Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng các trường phổ thông bàn cách dạy - học an toàn trong dịch Covid-19

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 13/03/2022 08:26 AM (GMT+7)
Ngày 12/3, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến “Ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới tại các trường THPT và đại học”.
Bình luận 0

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam – nhấn mạnh: Hội thảo nhằm mục đích cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các trường xây dựng kế hoạch dạy - học đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định: Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy - học online, đảm bảo chất lượng đào tạo, an toàn trường học và sức khỏe cho cán bộ, viên chức, sinh viên.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng các trường phổ thông bàn cách dạy - học an toàn trong dịch Covid-19 - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Không chỉ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong khuôn viên và hỗ trợ sinh viên mắc kẹt tại Hà Nội, Học viện còn nghiên cứu, chế tạo ra nước sát khuẩn tay dành tặng cho hàng trăm doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và các trường THPT có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đào tạo của Học viện.

“Với thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, Học viện đã được Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp giấy chứng nhận năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. 

Hơn 3 tháng qua, Học viện đã tổ chức xét nghiệp SARS-CoV-2 cho hàng vạn cán bộ, viên chức, sinh viên, người dân, giáo viên, học sinh các trường THPT” - GS.TS Nguyễn Thị Lan thông tin.

Để chung sức cũng các trường THPT ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Học viện đã tặng kit xét nghiệm SARS-Cov-2 cho hơn 200 trường THPT trên cả nước.

Chia sẻ về các công tác phòng chống dịch Covd -19 trong Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện cho biết, để đảm bảo công tác đào tạo trong bối cảnh dịch Covid-19, Học viện đã xây dựng các kịch bản và phương pháp ứng phó, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung; thiết lập hệ thống kiểm soát trong toàn Học viện.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng các trường phổ thông bàn cách dạy - học an toàn trong dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nhờ chủ động các giải pháp ứng phó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch, công tác đào tạo được đảm bảo.

"Học viện tích cực tạo nguồn vaccine để đảm bảo 99% cán bộ, công nhân viên chức của Học viện được tiêm từ 2 mũi trở lên; đồng thời kiến nghị các tỉnh tạo điều kiện tiêm vaccine cho sinh viên. Học viện cũng tập trung nguồn lực để trở thành cơ sở xét nghiệm thẩm định SARS - CoV - 2 bằng phương pháp PCR" - GS.TS Phạm Văn Cường cho biết.

Đồng thời, để thích ứng với tình hình, Học viện cũng đổi mới trong công tác tuyển sinh. Theo đó, áp dụng tuyển sinh online toàn bộ, học sinh làm thủ tục đăng ký nộp hồ sơ qua online, xác nhận nhập học, nộp kinh phí và đăng ký nhập học qua online.

Học viện cũng nhanh chóng chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động đào tạo, tuyển sinh (1 triệu tài khoản bản quyền MS team). 

"Nhờ đó, Học viện đã giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch; cơ bản đảm bảo tiến độ đào tạo, ra trường; quyền lợi của người học được đảm bảo; đa số sinh viên đánh giá chất lượng học tương đương học trực tiếp" - GS.TS Phạm Văn Cường thông tin tại Hội thảo. 

Thực hiện Nghị quyết 128 /NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, GS.TS Phạm Văn Cường cho biết, Học viện xây dựng kịch bản chi tiết cho từng cấp độ dịch; xác định nhu cầu ưu tiên cho sinh viên để sắp xếp, không đưa quá đông sinh viên về cùng một lúc để đảm bảo an toàn cho sinh viên và Học viện.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị Bộ Giáo dục Đào tạo tiếp tục quan tâm hỗ trợ sinh viên, học sinh trong công tác phòng chống Covid -19, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho sinh viên, học sinh, đặc biệt sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Các cơ sở giáo dục đại học, phổ thông cần tăng cường thời lượng học giáo dục thể chất, điều chỉnh  chương trình đào tạo, đưa thêm các kiến thức thể dục luyện tập về phòng chống Covid - 19.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng các trường phổ thông bàn cách dạy - học an toàn trong dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các trường THPT trên cả nước.

Chia sẻ về một số giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế - trao đổi: Ngoài việc tiêm chủng cho học sinh, sinh viên; trong đó có trẻ từ 5-11 tuổi thì cần thực hiện tối đa giải pháp 5K. Tuy nhiên, tuỳ theo các khối lớp mà yêu cầu học sinh đeo khẩu trang. Học sinh bé không nhất thiết yêu cầu các em phải đeo khẩu trang, vì ảnh hưởng đến đường thở.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, cần mạnh dạn cho học sinh đến trường; đồng thời phối hợp giữa gia đình, học sinh với y tế địa phương, nhà trường. Bị nhiễm lớp nào xử lý lớp đó. Không lạm dụng đánh giá F1 và thực hiện cách ly theo quy định.

TS Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) – nhấn mạnh: Ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với đại dịch, trong đó có việc điều chỉnh các nội dung dạy học ứng phó với dịch Covid-19.

Trao đổi về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, TS Đỗ Đức Quế - nhấn mạnh: Đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh khi tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại được Bộ GD&ĐT ưu tiên là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo.

Các cơ sở giáo dục và đào đạo chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trường học và thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem