Học sinh liên tiếp bỏ học các môn để ôn luyện thi IELTS, thầy giáo thốt lên: "Quá lo sợ"

Tào Nga Thứ ba, ngày 08/08/2023 19:00 PM (GMT+7)
IELTS mấy năm gần đây đã trở thành cơn sốt trong mỗi mùa tuyển sinh. Một số giáo viên ở Hà Nội bày tỏ lo ngại khi học sinh lần lượt bỏ học các môn để luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ này.
Bình luận 0

Học sinh bỏ học các môn luyện thi IELTS

Thầy Trần Phương Nam, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội chia sẻ với PV báo Dân Việt: "2 năm trở lại đây, tình trạng học sinh bỏ học các môn để tập trung vào ôn luyện IELTS ngày càng nhiều. Bắt đầu từ năm lớp 10, các em đã định hướng sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ này để xét tuyển vào các trường đại học. Ở trên lớp, các em chỉ học đối phó cho qua môn và đủ kiến thức để thi tốt nghiệp. Thời gian còn lại các em tập trung để "cày" IELTS". 

Lớp 11 là các em đã có kinh nghiệm thi IELTS đầy mình. Tôi quá lo sợ không biết những năm sau còn học sinh nào chú tâm học kiến thức các môn khác trên lớp nữa không".

Một giáo viên khác ở Hà Nội cũng bày tỏ quan ngại khi cho rằng: "Ngoại ngữ vừa là phương tiện giao tiếp và học tập, vừa là công cụ lao động để kiếm sống, do đó mỗi cá nhân sẽ tùy theo nhu cầu của bản thân để quyết định mức độ đầu tư cho việc học ngoại ngữ. Tuy nhiên, hiện nay mọi người đổ xô đi học tiếng Anh và thi lấy chứng chỉ quốc tế ngay từ bậc mẫu giáo và tiểu học là một sự lãng phí khủng khiếp cả về tiền bạc, thời gian, công sức và cơ hội".

Học sinh liên tiếp bỏ học các môn để ôn luyện thi IELTS, thầy giáo thốt lên: "Quá lo sợ" - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Nhiều giáo viên khác cũng cho biết học sinh ngày nay không chỉ lơ là môn không thi tốt nghiệp mà ở nhiều môn khác cũng không muốn học. Lý do là các em chỉ muốn tập trung luyện thi IELTS như tấm vé vàng mở cánh cửa tương lai. 

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, năm 2023, cả nước có 46.670 thí sinh đăng ký sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, chủ yếu là chứng chỉ IELTS để xin miễn thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT. 

Một giáo viên tính toán, nếu mỗi thí sinh trong số này chỉ thi lấy chứng chỉ IELTS một lần duy nhất với lệ phía khoảng 5 triệu đồng thì số tiền chi riêng cho việc thi lấy chứng chỉ đã là 233 tỷ đồng. Chi phí cho việc luyện thi ít nhất cũng gấp 5 lần số tiền này, như vậy tổng số tiền chi ra ít nhất cũng tầm 1.400 tỷ, và đây chỉ là ước tính tối thiểu. Con số thực tế chi ra cho việc lấy chứng chỉ IELTS có thể lớn hơn rất nhiều do mỗi thí sinh thường phải thi nhiều lần và tiền chi ra cho việc luyện thi IELTS cũng cao hơn nhiều con số đưa ra ở trên.

Các chuyên gia, giáo viên nhận định, việc đổ xô đi học chứng chỉ IELTS cũng như các chứng chỉ ngoại ngữ khác bắt nguồn từ việc thời gian gần đây các đại học đã đẩy tiếng Anh lên thành tiêu chí quan trọng hàng đầu trong việc xét tuyển đầu vào. Bên cạnh đó là xu hướng sử dụng các tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh trong giảng dạy và nghiên cứu đã khiến tiếng Anh trở nên thần thánh hóa. 

Tranh cãi chưa hồi kết về IELTS và chứng chỉ ngoại ngữ

Việc học sinh cày IELTS cũng như các chứng chỉ ngoại ngữ gây ra luồng tranh cãi mạnh mẽ. Có ý kiến cho rằng: "Học thi IELTS là tiền túi của dân tự bỏ ra đầu tư cho con họ, lời dân ăn lỗ dân chịu. Nói lãng phí thì cả chương trình giáo dục dạy người không thành người, nghề không thành nghề chứ cứ gì mỗi môn tiếng Anh".

Hay ý kiến khác cho biết: "Ngay từ nhỏ tôi đã đầu tư tiếng Anh và Tin học cho con. Không cần con làm ông to bà lớn gì nhưng không lạc hậu là mừng rồi. Thời đại bây giờ chỉ có tin học và tiếng Anh thôi là dư sống, không có gì là lãng phí khi đầu tư đúng"...

Tuy nhiên, cũng nhiều người không đồng tình cho rằng phụ huynh và học sinh hiện nay quá cuồng và thần thánh hóa chứng chỉ ngoại ngữ với các quan điểm như: "Hiện nay ngân sách dành cho việc học tiếng Anh rất lớn. Ngay từ mầm non bố mẹ đều đã phải đầu tư vào tiếng Anh cho con rồi mới theo được xu hướng thị trường. Khi đầu tư hết vào tiếng Anh thì ngân sách đầu tư vào các lĩnh vực khác sẽ giảm đi như các môn năng khiếu, thể thao…", hay: "Các bạn trẻ nhiều khi cứ nghĩ tiếng Anh là nhất cho đến khi biết lượng kiến thức và văn hoá đồ sộ khủng khiếp không hề kém khi học tiếng Nga, Trung".

Bày tỏ quan điểm của mình, PGS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng, tương lai không xa con của chúng ta sẽ như thế nào? Chẳng hạn, phụ huynh có con đang học THCS mà cho con luyện thi IELTS, liệu đến khi con đỗ đại học, thì công nghệ đã phát triển đến đâu rồi? Ngoại ngữ có phải là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công hay không, hay đã có những công cụ khác thay thế? Và khi đó, điều gì quyết định thành công của các con trong tương lai?

Đó phải là cái "lõi", phải là sự sáng tạo, phải là khát vọng thay đổi, đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước... thì mới có cơ hội để phát triển, để thành công. Vậy thì đừng chỉ chạy theo IELTS, khi một ngày xã hội hướng đến "phổ cập" IELTS thì năng lực ngoại ngữ của các con sẽ gần như "bằng 0", hãy đầu tư vào ngoại ngữ hiếm - thị trường nhỏ và máy móc chưa hướng đến, thì các con mới có thêm cơ hội khẳng định được vị thế của mình.

Đặc biệt, phải chú trọng đến "học thật" - học chất lượng, chứ không phải sử dụng những chiêu trò, lợi dụng "lỗ hổng" để có điểm số cao, khi ấy, tấm bằng hay chứng chỉ cầm trên tay cũng chỉ như một chiếc áo hay chiếc mặt nạ bên ngoài, còn năng lực bên trong vẫn kém... Tôi xin nhấn mạnh, ai không có năng lực thực sự thì sẽ thua ngay từ vạch xuất phát".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem