Học sinh F0 khóc vì bị quá tải bài vở

Thứ năm, ngày 17/03/2022 15:43 PM (GMT+7)
Việc học bù kiến thức, làm bài kiểm tra và chuẩn bị thi cử đang là áp lực cả về mặt sức khỏe lẫn tâm lý của các học sinh mắc Covid-19.
Bình luận 0

Việc học bù kiến thức, làm bài kiểm tra và chuẩn bị thi cử đang là áp lực cả về mặt sức khỏe lẫn tâm lý của các học sinh mắc Covid-19.

Nghỉ học hai tuần vì mắc Covid-19, cậu con trai học lớp 9 của chị Nguyễn Bích Vân (46 tuổi, TP Thủ Đức) trở lại trường và phải lao ngay vào một loạt bài kiểm tra tập trung. Cậu học sinh chưa kịp hồi phục đầy đủ sức khỏe đã tiếp tục đối mặt với áp lực bài vở, thi cử.

Vì con trai lo lắng cho việc học hành sẽ “hụt hơi” so với bạn cùng lớp, ngoài việc cho con đi học thêm, chị Vân còn tìm thêm một gia sư riêng đến nhà kèm cặp bài vở cho nam sinh lớp 9. Mục tiêu của Hải Đăng (con chị Vân) là phải đỗ vào trường cấp 3 điểm nên chị muốn hỗ trợ con hết mức.

“Học lực con tốt, nhưng sau khi nghỉ hai tuần để điều trị Covid-19 thì sức khỏe của Đăng chưa hồi phục lại hoàn toàn, việc học cũng ảnh hưởng. Vừa trở lại lớp, con đã phải dồn dập kiểm tra, đi học về nhìn người bơ phờ tôi xót lắm”, chị Vân chia sẻ.

Hiện, theo quy định của Sở Y tế TP.HCM, học sinh mắc Covid-19 sẽ phải cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày. Việc mất bài vở khi điều trị lẫn sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn sau khi nhiễm bệnh khiến áp lực học bù, thi cử dồn dập lên vai các em thời điểm trở lại trường.

Các bậc phụ huynh cũng bối rối và chưa biết hỗ trợ con thế nào trong thời điểm mà việc thi cử ngày một đến gần.

10 bài kiểm tra chờ học sinh sau khi mắc Covid-19

Chị Bích Vân thấy con học hành mệt mỏi, nửa muốn cháu bớt lại dành thời gian nghỉ ngơi, nửa lại không muốn can thiệp quá sâu vào nguyện vọng của con bởi cháu quyết tâm thi đỗ vào ngôi trường yêu thích.

Chị chỉ có thể nhờ thêm gia sư kèm cặp để Đăng nhanh chóng lấy lại phong độ trước khi nhiễm bệnh, có vậy thì khi vào guồng, nam sinh lớp 9 sẽ đỡ “chạy theo” các bạn cùng lớp.

“Tôi cũng muốn con nghỉ ngơi nhiều hơn, sợ cháu bị hậu Covid-19 thì còn khổ nữa, nhưng thấy con quyết tâm nên tôi ủng hộ. Hải Đăng cũng trấn an tôi nhiều lắm, con nói tự biết lượng sức mình. Thôi thì cứ giúp con được đến đâu tính đến đó”, chị Vân bày tỏ.

Theo chị vân, sau khi trở lại trường, con trai chị sẽ làm liên tục hơn 10 bài kiểm tra khác nhau, một phần là bù lại trong quãng thời gian nghỉ vì bệnh, phần còn lại là theo đúng chương trình hiện hành.

Học sinh F0 khóc vì bị quá tải bài vở - Ảnh 1.

Con gái anh Xuân Tín thường dành thời gian học cùng bạn bè trước khi bị mắc Covid-19 và cách ly. Ảnh: NVCC.

Quá trình cách ly, điều trị Covid-19 khiến sức khỏe của nhiều học sinh bị ảnh hưởng, việc bắt kịp bạn bè trong lớp vẫn đi học bình thường đòi hỏi các em phải nỗ lực gấp nhiều lần.

Anh Xuân Tín (41 tuổi, quận Tân Bình) lo lắng cô con gái đang bị F0 của mình sẽ quá tải khi phải vừa điều trị, vừa học hành căng thẳng để chuẩn bị cho thi cử.

Bình thường, ngoài giờ lên lớp ở trường, Thùy Dương (học sinh lớp 11, con anh Tín) sẽ dành thời gian ôn luyện ở các trung tâm, cuối tuần thì học nhóm cùng bạn bè. Nhưng kể từ lúc mắc Covid-19 và tự cách ly trong phòng, nữ sinh này phải tự xoay xở với khối lượng bài vở rất nhiều. Anh Tín và vợ lo lắng con nhưng chỉ có thể động viên cô bé, hỗ trợ về mặt sức khỏe để con mau chóng hồi phục.

“Cả nhà có mình con nhiễm bệnh sau cùng, nên phải tự cách ly, tối nào mà thấy đèn sáng quá 12h là tôi phải qua nhắc đi ngủ sớm. Tôi cứ dặn con bệnh mà hao sức vậy biết bao giờ mới khỏe”, anh Tín nói.

Người đàn ông này cũng chia sẻ thêm, giáo viên chủ nhiệm cách ngày sẽ gọi điện cho con anh để hỏi han tình hình sức khỏe và học tập. Bạn của con gái cũng ghé ngang để mang tập chép bài giúp ở một số môn phụ. Năm sau là năm thi tốt nghiệp nên con gái anh Tín cũng không muốn lơ là hay lãng phí thời gian nhiều.

“Con tôi nó thích ngành kinh tế nên là rất quyết tâm phải đỗ cho bằng được, cũng may năm nay nhiễm bệnh là mới học lớp 11, chứ để tới lớp 12 chắc nó còn stress nữa”, anh Tín chia sẻ.

Phụ huynh đứng ngồi không yên

Có con mắc Covid-19 là điều mà không phụ huynh nào mong muốn, nhiều ông bố bà mẹ trở nên căng thẳng hay lo âu khi thấy con nhiễm bệnh mà vẫn phải gồng gánh áp lực học hành.

Chị Phạm Thanh Thanh (38 tuổi, quận 7) có hai cô con gái học cấp 2 vừa bị mắc Covid-19. Bà mẹ này xót xa khi có lúc con vừa uống thuốc hạ sốt đã muốn nhanh chóng vào bàn ngồi học. Ngay cạnh nơi học tập của con gái, chị Thanh lúc nào cũng trang bị thuốc men, máy đo SpO2 để đề phòng.

Học sinh F0 khóc vì bị quá tải bài vở - Ảnh 2.

Chị Thanh chuẩn bị hết các thuốc men cần thiết ngay cạnh chỗ con học để cô bé an tâm sử dụng. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với Zing, chị Thanh băn khoăn: “Tôi bệnh thì việc giao lại cho đồng nghiệp xử lý nhưng tụi nhỏ bệnh cũng đâu có nhờ bạn bè hay ba mẹ học giúp được. Bởi vậy nên nhìn các con tôi thương lắm”.

Trong gần một tuần phải cách ly tại nhà, chị Thanh cho hay con gái lớn của mình đã bỏ lỡ 5 bài kiểm tra liên tiếp. Cô bé lo lắng việc học hành dồn dập sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuối năm lẫn việc thi cử vào trường cấp 3.

“Ngồi chép lại bài cũ và học online nhưng con không làm kiểm tra cùng các bạn. Nó áp lực đến nỗi khóc mấy lần rồi, chồng tôi phải an ủi lắm con mới bình tĩnh được.”, chị Thanh nói.

Việc phải đối mặt với khối lượng bài vở nặng cùng nhiều bài kiểm tra liên tục khiến học sinh F0 căng thẳng. Chị Nguyễn Ngọc Minh Châu (40 tuổi, quận 5) cho biết trong quá trình cách ly, vì không nắm được một số bài vở và phải bỏ lỡ nhiều bài kiểm tra, cậu con trai lớp 7 của chị trở nên căng thẳng và nóng tính hơn bình thường.

Việc bị stress khiến trong lúc điều trị Covid-19, cậu bé Minh Triết (con chị Châu) nhiều lần bị thiếu oxi, các triệu chứng đau đầu hay chóng mặt cũng xảy ra thường xuyên hơn.

Chị Châu thậm chí phải nhờ cô giáo chủ nhiệm gọi điện và trấn an Minh Triết để em không quá căng thẳng cho việc thi cử học hành. Các thầy cô bộ môn cũng nhờ bạn bè liên lạc giúp Triết trong việc nắm kỹ hơn bài học trên lớp.

“8 bài kiểm tra đang đợi con tôi khi nó hết cách ly, mà toàn bộ đều phải làm một mình, áp lực hơn nên nó bị căng thẳng đầu óc. Giờ chỉ có cách là cố gắng điều trị mau khỏi, trở lại trường có bạn bè thầy cô, học trực tiếp thì may ra là nó theo kịp và đỡ hơn thôi”, chị Châu bày tỏ.

Hoàng Quỳnh (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem