Hoàng hậu nào nuôi mộng thành Võ Tắc Thiên và lời tiên tri đúng đến rợn người?
Hoàng hậu nào nuôi mộng thành Võ Tắc Thiên và lời tiên tri đúng đến rợn người?
Thứ bảy, ngày 02/07/2022 10:31 AM (GMT+7)
Chưa kịp thực hiện giấc mộng lâm triều xưng chế, Vi Hậu phải đối mặt với bản án bi thảm chưa từng có, ứng với lời tiên tri của một vị hòa thượng nhiều năm trước.
Ở vào thời phong kiến, việc Hoàng hậu và phi tần phạm lỗi, bị trừng phạt không phải là chuyện hiếm gặp. Trong số đó, có người bị phế bỏ tước vị, có người bị đày vào lãnh cung đầy lạnh lẽo, chịu đủ sự ghẻ lạnh, thậm chí bị ban cho cái chết chỉ bằng một ly rượu độc hay dải lụa trắng.
Vậy nhưng, lịch sử suốt mấy nghìn năm của Trung Quốc chỉ ghi nhận duy nhất một trường hợp dù là “mẫu nghi thiên hạ” nhưng lại phải chịu án bêu đầu trước bàn dân thiên hạ. Đó là Hoàng hậu Vi thị (thường được gọi Vi hậu hoặc Vi Thái hậu) thời nhà Đường, vợ của Đường Trung Tông Lý Hiển và cũng chính là con dâu của Nữ hoàng Võ Tắc Thiên.
Khi mới gả cho Đường Trung Tông Lý Hiển, Vi hậu nổi danh là một người phụ nữ hiền lành, lương thiện. Trớ trêu thay, Lý Hiển lại không được lòng Võ Tắc Thiên – người nắm mọi quyền hành vào thời điểm đó. Đây cũng là lý do khiến ông bị vị nữ hoàng quyền lực phế bỏ ngôi vị.
Tận tâm chăm sóc, không rời bỏ khi Lý Hiển gặp khó khăn, Vi hậu cuối cùng cũng đợi được đến ngày chồng bình an trở lại ngai vị. Những tưởng Vi hậu sẽ tiếp tục duy trì hình tượng một người phụ nữ hiền lương, thục đức, nhưng không, bà càng ngày càng lộ rõ đam mê quyền lực, không khác mẹ chồng Võ Tắc Thiên là bao.
Theo lịch sử, Đường Trung Tông Lý Hiển vốn nhu nhược nên luôn nghe và làm theo lời Vi hậu nói trong hầu hết mọi chuyện. Tuy nhiên, tham vọng của Vi hậu trên thực tế lớn hơn vậy rất nhiều. Thay vì là người đứng sau thao túng mọi việc, Vi hậu lại muốn tự mình đứng lên xưng đế, làm chủ cả giang sơn rộng lớn như mẹ chồng Võ Tắc Thiên năm xưa.
Để hiện thực hóa giấc mộng của mình, Vi hậu không ngại xuống tay sát hại chính người chồng mình từng hết lòng chăm sóc năm nào. Đường Trung Tông Lý Hiển qua đời vào ngày Nhâm Ngọ, tháng 6 năm Canh Tuất (tức 3/7/710) tại điện Thần Long do trúng độc, hưởng thọ 55 tuổi.
Người đời vào thời điểm đó đều quy tội cho Mã Tần Khách và An Lạc công chúa nhưng những đại thần ủng hộ Tương Vương Lý Đán lại "chĩa mũi nhọn" về phía Vi hậu, cho rằng bà mới chính là thủ phạm giết vua. Trong lòng lo sợ, Vi hậu tìm đủ mọi cách để thao túng triều đình, bổ nhiệm người thân tín vào các vị trí quan trọng, phò trợ Thái tử lên ngôi còn bản thân trở thành Thái hậu lâm triều nhiếp chính.
Sau nhiều nỗ lực, Vi hậu đã nắm chắc trong tay cả về chính quyền và quân quyền. Dù vậy, có một điều mà Vi hậu không lường trước được. Đó là những người thân tín được bà bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng thực chất chỉ là những kẻ “thùng rỗng kêu to", không có thực tài. Những kẻ này thường ỷ vào quan hệ thân thích để lộng quyền, làm đủ việc ác khiến dân chúng ai oán kêu than khắp nơi.
Do đó, sau khi sát hại chồng và lên ngôi Thái hậu chưa đầy nửa tháng, Vi hậu đã nhận cái chết thảm thương trong cuộc chính biến do Thái Bình công chúa và Lý Long Cơ (con trai Tương Vương Lý Đán và là Đường Huyền Tông sau này) phát động.
Cụ thể, được mật báo phe cánh của Vi hậu có ý định gây khó dễ cho cha mình, Lý Long Cơ quyết định thực hiện chính biến, diệt trừ gia tộc nhà Vi hậu. Hay tin về vụ chính biến, Vi hậu vô cùng hoảng sợ, vội bỏ chạy tới Phi Kỵ doanh hòng tìm kiếm sự bảo vệ nhưng không biết những tướng sĩ nơi đây đã sớm hận bà tới thấu xương.
Thấy Vi hậu hốt hoảng chạy đến, cả nhóm người liền rút kiếm, đồng loạt nhắm về phía Vi hậu mà chém. Kết quả, Vi hậu bị một người lính phi kỵ chặt đầu. Cuộc chính biến ấy khiến cả gia tộc Vi hậu từ lớn đến bé đều bị đuổi cùng giết tận. Mấy ngày sau chính biến, đầu của Vi hậu bị treo ở khi chợ phía Đông thành Trường An.
Lúc này, nhiều người ngẫm lại lời tiên tri trước đó của hòa thượng nổi tiếng thời nhà Đường có pháp danh Vạn Hồi mới thấy ứng nghiệm đến mức khó tin. Được biết, Hòa thượng Vạn Hồi thuở nhỏ có phần cô độc và kém thông minh hơn so với bạn bè đồng trang lứa nhưng lại rất thiện lương.
Ông rất ít nói nhưng mỗi khi tiên đoán điều gì thì sự việc ấy nhất định sẽ trở thành hiện thực, đối với cái chết của Vi hậu cũng không ngoại lệ. Vì Vạn Hồi Hòa thượng từng được Võ Tắc Thiên coi trọng, Đường Trung Tông Lý Hiển thường cho vời ông vào cung. Mỗi lần vô tình chạm mặt Vi hậu trong cung, Vạn Hồi không ngại chỉ thẳng mặt bà mà mắng: “Nhà người sẽ bị chém đầu!”.
Chẳng ngờ, những lời tiên đoán vu vơ ấy lại thực sự trở thành hiện thực. Bên cạnh việc bị chặt đầu đem bêu giữa chợ, Vi thị còn bị tước đi danh hiệu Hoàng hậu, giáng làm thứ nhân, đồng thời không được hợp táng cùng Hoàng đế. Đây thực sự là một kết cục quá đau xót với một người từng hai lần ngôi vào vị trí "mẫu nghi thiên hạ" như Vi hậu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.