Hoàng hậu Eleanor là một trong những nhân vật quyền lực nhất lịch sử phương Tây. Bà lấy hai người chồng đều là vua của những cường quốc hùng mạnh. Tuy nhiên, cuộc đời của người phụ nữ ấy lại được gói gọn trong hai chữ: BI KỊCH! Vị hoàng hậu xinh đẹp chưa từng có cho mình một hạnh phúc trọn vẹn.
Cuộc hôn nhân sắp đặt
Eleanor xứ Aquitaine được cho là sinh ra vào khoảng năm 1122, là con gái của William X, Công tước của xứ Aquitaine (Pháp). Lớn lên trong môi trường có các thành viên trong gia đình là những người kiệt xuất nên Eleanor được thừa hưởng một nền giáo dục toàn diện.
Ngay từ khi còn nhỏ bà đã được đào tạo bài bản để trở thành một người có thể kế thừa ngai vị. Eleanor thông thạo triết học, văn học và biết nhiều thứ tiếng. Eleanor cũng sở hữu vẻ đẹp kiều diễm với khí chất hiếm ai có được.
Vào năm 1137, khi cha và em trai duy nhất qua đời, Eleanor đã được thừa hưởng một gia tài khổng lồ ở miền Nam và Tây Nam nước Pháp. Khi mới 15 tuổi, Eleanor bỗng nhiên trở thành người thừa kế độc thân được nhiều chàng trai săn đón nhất ở châu Âu vào thời điểm đó.
Trước khi qua đời, Công tước William X đã trao quyền giám hộ Eleanor cho vua nước Pháp, lúc bấy giờ là Louis VI. Vài giờ sau, Eleanor được hứa hôn với con trai cả và là người kế vị của vua Louis VI. Mục đích của việc hứa hôn này đó là số tài sản mà Eleanor được thừa hưởng sẽ thuộc về vua nước Pháp, đổi lại người con gái xinh đẹp Eleanor sẽ có một tương lai rộng mở hơn.
Cuối tháng 7/1137, Eleanor chính thức kết hôn. Vào ngày 1/8/1137, vua Louis VI qua đời, chồng của Eleanor kế thừa ngai vị, trở thành vua nước Pháp - Louis VII, bà cũng được phong làm Hoàng hậu. Mặc dù là mẫu nghi thiên hạ nhưng Eleanor chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc trong cuộc hôn nhân sắp đặt này.
Dù xấp xỉ tuổi nhau nhưng Louis VII không phải người dễ gần và rất hay ghen. Bà Eleanor luôn trong tình trạng cô đơn, không cảm thấy thoải mái. Để rồi sau đó bà nhận về cái kết đầy tủi nhục trong cuộc hôn nhân không mấy vui vẻ này.
Nỗi oan ngoại tình
Vào năm 1147, vua Louis VII quyết định đưa hoàng hậu Eleanor cùng tham gia cuộc Thập tự chinh thứ 2. Thập tự chinh là một loạt các chiến dịch quân sự được tiến hành vì lý do tôn giáo bởi các quốc gia Công giáo La Mã ở Châu Âu.
Việc vua Louis VII mang theo Hoàng hậu đi cùng khiến nhiều người bất ngờ vì thông thường chỉ có gái nhà thổ mới đi theo phục vụ trong các cuộc Thập tự chinh. Vào thời điểm đó, đã có nhiều đồn đoán lý giải cho việc bất thường này. Có người nói rằng, vua nước Pháp cố tình đưa vợ đi vì bản tính hay ghen, chỉ muốn kiểm soát Hoàng hậu mọi lúc mọi nơi. Một số khác thì tin rằng, vua Louis VII mang theo vợ vì bà là người có đầu óc chính trị.
Cuộc Thập tự chinh thứ 2 của nhà vua kết thúc thảm hại. Không chỉ nhận thất bại trong quân sự, vua Louis VII còn hay tin về sự không chung thủy của hoàng hậu Eleanor. Dư luận đồn rằng Hoàng hậu nước Pháp có mối quan hệ ngoài luồng với chú ruột nhưng lại không có chứng cứ xác thực. Tuy nhiên, Louis VII vẫn tỏ ra hoài nghi vợ và âm thầm tìm cách ly hôn.
Vào năm 1150, khi bà Eleanor sinh con gái thứ 2, không phải là hoàng nam nối dõi, Louis VII càng quyết tâm ly dị vợ. Hai năm sau đó, cặp đôi chính thức ly hôn, hai con gái nhỏ của bà Eleanor lúc đó thuộc quyền giám hộ của nhà vua.
Sau khi ly hôn, bà Eleanor đòi lại được số tài sản thừa kế do cha để lại rồi trở về quê hương vào năm 1152. Chưa đầy một năm sau, bà kết hôn với Henry, Công tước xứ Normandy, người kém bà 11 tuổi. Hai năm sau khi kết hôn, Henry và Eleanor lần lượt được phong làm Quốc vương và Hoàng hậu Anh sau cái chết của vua Stephen.
Cuộc hôn nhân thứ 2 bất hạnh
Trong cuộc hôn nhân thứ 2 này, bà đã xóa bỏ được nỗi hàm oan "chỉ đẻ được con gái" ở đời chồng trước. Bà đã sinh cho người chồng thứ hai 8 người con sau 13 năm chung sống, trong đó có 5 người là con trai.
Tuy nhiên, bất hạnh vẫn giáng xuống đầu người phụ nữ xinh đẹp khi chồng bà, vua Henry II không muốn bà can dự quá nhiều vào việc triều chính. Với tư cách là một phụ nữ từng tham gia cuộc Thập tự chinh thứ 2, bà Eleanor không chấp nhận điều này. Eleanor là một Hoàng hậu có đầu óc chính trị nhạy bén, việc chỉ quanh quẩn nơi khuê phòng không phải là điều bà mong muốn.
Càng về sau, mâu thuẫn giữa cặp đôi càng chất chồng. Giống với cuộc hôn nhân đầu tiên, những tin đồn về việc Eleanor ngoại tình lại xuất hiện. Ngoài ra, vua Henry II tiếp tục hạn chế vai trò chính trị của vợ. Khi các con trai trưởng thành và muốn được hưởng quyền lực cao hơn, vua Henry II vẫn từ chối thoái vị và muốn nắm quyền lực trọn vẹn trong tay.
Các mâu thuẫn, xung đột ngày càng leo thang khiến vua Henry II phải tranh giành quyền lực với chính các con của mình trong 16 năm dài đằng đẵng. Trong khi đó, Hoàng hậu Eleanor có đủ lý do để đứng về phía các con. Việc vua Henry II không cho nắm giữ vai trò chính trong cai trị đất nước khiến bà Eleanor cay đắng và tức giận. Bên cạnh đó, Henry II cũng là người đàn ông trăng hoa, có nhiều nhân tình xung quanh.
Mặc dù vậy, cuộc nổi loạn của các con trai bà Eleanor bị thất bại vào năm 1173 khiến họ phải bỏ trốn sang Pháp. Bà Eleanor chạy trốn bất thành và bị nhà vua giam lỏng trong lâu đài, không được phép rời khỏi đó nửa bước. Vào năm 1189, vua Henry II qua đời. Richard, con trai thứ 3 của bà Eleanor, trở thành người thừa kế ngai vàng, lấy tên là Richard I.
Bà Eleanor được trả tự do sau 16 năm bị giam lỏng. Dù đã gần 70 tuổi vào thời điểm đó nhưng bà không cho phép mình nghỉ ngơi. Người phụ nữ này đã hỗ trợ con trai, giúp nhà vua mới nối ngôi thu phục lòng tin của dân chúng. Khi Richard I bắt đầu cuộc Thập tự chinh lần thứ 3, Eleanor đảm nhiệm vai trò nhiếp chính vào năm 1190.
Thậm chí, bà còn tự mình đứng ra thương lượng với người Đức sau khi vua Richard I bị bắt làm con tin, giúp con trai trở về quê hương an toàn. Vào năm 1199, vua Richard I qua đời, để lại ngôi báu cho bà Eleanor và em út John. Mặc dù vậy, vai trò của bà Eleanor trong triều đình Anh lúc này đã suy giảm.
Một thời gian sau, khi tuổi cao sức yếu, bà Eleanor đã lui về sống ở một tu viện. Năm 1204, bà qua đời, kết thúc một cuộc đời đầy thăng trầm với nhiều cay đắng, tủi nhục xen lẫn nghi ngờ, mâu thuẫn. Vào thời điểm bà Eleanor, chỉ có hai người con của bà còn sống sót.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.