Chia sẻ về tính cần thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, kết thúc bậc tiểu học, THCS không có kỳ thi nào để kiểm định chất lượng. Luật Giáo dục mới quy định rất rõ là hoàn thành lớp 12 sẽ đủ điều kiện để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây sẽ là kỳ thi cuối cùng để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục hiện hành.
Những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đang là chủ đề được thí sinh và người dân quan tâm.
Ông Trinh khẳng định trong thời gian tới đây, Bộ sẽ công bố đề thi tham khảo: "Ngay khi Thủ tướng Chính phủ thông qua đề xuất về phương án thi tốt nghiệp THPT 2020, Bộ GDĐT đã lên kế hoạch xây dựng đề thi tham khảo phù hợp với mục đích của kỳ thi này để thay thế cho đề thi tham khảo trước đó. Từ đó, giáo viên và học sinh sẽ có định hướng, căn cứ để dạy học và ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020".
Bà Nguyễn Thu Thủy - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) khẳng định, sẽ không lặp lại tình cảnh của nhiều năm trước, khi thí sinh phải đổ ra các thành phố lớn để thi ĐH vì phương thức duy nhất để vào cánh cửa ĐH là thí sinh phải đi thi tại cơ sở ĐH đó.
"Các nhà trường đang được tự chủ rất cao, vài năm gần đây đã đa dạng hóa cách xét tuyển. Các trường ĐH Quốc gia HN và ĐH Quốc gia TP.HCM đều đã có những kỳ thi đánh giá năng lực trong các năm gần đây, tức là năm nay không phải năm đầu tiên tổ chức kỳ thi đó. Mức độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn có thể giúp các trường ĐH tuyển sinh, qua khảo sát thì hầu hết các trường đều sử dụng hình thức xét tuyển qua điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh một tỷ lệ nhất định", quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nói.
Đề thi tham khảo sẽ được Bộ GDĐT công bố trong thời gian tới đây.
Đối với thí sinh tự do và thí sinh nghèo ở nông thôn không có điều kiện tới trường ĐH để tham dự kỳ thi, bà Thủy trấn an: "Thí sinh tự do nếu nhà trường cho phép kết quả bảo lưu, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quyền tự chủ của trường ĐH. Các thí sinh tự do hãy theo dõi thông tin về đề án tuyển sinh của các trường ĐH mình chọn lựa để nắm thông tin cụ thể. Hầu như tất cả các trường ĐH đều có phương thức tuyển sinh đa dạng, có thể dùng học bạ, kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả đánh giá năng lực v.v..., không nhất thiết phải đi thi tại thành phố nào đó để được vào ĐH. Theo khảo sát của Bộ GDĐT, năm nay chỉ có các trường đào tạo các ngành đặc thù, các trường đã có kỳ thi đánh giá năng lực thì trước thì có tổ chức thi riêng. Tuy nhiên, các trường này đều có tỷ trọng nhất định chứ không hoàn toàn tuyển sinh qua một phương thức duy nhất này".
Trước những băn khoăn về việc phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020 được lựa chọn quá đột ngột, ông Mai Văn Trinh cho biết, điều này học sinh lớp 12 hãy yên tâm bởi Bộ GDĐT đã tính toán rất sát tới điều kiện học tập đặc thù của năm học 2020 bị ảnh hưởng bởi Covid-19. “Chính vì vậy, đề thi sẽ được bám sát với chương trình tinh giản đã được Bộ công bố từ trước, ngoài ra sẽ phù hợp với điều kiện ôn tập của các thí sinh năm nay. Nếu vẫn duy trì một kỳ thi THPT quốc gia như các năm trước thì mới chính là đặt áp lực lên vai học sinh lớp 12 trong tình hình học tập như đợt dịch này”, ông Trinh nói.
Ông Trinh cho biết, những năm vừa qua, theo thống kê của Bộ GDĐT chỉ có 75% thí sinh tốt nghiệp lớp 12 có nhu cầu vào học ĐH. Vì vậy, năm nay đối với những học sinh lớp 12 không có nhu cầu học ĐH thì có thể không tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và được cấp một chứng chỉ hoàn thành 12 năm học để học nghề hoặc các công việc khác.
Bộ GDĐT cam kết tổ chức một kỳ thi nghiêm túc.
Trước nhiều thông tin lo ngại về tình an toàn, minh bạch, công bằng của kỳ thi tốt nghiệp THPT khi được địa phương tổ chức, ông Mai Văn Trinh khẳng định, Bộ GDĐT cam kết sẽ tổ chức một kỳ thi nghiêm túc. Chủ trì cuộc thi do địa phương và coi thi trực tiếp là các thầy, cô giáo tại địa phương theo nguyên tắc đổi chéo. Đề thi sẽ được sử dụng đề trắc nghiệm với mã đề riêng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, năm nay có thanh tra của Bộ GDĐT, Sở GDĐT và điểm mới là thanh tra của UBND tỉnh. Trong khâu chấm thi, ông Trinh cũng cho biết sẽ được áp dụng các biện pháp như camera 24/24h tại địa điểm chấm, bài thi được quét và mã hóa.
Xét học bạ là một phương thức đánh giá học sinh qua cả một quá trình, mà bất kỳ việc đánh giá nào cũng có sự tác động chủ quan của người đánh giá, ở đây là các thầy cô. Tuy nhiên, đề giảm thiểu được tối đa những yếu tố đó thì Bộ GDĐT đã áp dụng rất nhiều các giải pháp, trong đó có việc yêu cầu các sở GDĐT sử dụng học bạ điện tử, có sự quản lý của Bộ GDĐT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.