Sắp tới mức thu học phí các trường chất lượng cao đối với bậc THPT sẽ gấp 100 lần mức học phí so với trường công lập bình thường
Ngày 6/12, Hà Nội thông qua Nghị quyết về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, mức trần học phí mầm non, tiểu học chất lượng cao năm 2016-2017 là 3,9 triệu đồng, năm 2017-2018 là 4,3 triệu đồng; năm 2018-2019 là 4,7 triệu đồng và năm 2019-2020 là 5,1 triệu đồng/tháng.
Học phí trần đối với bậc THCS, THPT theo các năm lần lượt là 4,1 triệu đồng; 4,5 triệu đồng; 4,9 triệu đồng; 5,3 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức học phí các trường công lập chất lượng cao trong năm học tới, sẽ gấp 100 lần mức học phí các trường công lập bình thường (hiện tại các trường công lập bình thường là 50.000 đồng/tháng học phí đối với bậc THPT).
Chất lượng có gấp 100 lần?
Tuy nhiên, trao đổi với PV về mức học phí này, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh bày tỏ quan điểm một cách hóm hỉnh: “Tôi chưa hiểu chất lượng cao là cao về cái gì nhưng xem ra thì cao về học phí là chắc chắn. Trường Lương Thế Vinh là trường tư thục, cũng chỉ thu học phí từ 1,5-1,6 triệu đồng / tháng. Tuy nhiên, với trường công lập chất lượng cao, nhà nước đã đầu tư hết cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy... mà sắp tới thu tới hơn 5 triệu đồng/tháng thì trường “tiêu” gì cho hết?”.
Theo PGS Văn Như Cương, nếu so với mức học phí các trường công lập bình thường trung bình chỉ khoảng 40-50 nghìn đồng/tháng (học sinh Tiểu học được miễn phí), thì mức thu của trường công lập chất lượng cao đang gấp khoảng 100 lần.
“Tôi đọc con số này và rất ngạc nhiên khi thu nhập sống của đa phần người dân vẫn còn khó khăn, ngay cả có nhu cầu thực sự làm sao có đủ điều kiện cho con mình theo học? Đó là chưa kể chủ trương của nền giáo dục nước ta đặt cao về chất lượng chứ không phải vì kinh doanh thu lợi nhuận”, ông Cương nhận định.
Mặt khác, ở góc nhìn “sòng phẳng”, ông Cương cũng đặt vấn đề: Thu học phí cao gấp 100 lần, vậy chất lượng giảng dạy tại trường chất lượng cao có gấp 100 lần khi vẫn áp dụng cùng bộ sách giáo khoa, cùng tiêu chuẩn?
Do đó PGS Văn Như Cương đề xuất: “ Tiêu chí chất lượng cao phải rõ ràng, cụ thể theo chương trình học, nếu không thì trường nào cũng có thể tự xưng chất lượng cao để tăng nguồn thu”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, học phí các trường chất lượng cao đối với bậc THPT là quá cao. Do đó, Hà Nội cần phải minh bạch cả về thu, chi lẫn chất lượng giảng dạy tại các trường chất lượng cao, để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
“Các tiêu chí phải đảm bảo sáng tỏ thế nào là chất lượng cao? Liệu có phải chỉ thuê vài ông “tây” về dạy ngoại ngữ đã trở thành chất lượng cao?”, ông Nhĩ đặt vấn đề.
Về mức thu học phí, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, khi đã lập ra mô hình đào tạo chất lượng cao thì cũng phải xét phù hợp với hoàn cảnh xã hội, để bất kể gia đình, học sinh nào có nhu cầu cũng có thể tham gia chứ không thể chỉ dành cho một số ít đối tượng con nhà có điều kiện mới được theo học.
Sở GD-ĐT nói gì?
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sở dĩ liên Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Tài chính đề xuất tăng học phí nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị trong những năm đầu khi được công nhận chất lượng cao (tập trung cho việc nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín và thương hiệu của nhà trường) có mức thu học phí phù hợp không đột biến với phụ huynh.
“Tăng học phí cũng tạo điều kiện cho các trường có thời gian chuẩn bị tâm thế và nguồn lực tài chính, tiến tới tự đảm bảo hoạt động chi thường xuyên”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lý giải.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, tiêu chí các trường chất lượng cao bao gồm: Cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; các dịch vụ chất lượng cao.
Theo đó, đối với trường học mầm non chất lượng cao phải bảo đảm cơ sở vật chất được xây kiên cố; có 70% giáo viên đạt trình độ chuyên ngành trên chuẩn và có chứng chỉ tiếng Anh trình độ A, 10% có trình độ B).
Đối với trường tiểu học chất lượng cao, bảo đảm có số phòng học cho học sinh học hai buổi/ngày (mỗi lớp không quá 30 học sinh); 100% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn theo quy định, ít nhất 80% giáo viên xếp loại xuất sắc theo chuẩn nghề nghiệp; 100% cán bộ quản lý, giáo viên có kiến thức và kỹ năng thực hiện phương pháp dạy học tích cực,..
Đối với trường trung học có 40% giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 80% cán bộ quản lý có bằng thạc sĩ trở lên đối với bậc THPT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.