nổi? Khi tất cả mọi người đang lâm vào bế tắc thì một đầu bếp đã hiến kế rằng nên biến thi thể hoàng đế thành xác khô, cũng là cách duy nhất để mang thi thể toàn vẹn quay về. Cũng vì chuyện này mà Gia Luật Đức Quang bị gọi là "thịt khô", "hoàng đế khô", mang nỗi ô nhục lớn trong sử sách.
Tuy nhiên sau khi hồi cung thành công, Thuật Luật Thái Hậu nhìn thấy bèn vô cùng tức giận, sai quân mang tên đầu bếp hiến kế đi chém đầu vì "khi quân phạm thượng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.