Học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, rộng mở cơ hội thực hành tại nơi có nền nông nghiệp hiện đại nhất thế giới
Học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, rộng mở cơ hội thực hành tại nơi có nền nông nghiệp hiện đại nhất thế giới
P.V
Thứ hai, ngày 22/05/2023 19:16 PM (GMT+7)
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam mới đây của Đại sứ quan Israel tại Hà Nội, Trung tâm Đào tạo quốc tế ARAVA (Israel), Công ty CP Xây dựng, dịch vụ và hợp tác lao động (OLECO), Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã giới thiệu chương trình hợp tác đào tạo thực hành nông nghiệp tại Israel.
Trước đó, ngày 13/3/2023, Ban Hợp tác quốc tế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã có Thông báo số 14 /TB-HTQT về dự tuyển chương trình hợp tác đào tạo và thực hành nông nghiệp tại Israel năm 2023.
Tại buổi Tọa đàm về Chương trình chương trình hợp tác đào tạo và thực hành nông nghiệp tại Israel năm học 2023 - 2024, với sự tham dự của bà Hanni Arnon, CEO của Trung tâm Đào tạo quốc tế Arava - Israel, nhiều sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đặt những câu hỏi về cơ hội việc làm, điều kiện tham gia dự tuyển Chương trình hợp tác đào tạo và thực hành nông nghiệp tại Israel và được các chuyên gia giải đáp trực tiếp.
Theo đó, Chương trình hợp tác đào tạo, thực hành nông nghiệp tại Israel được thiết lập từ năm 2007 do Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp Israel chủ trì và thông qua cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo/Bộ Nông nghiệp và PTNT của hơn 10 quốc gia như Thailand, Cambodia, Myanmar, Nepal, Việt Nam, Laos, Philippines, India, Ethiopia, Southern Sudan, Jordan và Tibet để tiếp nhận sinh viên của các quốc gia này tham gia chương trình.
Nguyên tắc hoạt động của chương trình là học thông qua làm việc. Chương trình bao gồm các nội dung học tập và hướng nghiệp dựa trên kết hợp các kỹ năng và kiến thức thông qua quá trình học tập và thực hành tại các trang trại nông nghiệp ở Israel. Sinh viên cũng được tham quan các trang trại khác nơi mình học tập, làm việc và cũng có cơ hội du lịch Israel. Cuối khóa học, sinh viên được cấp chứng chỉ. Hiện nay, mỗi năm chương trình đã thu hút được khoảng 800 sinh viên Việt Nam tham gia.
Đối với chỉ tiêu tuyển chọn trung bình cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hàng năm, phía Israel nhận trung bình 400 sinh viên Việt Nam thuộc tất cả các trường đại học, cao đẳng tham gia chương trình, trong đó có Học viện. Chỉ tiêu cho Học viện được duyệt trên cơ sở đảm bảo sự cân đối chỉ tiêu với các trường đại học, cao đẳng thành viên khác cùng tham gia chương trình. Trong những năm qua, chỉ tiêu trung bình cho Học viện là 100 sinh viên, trong đó 30% dành cho nữ. Chương trình tuyển sinh 2 vị trí: học viên và phiên dịch.
Theo ông Nguyễn Việt Long, Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), để đăng ký vào vị trí này, sinh viên cần đáp ứng những tiêu chuẩn sau: Nam, nữ sinh viên cao đẳng, đại học (năm thứ 3 trở đi còn đang học và đủ điều kiện được bảo lưu để tham gia Chương trình hoặc đã tốt nghiệp chưa quá 02 năm); có sức khoẻ tốt; có nguyện vọng và khả năng tài chính tham gia Chương trình; sinh viên ngành nông nghiệp/liên quan đến nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, thuỷ lợi, thủy sản, kinh tế nông nghiệp, thực phẩm, sinh học, tài nguyên môi trường, đất đai…).
Nữ tuổi từ 25 đến 35; có khả năng tiếng Anh đảm bảo cho việc phiên dịch; có kinh nghiệm trong việc quản lý, tổ chức theo nhóm; được phía Israel phỏng vấn tuyển chọn trực tiếp; Ưu tiên sinh viên đã tốt nghiệp trong các ngành liên quan đến nông nghiệp.
Sinh viên đi Israel theo vị trí là học viên thì được hưởng những lợi ích sau: Được phía Israel bố trí chỗ ở tại các trang trại nông nghiệp trong suốt thời gian học tập; Lương tính theo giờ (29.12NIS/giờ, tương đương hơn 200.000 đồng/giờ). Mức thu nhập trung bình sau khi trừ các chi phí trong khoảng 800-1200USD/tháng. Khoản thu nhập có thể thay đổi tùy thuộc thời gian làm việc và nơi làm việc. Được tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao thông qua thực tập tại các trang trại. Có cơ hội học tập nâng cao trình độ tiếng Anh. Được trải nghiệm nâng cao kỹ năng mềm khi được giao lưu với sinh viên nhiều nước. Được cấp chứng chỉ quốc tế khi kết thúc chương trình.
Sinh viên đi Israel theo vị trí là học viên thì thực hiện những trách nhiệm sau: Tự túc chi phí chuẩn bị cho tham gia Chương trình gồm: phí khám sức khỏe cấp visa, hộ chiếu, visa, bảo hiểm, bồi dưỡng tiếng Anh, bồi dưỡng kỹ năng bổ trợ kiến thức (văn hóa Israel, sống và làm việc ở Israel), quản lý. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 40 triệu đồng trở lại;
Tự túc tiền vé máy bay lượt về; tự túc phí đào tạo và quản lý đào tạo ở Israel là 200USD/tháng; tự túc chi phí ăn uống, sinh hoạt (khoảng 100 – 130USD/tháng);...
Đối với vị trí phiên dịch, sẽ được phía Israel bố trí chỗ ở miễn phí tại các trang trại hoặc tại Trung tâm, tự túc chi phí sinh hoạt, ăn uống.
Khi khám sức khỏe trước khi ứng tuyển, ứng viên cần uống thuốc tẩy ký sinh trùng (giun, sán,…) theo hướng dẫn y tế để đảm bảo các chỉ số xét nghiệm máu được chính xác; Ứng viên tự kiểm tra tình trạng mù màu (nếu có) thông qua tra cứu website các biện pháp tự kiểm tra mù màu và thông báo với Ban tổ chức Chương trình (nếu có). Dừng uống các loại thuốc chữa bệnh trước ngày khám 3-4 ngày.
Đối với chính sách hỗ trợ cho sinh viên hộ nghèo được vay vốn đặt cọc, đại diện Công ty OLECO sẽ hỗ trợ sinh viên hộ nghèo về thủ tục vay vốn tại ngân hàng chính sách ở địa phương nếu có nguyện vọng được đề đạt.
Trong buổi làm việc với Đại sứ quan Israel tại Hà Nội, Trung tâm Đào tạo quốc tế ARAVA (Israel), Công ty CP Xây dựng, dịch vụ và hợp tác lao động (OLECO), ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, Chương trình hợp tác đào tạo thực hành nông nghiệp tại Israel không chỉ mang lại cơ hội việc làm, thu nhập cho nhiều sinh viên mà còn giúp các em sinh viên được tiếp cận, thực hành tại một đất nước có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển nhất thế giới, từ đó ứng dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam hy vọng, ngày càng có nhiều sinh viên Học viện được tham gia chương trình này, góp phần hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Mỗi sv đăng ký cần làm 1 bộ hồ sơ gồm: Đơn đề nghị đi học tập tại nước ngoài có đầy đủ chữ ký của sinh viên, khoa quản lý và các đơn vị liên quan (theo mẫu); Đơn tự nguyện tham gia chương trình có đầy đủ chữ ký của sinh viên và cha mẹ (theo mẫu); Sơ yếu lý lịch có đầy đủ xác nhận, chữ ký và dấu của UBND xã, phường (theo mẫu); Cam kết của gia đình có đầy đủ xác nhận (theo mẫu); Cam kết của cá nhân (theo mẫu).
Ngoài ra, khi trúng tuyển cần đi làm ngay hộ chiếu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.