Hoảng hồn vì hổ về làng

Thứ tư, ngày 14/04/2010 08:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một đêm trăng vằng vặc, một nhóm người dân ở xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi đã tá hoả khi thấy hổ về. Sự kiện này khiến nhiều người hoảng loạn...
Bình luận 0
img
Ông Đinh Xuân Huế chỉ nơi hổ xuất hiện.

Rất may, đêm kinh hoàng ấy, ông Ba mươi chỉ ghé thăm chứ không gây hấn với mọi người. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn khiến nhiều người hoảng loạn...

Hổ về dân hoảng

Trong căn nhà nhỏ nằm ngay sát con đường nhựa ở thôn Gò Da, xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà, giọng bà Đinh Thị Bắc (40 tuổi), vẫn còn run khi kể lại chuyện gặp hổ vừa xảy ra cách đây chưa đầy 3 tuần.

Chẳng là trước đó bà Trần Thị Hồng là người cùng thôn có mua một rẫy mì ở khu vực Giá Điềm, nằm giáp ranh với xã Sơn Nham nên thuê bà Bắc cùng 13 người khác vào đây thu hoạch. Hôm đó, tranh thủ ăn cơm tối sớm, khoảng 18 giờ, cả nhóm rủ nhau đến nơi làm trước để ngày mai vào việc sớm. Sau gần 3 giờ băng rừng, lội suối cả nhóm đã đến nơi và cất đồ vào chiếc chòi đã dựng sẵn. Lúc này mọi người cảm thấy đã đói bụng nên nhóm lửa, nấu nước chế mì tôm.

Đến khoảng 21 giờ, vì chòi nhỏ nên cả nhóm kéo nhau sang chiếc chòi của 2 vợ chồng ở xã Sơn Nham, cách đó khoảng 60m ngủ nhờ. Khi mọi người đang nằm nói chuyện, thì bà Đinh Thị Góp nằm ngoài nhìn sang chiếc chòi bên cạnh thấy xuất hiện 2 đốm đỏ.

Nghĩ rằng gió thổi đã làm than trong bếp cháy lại nên bà rủ bà Bắc nằm cạnh đi dập, đề phòng xảy ra cháy chòi. Tuy nhiên vừa nghe xong bà Bắc liền gắt gỏng: “Củi keo lai làm gì có than mà còn lửa. Thôi ngủ đi sáng còn làm sớm”.

Dù vậy thấy đốm đỏ mãi không tắt, nên bà Góp không yên tâm, cứ chăm chú theo dõi. Chừng mươi phút sau thấy đóm đỏ như… mọc chân và tiến sát lại gần hơn, bà Góp điếng người nhận ra đó không phải là than, mà chính là cặp mắt của một con hổ. Nghe tiếng thì thào "có hổ" của bà Góp, mọi người trong chòi hoảng hốt bật dậy và ngồi co cụm giữa chòi. Con hổ cứ lảng vảng xung quanh đó, mãi đến khoảng 3 giờ sáng mới bỏ đi.

Quá sợ hãi nên khi trời sáng, không ai bảo ai cả nhóm cùng nhau bỏ về. “Không biết con hổ đó to như thế nào, nhưng dấu chân mà nó để lại thì rộng gần bằng cả gang tay người lớn” - bà Bắc nói.

Còn anh Đinh Văn Nhút, ở xã Sơn Nham thì kể: Gần một tháng trước, khi đang trên đường đến khu vực Giá Điềm để đặt bẫy thì phát hiện trên một cây khá to, có một tổ ong mật lớn anh liền leo lên để lấy. Khi lấy xong vừa định trèo xuống thì anh Nhút như muốn rụng rời tay chân khi nhìn thấy ở phía trước cách chỗ anh chưa đầy 70m, một con hổ to cỡ con nghé nhỏ đang cắm đầu lừng thững đi về phía rừng sâu.

Ông Đinh Xuân Huế - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Linh còn kể: Vào một buổi tối cách đây chừng 1,5 tháng, khi đang ngồi trong nhà ở thôn Làng Ghè thì thấy có ánh đèn pin từ phía rừng ở ngay hông nhà quét vô sân, ông liền bật đèn pin ra xem thử.

Thì ra thằng Phút, con người hàng xóm đi đâu về, thế nhưng liền phía sau nó là đóm sáng đỏ lừ từ mắt hổ. Ngoài Sơn Linh, nhiều người khác ở xã Sơn Nham cũng khẳng định là đã từng chạm trán với chúa sơn lâm, thế nhưng từ hơn 2 tuần nay thì không nghe có ai gặp nữa.

Vương quốc của chúa sơn lâm

Theo thống kê mới đây của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), ở Việt Nam ước tính còn khoảng 30 cá thể hổ hoang dã trong tự nhiên. Nạn săn bắt cùng với môi trường sống bị thay đổi, nguồn thức ăn suy giảm là những nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm số lượng của loài động vật quý này.

Với người dân Sơn Linh thì tin hổ dữ tái xuất chỉ gây bất ngờ chứ không lạ. Bởi lẽ, theo ông Đinh Văn Vưng (58 tuổi) thì hơn 10 năm trước, khi những cánh rừng ở đây chưa bị tàn phá, hổ thường xuyên xuất hiện. Và không phải chỉ có một cá thể như vừa qua, mà là cả đàn gần chục con. Do chúng vào phá phách, bắt giết trâu bò của dân làng, nên đã có 2 trong số đó bị dân bắn hạ.

Ông Đinh Xuân Huế cũng một hai khẳng định với phóng viên, trên núi Ra Ngâm xuất hiện một đàn hổ. Chỉ trong một thời gian ngắn đàn hổ đã bắt đi gần 20 con trâu bò của dân làng. Vì vậy, ông quyết định giết chúng để trừ hại. Sau khi mượn một khẩu CKC và 4 viên đạn của du kích xã, cùng một nhóm thanh niên, ông tìm đến vùng núi mà hổ thường xuất hiện, dựng chòi làm nơi ẩn nấp để tiêu diệt.

Ngày ấy, ông dùng mồi nhử hổ là đùi con bò bị hổ ăn thịt hôm trước còn sót lại. Ông đặt miếng mồi cách chòi của mình chừng 10m. Tuy nhiên, chờ từ sáng sớm cho đến khoảng giữa buổi chiều mà hổ vẫn không xuất hiện. Thấy vậy nên nhóm thanh niên đi cùng chán nản bỏ về hết. Riêng ông vẫn kiên trì mai phục.

Sự kiên nhẫn đó đã mang lại kết quả, chưa đầy nửa giờ sau, đàn hổ xuất hiện. Sau giây lát đứng lại như dò xét, đàn hổ 6 con từ từ tiến lại miếng mồi và gầm gừ tranh nhau. Đưa họng súng ngắm vào giữa đầu con to nhất, ông xiết cò. Con thú nhảy cẫng lên rồi ngã vật ra đất, số còn lại thì cúp đuôi phóng thẳng vào rừng sâu.

Ông Võ Xuân Đông - Trưởng công an xã Sơn Linh gật đầu xác nhận việc ông Huế giết được 1 con hổ vì ông Huế đã đem về xẻ thịt bán cho người dân trong vùng.

Theo ông Đông, thời điểm đó chuyện người dân đi rừng gặp hổ là bình thường. Nhiều đêm chúng còn mò vào tận làng để bắt trâu bò của dân. Trước khi ông Huế bắn hạ con hổ không bao lâu, vào một buổi sáng, theo anh trai đi dọc bờ suối Tầm Linh ở gần đó để thả lưới bắt cá, 3 anh em ông Đông đã phát hiện một con heo rừng bị hổ ăn thịt chỉ còn lại một nửa. Định bụng khi trở về sẽ lấy nốt phần thịt đó, thế nhưng khi quay lại chỗ cũ anh em ông bỗng giật thót mình bởi một cảnh tượng hãi hùng. Từ trên mỏm đá cách đó không xa, anh em ông nhìn thấy 2 con hổ đang gầm gừ tranh nhau ăn phần thịt lợn còn lại.

Cần khẩn trương vào cuộc

Được biết, thông tin hổ dữ xuất hiện đã có từ hơn tháng nay, thế nhưng chính quyền xã Sơn Linh vẫn chưa có văn bản báo cáo với huyện và ngành chức năng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Võ Xuân Đông - Trưởng công an xã Sơn Linh giãi bày: "Sau khi xảy sự việc trên, bản thân tôi cũng đã tham mưu cho chính quyền xã tại một số cuộc họp đã khuyến cáo người dân không nên đi một mình, đi vào ban đêm tại những nơi hổ hay xuất hiện. Có lẽ, nghĩ rằng hổ dù đã xuất hiện nhưng chưa giết hại gia súc, đe doạ tính mạng của người dân nên xã chưa báo cáo cụ thể”.

Từ những lời kể của người dân ở xã Sơn Linh, Sơn Nham và cả vùng lân cận là Long Sơn, huyện Minh Long có thể kết luận việc hổ xuất hiện là có cơ sở. Vì thế các cấp ngành Quảng Ngãi cần tổ chức kiểm tra và có giải pháp để bảo vệ người dân, nhất là những người đang tham gia sản xuất tại khu vực Giá Điềm có hàng trăm lượt người đến trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, việc khẩn trương vào cuộc ấy cũng phần nào giúp vị chúa sơn lâm thoát khỏi những họng súng thèm khát của cánh thợ săn hám lợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem