Nhiều trường đại học đào tạo ngành về vi mạch, bán dẫn đã công bố mức học phí năm học 2024-2025 (áp dụng với khóa tuyển sinh năm 2024) cũng như lộ trình tăng dự kiến.
Các đại học có mức học phí cao, trên 20 triệu đồng/học kỳ gồm Đại học FPT, Đại học Quốc tế Sài Gòn, CMC, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Phenikaa.
Trong đó, Đại học FPT thông báo sinh viên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn sẽ học trong 9 học kỳ, bao gồm cả giai đoạn thực tập tại doanh nghiệp. Tại Hà Nội và TP.HCM, từ học kỳ 1 đến học kỳ 3, sinh viên đóng 28,7 triệu đồng/học kỳ.
Từ học kỳ 4 đến học kỳ 6, học phí là 30,5 triệu đồng/học kỳ. Từ học kỳ 7 đến học kỳ 9, mức đóng là 32,5 triệu đồng/học kỳ. Tại cơ sở Đà Nẵng, Bình Định, Cần Thơ, mức học phí thấp hơn.
Tại Đại học CMC, học phí chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn là 18,2 triệu đồng/học kỳ, áp dụng với hệ tiêu chuẩn. Học phí hệ song ngữ của ngành đào tạo này là 26 triệu đồng/học kỳ.
Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) có mức học phí thấp nhất.
Ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính - chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn của trường này đào tạo kỹ sư với mức học phí chỉ 8,2 triệu đồng/học kỳ, áp dụng cho năm học 2024-2025. Từ năm học 2025-2026, học phí tăng theo lộ trình do nhà nước quy định.
Mức học phí các ngành đào tạo về vi mạch, bán dẫn của các trường năm học 2024-2025 như sau:
STT
Trường
Ngành/chuyên ngành
Học phí (học kỳ/sinh viên)
1
Đại học FPT
Thiết kế vi mạch bán dẫn
- Hà Nội, TP.HCM: 28,7-32,5 triệu đồng;
- Đà Nẵng, Bình Định, Cần Thơ: 20-22,7 triệu đồng
2
Đại học Quốc tế Sài Gòn
Thiết kế vi mạch
30,8 triệu đồng
3
Đại học CMC
Thiết kế vi mạch bán dẫn
18,2-26 triệu đồng (tùy hệ đào tạo)
4
Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
Công nghệ vi mạch bán dẫn
26,5 triệu đồng
5
Đại học Phenikaa
Thiết kế vi mạch bán dẫn
23,1 triệu đồng
6
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử (chuyên ngành Thiết kế vi mạch)
13,5-17 triệu đồng
7
Đại học Công nghiệp TP.HCM
Kỹ thuật thiết kế vi mạch
16,75 triệu đồng
8
Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM)
Thiết kế vi mạch
16,4 triệu đồng
9
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
Kỹ thuật thiết kế vi mạch
16,3 triệu đồng
10
Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM)
Công nghệ bán dẫn, Thiết kế vi mạch
- Công nghệ bán dẫn: 15,25 triệu đồng;
- Thiết kế vi mạch: 15,5 triệu đồng
11
Đại học Bách khoa Hà Nội
Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ Nano
12-15 triệu đồng
12
Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM)
Thiết kế vi mạch
15 triệu đồng
13
Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)
Kỹ thuật điện tử viễn thông (chuyên ngành Vi điện tử - thiết kế vi mạch)
14,3 triệu đồng
14
Đại học Cần Thơ
Thiết kế vi mạch bán dẫn
11,35 triệu đồng
15
Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng)
Thiết kế Vi mạch bán dẫn
8,2 triệu đồng
Ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam được đánh giá là đang trong giai đoạn “khát” nhân lực. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT, từng dẫn dự báo của một số chuyên gia kinh tế từ Đại học Fulbright. Theo đó, trong 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 20.000 người, 10 năm tới cần khoảng 50.000 có trình độ từ đại học trở lên ở lĩnh vực này.
Theo PGS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng trường Điện - Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội), sinh viên vi mạch mới ra trường có mức lương 13-15 triệu đồng/tháng, thậm chí được trả lên đến 20-25 triệu đồng.
Kỹ sư vi mạch 5 năm kinh nghiệm có thể được trả 35-40 triệu đồng/tháng. Kỹ sư 10 năm kinh nghiệm sẽ được trọng dụng và đãi ngộ tốt, thu nhập lên đến 700 triệu đồng đến một tỷ đồng mỗi năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.