Học sinh Hà Nội thi online: Camera giám sát chặt, có gây căng thẳng? (Kỳ 1)

Tào Nga Thứ bảy, ngày 31/07/2021 08:32 AM (GMT+7)
Ở Việt Nam, hình thức học và thi online vẫn chưa phổ biến. Nhưng do tình hình dịch Covid-19 kéo dài, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo trên các nước quyết định tổ chức thi học kỳ II online cho học sinh.
Bình luận 0

Online - hình thức học và thi phổ biến trên thế giới

Trong 2 năm qua, sự lây lan của dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến cho việc tập trung đám đông bị hạn chế, trường học phải giảm lớp học hoặc đóng cửa hoàn toàn phòng tránh dịch bệnh.

Theo thống kê từ trang data.europa.eu, tính đến tháng 6/2020, gần 1,6 tỷ trẻ em ở 195 quốc gia không thể đến lớp học, chiếm 60% số học sinh trên toàn thế giới. Nếu việc đóng cửa trường học kéo dài quá lâu, giáo dục ảnh hưởng đáng kể và khiến mất nguồn nhân lực, sụt giảm kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, rất may mắn trong thời đại công nghệ số, các trường học đã tìm ra cách để học sinh có thể tiếp cận bài học dù ở nhà. Đó chính là học trực tuyến với lớp học qua video và sách giáo khoa điện tử.

Kiểm tra học kỳ online: Lần đầu tiên học sinh được làm bài theo cách "lạ" nên rất tò mò - Ảnh 1.

Ở các nước phát triển, học trực tuyến là xu thế. Ảnh cyber.

Học trực tuyến (E-learning) đang dần trở thành xu hướng trong thời đại công nghệ số. Đây là phương thức mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, góp phần cải thiện các kỹ năng kỹ thuật số, kỹ năng giao tiếp và làm việc theo nhóm. Cao hơn là việc kết nối mọi người trên toàn cầu trở nên dễ dàng hơn.

Ngoài ra, lợi ích của E-Learning còn có thể kể đến như giúp học sinh, sinh viên cập nhật công nghệ nhanh hơn vì phải trực tiếp sử dụng các ứng dụng như Zoom, Slack, Zalo, Google Classroom... E-Learning còn giúp học sinh thêm kỹ năng quản lý thời gian, học được nhiều môn hơn, sử dụng và nghiên cứu kho sách điện tử tốt hơn.

8 quốc gia dẫn đầu về giáo dục trực tuyến đó là Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Anh, Úc, Nam Phi.

Tại Mỹ, hàng triệu học sinh phổ thông đăng ký học E-learning và tại nhiều bang ở quốc gia này, trước khi được công nhận tốt nghiệp, mỗi học sinh phải đăng ký học một số môn nhất định tại các lớp học trực tuyến.

Còn tại Hàn Quốc, phương thức học E-learning giúp giảm tải chi phí dạy kèm tại các trung tâm luyện thi, qua đó góp phần bình đẳng trong giáo dục. Bên cạnh đó, kênh truyền hình học đường được mở ra cùng với website cung cấp các bài giảng ôn thi đại học miễn phí, thu hút một số lượng rất lớn học sinh tham gia. Không thể phủ nhận ưu điểm vượt trội của phương pháp học trực tuyến, đặc biệt trong thời đại phát triển của công nghệ AI.

Theo Cyber Universities, gần 90% trường đại học tại Singapore sử dụng phương pháp đào tạo trực tuyến, ở Mỹ con số này là hơn 80%. Tại các nước này, giáo dục trực tuyến dựa trên 2 hình thức: Giao tiếp đồng bộ và giao tiếp không đồng bộ. Giao tiếp đồng bộ là giao tiếp trong đó có nhiều người truy cập tại cùng một thời điểm và trao đổi thông tin trực tiếp với nhau như: thảo luận trực tuyến, hội thảo video… 

Giao tiếp không đồng bộ là người truy cập không nhất thiết phải truy cập tại cùng một thời điểm, ví dụ như: tự học qua Internet, CD-ROM, e-mail, diễn đàn. Đặc trưng của giảng dạy theo mô hình E-Learning là học viên được tự do chọn lựa thời gian tham gia khoá học.

Học sinh hướng tới kiểm tra online: Lạ lẫm và hồi hộp

Sau thời gian dài nghỉ học vì diễn biến dịch bệnh phức tạp, Sở GD-ĐT Hà Nội đã thống nhất cho các trường triển khai ôn tập và kiểm tra học kỳ 2. Mặc dù đã có 2 năm học trực tuyến để phòng tránh dịch nhưng với nhiều học sinh, đây là lần đầu tiên được làm bài kiểm tra bằng hình thức online. 

Và cũng là lần đầu tiên Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức cho học sinh các trường công lập kiểm tra cuối kỳ online trên diện rộng. 

Theo đó, bố mẹ phải chuẩn bị 2 camera, 1 cái đặt thẳng theo máy tính con làm bài, 1 máy đặt ở góc xa để giáo viên nhìn được cả căn phòng. Học sinh phải ngồi ngay ngắn, không được quay ngang ngửa, đứng lên trong khi làm bài. Nếu làm xong trước cũng không được nộp bài mà phải ngồi yên chờ có hiệu lệnh.

Học sinh kiểm tra học kỳ 2 online: Tò mò vì lần đầu làm bài theo cách "lạ"  - Ảnh 1.

Học sinh chính thức ôn tập để kiểm tra học kỳ online. Ảnh: Tào Nga

Em Nguyễn Thanh Minh Hà, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Phạm Tu, Hà Nội cho biết: "Hôm 30/7 cô giáo cho chúng con ôn tập Toán và Tiếng Việt để tuần sau bắt đầu kiểm tra các môn. Con chưa kiểm tra online bao giờ nên có chút hồi hộp và tò mò không biết mình làm bài sẽ như thế nào". 

Được biết, khối lớp 4 của Trường Tiểu học Phạm Tu sẽ bắt đầu kiểm tra vào ngày 3/8 với môn Khoa học, Lịch sử, Địa lý trong thời gian từ 14h30-15h45; Ngày 4/8 kiểm tra tiếng Anh và Tin học; Ngày 6/8 kiểm tra môn Tiếng Việt (tập đọc) và kết thúc bằng môn Toán vào sáng 7/8.

Học sinh sẽ có 4 ngày để cô giáo ôn tập kiến thức, dặn dò cách làm bài, thi thử và sau đó bước vào làm bài kiểm tra chính thức bằng hình thức online.

Học sinh kiểm tra học kỳ 2 online: Tò mò vì lần đầu làm bài theo cách "lạ"  - Ảnh 2.

Lịch thi online của Minh Hà. Ảnh: Tào Nga

Cũng chia sẻ về tâm trạng của mình, em Đặng Vinh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học An Hưng, Hà Nội bày tỏ sự háo hức của mình thay vì lo lắng sắp phải trải qua bài kiểm tra căng thẳng: "Con thấy được kiểm tra ở nhà nên con không bị căng thẳng, con đang rất tự tin và nghĩ chỉ cần bình tĩnh là có thể làm bài tốt"

Vừa trải qua các bài kiểm tra kết thúc học kỳ 2, em Trần Vân Anh, học sinh lớp 8, Trường THCS Thạch Bàn, Hà Nội hào hứng chia sẻ: "Do có 2 năm học online nên em không thấy khó khăn khi làm bài kiểm tra đợt này. Em làm bài tốt và em nghĩ đây là phương án tốt nhất trong tình hình dịch phức tạp như hiện nay".

Chia sẻ về tính hiệu quả giữa việc thi trực tiếp và trực tuyến, Vân Anh cho biết: "Em thấy độ khó của bài kiểm tra giống nhau. Bài làm tốt hay không phụ thuộc vào năng lực của học sinh. Nếu bạn nào nắm vững kiến thức, học giỏi thì dù thi ở bất kỳ hình thức nào cũng đều làm được bài".

Kiểm tra học kỳ online: Lần đầu tiên học sinh được làm bài theo cách "lạ" nên rất tò mò - Ảnh 3.

Em Trần Vân Anh, học sinh lớp 8I, Trường THCS Thạch Bàn, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Mặc dù kiểm tra online là phương án phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại và học sinh cũng hứng khởi tham gia, tuy nhiên với một số phụ huynh thì khá lo lắng với sự cố con gặp trục trặc trong quá trình làm bài. 

Chị Tô Mai Hồng có con trai học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, Hà Nội bày tỏ: "Tôi ủng hộ quyết định của Sở khi cho học sinh thi online thay vì chờ đợi không biết bao giờ hết dịch. Tuy nhiên, tôi hi vọng trong quá trình làm bài con không gặp sự cố về đường truyền hoặc nhầm lẫn thao tác nào đó dẫn đến kết quả không được như mong muốn. Con còn nhỏ nên chưa đủ hiểu biết và bình tĩnh thể xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình làm bài". 

Anh Nguyễn Thành Đạt, quận Đống Đa, một phụ huynh có con đang học tiểu học chia sẻ nỗi lo lắng vì bố mẹ bị giãn cách ở Hà Nội còn con đang ở quê với ông bà. Được biết, con gái anh Đạt về quê ở với ông bà từ lúc nhà trường thông báo nghỉ hè. 

"Tối 29/7, cô giáo thông báo bắt đầu cho học sinh ôn tập và kiểm tra online trong tuần sau khiến tôi hơi sốt ruột. Ông bà ở quê tuổi cao không giỏi công nghệ nên quá trình từ lúc ôn tập cho đến khi kiểm tra chính thức đều do con tự xoay xở. Dù con có học lực tốt, tự lập nhưng không may con gặp sự cố trong quá trình làm bài thì sẽ loay hoay không ai giúp đỡ. Ngày nào tôi cũng gọi điện về cho con hỏi han tình hình và dặn dò cẩn thận. Mong con làm bài thật tốt để thoải mái tinh thần, yên tâm nghỉ ngơi trong dịp hè này", anh Đạt chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem